Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cao su thế giới liên tục tăng từ đầu tháng 5
24 | 06 | 2008
Giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới từ đầu tháng 5 tới nay liên tiếp tăng mạnh do các quỹ hàng hoá mua mạnh và nỗi lo về nguồn cung khan hiếm ở Thái Lan trong bối cảnh dự trữ cao su ở Trung Quốc và Nhật Bản giảm sút.
Giá dầu tăng mạnh, đạt kỷ lục gần 140 USD/thùng đã tác động tới thị trường cao su thiên nhiên. Giá cao su thiên nhiên thường được hưởng lợi trước việc giá dầu thô cao do các nhà đầu tư tin rằng việc giá dầu đắt đỏ sẽ khuyến khích chuyển sang sử dụng cao su tự nhiên thay thế cao su tổng hợp - một sản phẩm của xăng dầu.
Dự trữ cao su ở Trung Quốc suy giảm cũng đang hỗ trợ giá cao su. Tại Thượng Hải, tồn kho cao su giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2006 đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất săm lốp Trung Quốc đẩy mạnh mua vào. So với cùng kỳ năm trước, giá cao su thiên nhiên trên nhiều thị trường châu Á hiện đã tăng 12 - 20%, riêng tại Thượng Hải đã tăng 25 - 27%.
Khu vực Đông Nam Á – khu vực sản xuất cao su thiên nhiên chính, mưa triền miên trong nhiều tuần gây lo ngại về nguồn cung. Tại Thái Lan trong tháng 5, lũ lụt đã xảy ra ở các khu vực trồng cao su chủ yếu, làm việc khai thác mủ bị ngưng trệ. Năm nay, sản lượng cao su Thái khả năng sẽ không tăng do thời tiết lạnh và thiếu mưa. Để kích thích ngành cao su phát triển, Thái Lan nỗ lực tìm kiếm đầu tư của Malaysia vào ngành này.
Dường như nhu cầu cao su thế giới đang vượt quá sản lượng. Thu hoạch cao su ở Trung Quốc năm nay bị chậm lại do mùa đông lạnh và ẩm. Đợt giá lạnh cuối năm ngoái sẽ làm thời gian bắt đầu khai thác mủ cao su ở Trung Quốc bị chậm lại và sản lượng có thể sẽ giảm 15%. Nhu cầu cao su thiên nhiên ở Trung Quốc đã tăng 5,6% trong năm qua, đạt 2,53 triệu tấn. Nhu cầu cao su của Trung Quốc đã tăng 5,6% đạt 2,53 triệu tấn trong năm 2007, do kinh tế tăng trưởng mạnh đẩy nhu cầu xe ô tô các loại tăng nhanh. Dự báo giá cao su tại Thượng Hải (Trung Quốc) trung bình năm nay có thể đạt 30.000 NDT/tấn.
Hiệp hội cao su Indonesia (Gapkindo) và Tập đoàn nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) dự báo thị trường cao su thế giới năm 2008 sẽ cân đối giữa cung và cầu, với sản lượng dự kiến là 9,85 triệu tấn, còn tiêu thụ khoảng 9,84 triệu tấn. Tuy nhiên, đến năm 2009, thị trường cao su thiên nhiên thế giới sẽ thiếu 321.000 tấn cao bởi nhu cầu tăng nhanh hơn so với nguồn cung. Sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu dự báo sẽ đạt 10,16 triệu tấn vào năm 2009, thấp hơn mức tiêu thụ là 10,39 triệu tấn. Sản lượng sẽ không tăng nhanh bằng tốc độ tăng 3% nhu cầu của Trung Quốc và các nước tiêu thụ lớn khác. Sản lượng của Indonesia năm 2009 sẽ đạt khoảng 2 triệu tấn, trở thành nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ 2 thế giới sau Thái Lan.
Với quỹ đất còn dồi dào, dự báo Indonexia sẽ vượt Thái Lan trở thành nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới vào năm 2015, nhờ tăng năng suất và mở rộng diện tích trồng cao su. Sản lượng cao su Indonexia sẽ tăng trung bình 5 –6% mỗi năm bắt đầu từ 2008 để đạt 3,8 triệu tấn vào 2015. Trong khi đó tăng trưởng sản lượng của Thái Lan sẽ chỉ khoảng 2-3% để đạt 3,75 triệu tấn vào 2015. Tiếp tục tăng trưởng, Indonexia sẽ vượt xa Thái Lan vào năm 2020, với sản lượng 4,12 triệu tấn, cao nhất thế giới, gần gấp đôi mức sản lượng của Thái Lan ở thời điểm đó.
Trước 2002, năng suất cao su Indonexia rất thấp, chỉ dưới 700 kg/hécta. Nhưng sau đó, nhờ chú trọng phát triển ngành này, năng suất của Indonexia đã tăng lên 979 kg vào năm 2007. Năm 2007, Indonexia sản xuất gần 2,8 triệu tấn cao su thiên nhiên và vẫn đang nỗ lực tăng sản lượng trên cơ sở tăng hiệu quả sản xuất, được khích lệ bởi giá và nhu cầu cao su tăng trên toàn cầu, theo đà tăng trưởng của các thị trường tiêu thụ lốp xe, găng tay và bao cao su trên toàn cầu. Tốc độ tăng ở Thái Lan chậm hơn do thời tiết bất lợi, thiếu nhân lực lao động và bạo loạn ở 3 tỉnh miền nam, nơi chiếm gần 10% trong 3 triệu tấn sản lượng cao su Thái Lan hàng năm. Xuất khẩu cao su Indonexia, chủ yếu sang Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, ước đạt 2,4 triệu tấn trong năm 2007, song có thể sẽ tăng chậm lại vào năm nay do tiêu thụ nội địa tăng mạnh. Năm 2007 Indonexia tiêu thụ 390.000 tấn cao su thiên nhiên, và vào năm 2008 sẽ tiêu thụ thêm khoảng 10% so với mức ấy. Nhu cầu cao su của ngành ô tô nước này đang rất mạnh, xuất phát từ tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,3% vào năm 2007, mức cao nhất của 11 năm
Phong trào trồng cây cao su ở Campuchia cũng đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, khối lượng mủ cao su xuất khẩu ra nước ngoài lại giảm so với trước, bởi trong tổng diện tích cây cao su đã trồng có quá nhiều cây già cỗi cho sản phẩm chất lượng kém, cần phải trồng mới. Hiện Campuchia đứng thứ 16 trên tổng số 23 nước trên thế giới về xuất khẩu mủ cao su thiên nhiên. Nước này phấn đấu đến năm 2015 số diện tích trồng mới sẽ tăng lên 150.000 ha, trong đó tư nhân sẽ trồng mới trên 100.000 ha.
Dự báo thị trường cao su thiên nhiên thế giới sẽ biến động theo xu hướng thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, tốc độ tăng giá cao su 17% kể từ đầu năm đến nay là quá nhanh và khó có thể duy trì.
Diễn biến giá cao su, kỳ hạn giao tháng 8:

Loại
Đơn vị
1/5
02/06
20/6
RSS3 Thái lan
USD/kg
2,88
3,22
3,27
SMR20 Malaysia
USD/kg
2,78
3,13
3,22
SIR 20 Indonesia
USD/lb
1,25
1,39
1,46



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường