Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi nông dân đổ xô đi... trồng lúa
02 | 07 | 2008
Sau con tôm, cá ba sa... giờ đây đến lượt cây lúa đang được xem là cây trồng “thời thượng” ở ĐBSCL. Hàng chục ngàn hecta cây ăn trái, vườn ao nhanh chóng bị “khai tử” để chuyển đổi sang trồng lúa. Điệp khúc “ trồng - chặt”, “đào - lấp” lại tiếp tục...
Hàng chục ngàn hecta cây ăn trái, vườn tràm và ao nuôi thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL đang bị nhanh chóng "khai tử" chuyển sang trồng lúa, bất chấp những cảnh báo từ các nhà khoa học về vấn đề thổ nhưỡng, thị trường...

Hiện tượng trên một lần nữa phản ảnh bức tranh qui hoạch sản xuất của vùng đất trù phú đang tiếp tục bị... thả nổi và nông dân vẫn đang phải tự "bơi" trong vòng luẩn quẩn "trồng - chặt", "đào - lấp" như đã từng xảy ra trong quá khứ...

Vào những ngày cuối tháng 6-2008 hàng chục hộ nông dân ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) đang tất bật đốn bỏ cây tràm để kịp xuống giống vụ hè thu muộn. Tiếng máy đào gốc tràm gầm gừ khắp nơi. Vùng Đồng Tháp Mười heo hút bỗng chốc trở thành một đại công trường.

Xóa sổ rừng tràm

Bất chấp trời nắng như đổ lửa, ông Trần Văn Hó ở ấp Tân Hưng Đông, xã Tân Hòa Tây vẫn miệt mài kéo gốc tràm đã được máy đào lên nằm lăn lóc dưới ruộng. Ông Hó quả quyết: "Giá lúa đang tăng cao nên chậm một ngày là thua người ta. Phải tranh thủ nhổ hết gốc tràm để xuống giống liền. Ở đây người ta thấy lúa được giá nên thuê máy tới phá tràm cả tháng rồi".

Hàng chục ngàn hecta đã bị chuyển đổi

Hiện nay các cơ quan chức năng chưa có số liệu về diện tích vườn cây ăn trái, ao nuôi trồng thủy sản, rừng tràm... ở 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL bị phá bỏ chuyển sang trồng lúa.

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Tuổi Trẻ, tính đến thời điểm đầu tháng 7-2008, tại một số tỉnh đã có khoảng 200ha vườn cây ăn trái, khoảng 500ha khóm, trên 3.000ha tràm, hơn 1.000ha mía và khoảng 20.000ha ao tôm... đã trở thành ruộng lúa.

Ông Hó trồng 3.500m2 tràm từ sau năm 1975 đến nay, những năm trước cây tràm có giá nên cuộc sống của gia đình ông không đến nỗi nào. Nhưng nay tràm mất giá trong khi giá lúa lên nên gia đình ông Hó quyết định chuyển toàn bộ diện tích trên sang trồng lúa vụ hè thu này. Ở gần đó, 2ha bạch đàn của ông Mười Lý đã được đốn xong. Máy đào đang hì hục ban liếp ra cho bằng phẳng, chuẩn bị xuống giống vụ hè thu muộn.

Tiếp xúc với chúng tôi, những người dân đang đốn bỏ rừng tràm để trồng lúa ở xã Tân Hòa Tây so sánh: trồng tràm mất 5-6 năm mới thu hoạch nhưng chỉ bán được 7-8 triệu đồng/ha. Còn trồng lúa chỉ cần một vụ/năm với năng suất chừng 3 tấn/ha cũng "ngon" hơn trồng tràm.

Điều đáng nói là chi phí đầu tư cho việc chuyển đổi từ tràm sang lúa khá tốn kém. Chỉ riêng tiền thuê máy đào nhổ gốc kéo lên bờ mất 12 triệu đồng/ha. Sau đó còn phải thuê nhân công san đất cho phẳng, đưa nước ngọt vào rửa phèn một thời gian mới có thể xuống giống được.

Theo phó chủ tịch UBND xã Tân Hòa Tây Nguyễn Văn Dũng, cuối năm 2007 xã còn hơn 400ha tràm nhưng hiện nay người dân đã phá hết 100ha để trồng lúa. "Với đà này chừng một năm nữa cây tràm ở đây không còn. Giá tràm quá rẻ trong khi giá lúa đang tăng cao nên địa phương không có cách nào ngăn cản dân phá tràm trồng lúa" - ông Dũng nói.

Ông Võ Văn Bằng, phó Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước, cho biết huyện dự kiến qui hoạch giữ lại hơn 400ha tràm ở đây nhưng bây giờ người dân phá gần hết, nên huyện đã xin ý kiến UBND tỉnh Tiền Giang cho phép bỏ tràm chuyển đổi sang trồng lúa luôn!

Tương tự, tại Long An nông dân ở các huyện Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa... cũng đang đổ xô đốn bỏ cây tràm để chuyển sang trồng lúa hoặc trồng màu. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Long An, diện tích tràm hiện nay đã giảm khoảng 3.000ha so với năm trước. Phần lớn cây tràm bị đốn bỏ chủ yếu để nông dân lấy đất trồng lúa.

Teo tóp... vườn cam, vườn bưởi

Dừa, khóm cũng bị... đốn hạ

Hàng trăm hecta đất trồng khóm chuyên canh ở ĐBSCL cũng đang bị "bốc hơi" dần vì cơn sốt giá lúa. Tại huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) hiện đã có gần 500ha khóm ở vùng đất Ba Đình nổi tiếng ngọt ngon cũng bị phá bỏ để chuyển sang nuôi thủy sản và trồng lúa.

Còn tại hai xã Tây Yên và Tây Yên A, huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) hiện đã có hàng chục vườn dừa cũng bị đốn hạ để... trồng lúa. Ông Hai Khịa đã gắn bó lâu dài với cây dừa trên vùng đất Tây Yên hàng chục năm nay nhưng bây giờ cũng quyết định chuyển đổi cơ cấu bằng việc đốn bỏ hơn 2ha vườn dừa để cải tạo đất trồng lúa. "Hiện giờ giá lúa tăng cao, nghe nói có người làm lúa lãi đến 20 triệu đồng/ha nên tôi ham lắm" - ông Khịa cho hay.

Không chỉ cây tràm, diện tích các vườn cam, bưởi... ở tỉnh Vĩnh Long cũng đang thu hẹp dần để nhường chỗ cho cây lúa.

Ông Nguyễn Văn Dễ, ngụ xã Trà Côn, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), cho biết vùng chuyên canh cam sành huyện này bị nhiễm bệnh vàng lá greening rất nặng. Nhiều chủ vườn đã vét sạch túi mua thuốc trị mà bệnh vẫn trơ trơ. "Cam bị bệnh chẳng cho thu hoạch gì, tụi tôi nản lắm. Trước đây nghĩ mãi chẳng biết đốn bỏ cam rồi trồng cây gì nên cứ chần chừ, do dự. Bây giờ thấy giá lúa lên cao, bà con ở đây quyết định ban liếp ra trồng lúa" - ông Dễ nói.

Theo ông Trần Văn Hoàng - phó chủ tịch UBND xã Trà Côn, toàn xã có hơn 400ha đất trồng cam sành nhưng nay đã "bốc hơi" khoảng 50ha. Hiện người dân trong xã vẫn tiếp tục đốn cam để trồng lúa. Diện tích vườn cam đang teo tóp dần...

Còn tại huyện Bình Minh - cái nôi của bưởi Năm Roi, nhiều nông dân cũng bắt đầu "hạ sát" vườn bưởi để trồng lúa.

Theo ông Phan Nhựt Ái - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, chỉ trong một thời gian ngắn toàn tỉnh đã có hơn 170ha cam sành, bưởi ở huyện Trà Ôn và Tam Bình bị người dân "khai tử" để lấy đất trồng lúa. Hầu hết diện tích vườn cam bị phá đều do người dân trồng theo phong trào, nhưng do làm không đúng kỹ thuật nên hiệu quả không cao.

Theo kế hoạch, năm 2008 huyện Bình Minh sẽ chuyển khoảng 100ha lúa thành vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, khi mới chuyển được 5ha thì giá lúa tăng cao nên nông dân quyết định... tiếp tục trồng lúa chứ không chịu lên vườn.

Đồng mía, ao tôm cũng không còn

Ông Trần Văn Hó ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước (Tiền Giang) đang phá bỏ vườn tràm để chuẩn bị trồng lúa (ảnh chụp ngày 29-6) - Ảnh: V.TR.

Hai năm trước xã Trí Lực, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) có 1.400ha mía nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 900ha. Hơn 500ha mía sau một thời gian ngắn đã "biến" thành... ruộng lúa.

Ông Trần Văn Xê (xã Trí Lực, Thới Bình) cho biết gia đình có 8.000m2 đất trồng mía, nhưng chưa bao giờ trong nhà ông có "của ăn của để” nhờ tiền bán mía. Thấy giá lúa tăng vùn vụt, ông Xê và nhiều người dân khác quyết định bỏ mía chạy theo cây lúa. "Với giá lúa như hiện nay tính ra trồng lúa thu lợi gấp 10 lần trồng mía, nên tôi không có lý do gì giữ cây mía hết" - ông Xê nói.

Theo chủ tịch UBND huyện Thới Bình Võ Hoàng Hiệp, vài năm trước toàn huyện có hơn 2.000ha mía nhưng hiện còn chưa tới 1.500ha. Hơn 500ha mía đã bị người dân phá bỏ để trồng lúa. Ông Hiệp lo lắng: "Người dân ồ ạt phá mía trồng lúa theo phong trào như hiện nay đã làm hỏng qui hoạch của địa phương. Sự việc cũng đã được báo cáo về tỉnh nhưng vẫn không thể ngăn cản được vì người dân nêu ra rất nhiều lý do mà theo họ thì... chính đáng".

Không chỉ các loại cây ăn trái, ao nuôi tôm, cá... cũng đang được nông dân chuyển sang trồng lúa. Theo ông Nguyễn Văn Khởi - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, năm 2007 đã có khoảng 8.000ha ao tôm được tận dụng trồng lúa, năm nay diện tích "tôm-lúa" ở huyện Mỹ Xuyên có khả năng sẽ tăng lên 14.000ha.



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường