Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp - căn cứ chống lạm phát bị bỏ quên
24 | 06 | 2008
Nông nghiệp là căn cứ vững chắc nhất để chống lạm phát ở Việt Nam. Nhưng việc quan tâm bảo vệ và đầu tư cho căn cứ này đã bị xao lãng trong nhiều năm. VietNamNet xin giới thiệu bài viết thứ hai trong loạt bài về chống lạm phát của TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ.
Trong đợt lạm phát sau năm 1986, chính sách tiền tệ là liệu pháp mạnh nhất, kết quả nhanh nhất. Nhưng chính thành công trong nông nghiệp là nhân tố căn bản ổn định. Gia tăng sản xuất nông nghiệp, lương thực, ổn định nông thôn là ổn định được đại cục. Năm 1989 Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo, không chỉ có được ngoại tệ cân đối nhập khẩu, mà điều quan trọng hơn là khẳng định nhu cầu lương thực được đảm bảo, tạo được niềm tin trong xã hội vào chính sách. Tốc độ tăng CPI năm 1989 giảm xuống còn 2 chữ số (35%).

Nhưng do sản xuất trồi sụt, sản lượng không tăng trong 2 năm 1990 - 1991, cũng chính lương thực đã đẩy lạm phát tăng trở lại ở mức 67%, dù các biện pháp về tiền tệ đã hết sức cứng rắn.

An ninh lương thực trong tình hình mới

Trong vòng 7 năm, từ 2001 - 2007, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp lên tới 500.000 ha, bằng 5% quỹ đất nông nghiệp. Đáng ngại là xu hướng chuyển dịch nhanh diễn ra ở 2 vùng đồng bằng lớn liên quan đến sản xuất lương thực.

Ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đất trồng lúa giảm với tốc độ hàng năm cao gấp 2,5 lần mức bình quân chung cả nước. Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chỉ với việc tỉnh Long An liên tục điều chỉnh qui hoạnh đã nâng diện tích đất khu công nghiệp từ dưới 10.000 ha lên đến 30.000 ha vào năm 2010. Tỉnh An Giang dự kiến đến năm 2010 giảm 17.000 ha đất nông nghiệp và đến năm 2020 giảm 31.100 ha. Với con số này nhân với 60 tỉnh thì không hề nhỏ.

Nhưng điều đáng nói hơn là đất chuyển sang sử dụng công nghiệp cũng chưa thực sự có hiệu quả. Bình quân cả nước thì diện tích đất (các khu công nghiệp) cho thuê đạt tỉ lệ 50%, nhưng đó là so với đất có hạ tầng, có đủ điều kiện cho thuê. Còn nếu so với diện tích đất tự nhiên của các khu công nghiệp, thì tỉ lệ sử dụng mới chỉ đạt 33%.

Ở ĐBSCL tỉ lệ đất cho thuê theo báo cáo đạt 35% so với diện tích đất có thể cho thuê. Còn so với diện tích đất tự nhiên (đất khu CN) thì tỉ lệ sử dụng mới chỉ đạt 25%. Nghĩa là cả nước có đến 2/3 đất chưa sử dụng, còn ở ĐBSCL là 3/4. Nhưng các địa phương vẫn cứ kêu thiếu đất và nhà đầu tư nào bây giờ cũng đòi từ vài chục đến vài trăm, thậm chí hàng nghìn ha với các dự án hết sức hoành tráng.

Có một nghịch lý lớn: Nếu như đất trồng lúa bắt đầu giảm từ nơi có năng suất thấp nhất, thì kết quả cuối cùng chỉ còn lại những vùng đất xấu, khó khăn mới trồng lúa!

Hiểu điều này như thế nào? ĐBSH năng suất lúa thấp hơn so với ĐBSCL nên việc chuyển dịch từ đất trồng lúa sang công nghiệp rất nhanh. Đến một thời điểm nào đó thì gánh nặng về an ninh lương thực sẽ đặt trên vai vùng ĐBSCL.

Tại ĐBSCL thì xu hướng dịch chuyển cũng lặp lại tình trạng tương tự như với cả nước. Nơi nào đất trồng lúa có năng suất thấp hơn sẽ chuyển dịch sang công nghiệp. Đến một lúc nào đó thì cả vùng ĐBSCL chỉ còn lại Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên là trồng lúa. Ở cả hai vùng này, đất canh tác sớm hay muộn cũng bị thoái hóa do sử dụng ngày một nhiều hóa chất, phân bón. Đất nông nghiệp, đất trồng lúa bị thu hẹp thì dù đó là đất cho năng suất thấp hay năng suất cao cũng dẫn đến hệ quả là phần còn lại nhanh chóng thoái hóa bởi gánh nặng quá lớn trên vai. Diễn biến này, đòi hỏi phải có quyết định thực sự mạnh tay ngăn chặn.

Từ nay đến 2010 sản xuất và xuất khẩu vẫn còn tốt. Đến năm 2015, sản xuất đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng, nhưng dư thừa để xuất khẩu có thể không nhiều. Sau năm 2020 vấn đề tùy thuộc vào quỹ đất được duy trì đến mức độ nào và những tiến bộ về năng suất thay đổi ra sao.

Bài học từ các quốc gia trong vùng rất đáng để suy nghĩ. Philippines, Indonesia cũng đã từng là các nước sản xuất gạo lớn (Indonesia đã từng cho VN vay mượn 100 nghìn tấn gạo trong các năm 87-88) thì nay đã trở thành nước nhập khẩu. Trung Quốc đang đối phó với nạn mất đất nông nghiệp và lo lắng về an ninh lương thực đến mức phải tìm kiếm nguồn đất từ nước ngoài thuê để trồng trọt. Điều này nhắc nhở về sự quan tâm với các vấn đề khoa học, nghiên cứu ứng dụng và đầu tư nông nghiệp cũng như nông thôn.

Đầu tư cho nông nghiệp không thỏa đáng

Đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn thấp đã ảnh hưởng tới tốc độ phát triển và chất lượng sản phẩm nông nghiệp và nền công nghiệp thực phẩm

Năm 2000, vốn đầu tư vào nông nghiệp là 17,2 nghìn tỉ đồng chiếm 11,4% trong tổng vốn đầu tư, năm 2006 chỉ còn 5,5%. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước vào nông nghiệp cũng thấp: năm 2000 là 10,3% và năm 2006 là 6,2%. Trong tổng số chi tiêu công từ 1997-2002 thì phần chi cho nông nghiệp chỉ chiếm 6%; trong đó thủy lợi chiếm đến 60%. Theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới, chi cho công tác nghiên cứu có hiệu quả cao nhất vào nông nghiệp, thế nhưng chỉ chiếm chưa đầy 2%, phần lớn là chi trả lương, chi tiêu hành chính.

Môi trường kinh doanh lâu nay Chính phủ nỗ lực nhưng hầu như mới chỉ đến khu vực đô thị, với nông nghiệp và nông thôn thì vẫn chưa. Số doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số doanh nghiệp cả nước, FDI trong nông nghiệp cũng chưa đến 5% tổng FDI. Ngay ở ĐBSCL với 21% dân số nhưng chỉ đạt 16,5% tổng vốn đầu tư từ ngân sách.

Với nông nghiệp, chỉ số ICOR lẽ ra phải cao hơn công nghiệp và dịch vụ nhưng thực tế ở Việt Nam lại thường thấp hơn(*). Điều này cho thấy tình trạng đã lấy đi từ nông nghiệp liên tục nhiều năm phục vụ cho công nghiệp hóa và đô thị hóa. Điều này cũng nói lên là chính sách với hơn 70% dân số còn nhiều thiếu sót.

Đầu tư thấp mà yêu cầu phải có mức tăng trưởng cao và cải thiện chất lượng sản phẩm, cải thiện nông thôn là điều không thể. Các con số này cho thấy chưa có sự chuẩn bị tốt cho việc hội nhập vào WTO, đó cũng là lỗ hổng lớn trong chính sách đảm bảo cho sự bền vững của nền kinh tế.

Đầu tư vào nông nghiệp thấp, chỉ số ICOR nông nghiệp thấp, giá cả nông sản lại tăng vọt và thay đổi thất thường là dấu hiệu cho thấy tình trạng bất ổn với nông thôn gia tăng, đe dọa tính ổn định của cả nền kinh tế đặc biệt trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
  • Võ Hùng Dũng (VCCI Cần Thơ)


Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường