Với giá lúa hiện nay tuy người trồng lúa vẫn lãi khoảng 8- 10 triệu đồng/ha nhưng so với giá gạo các DN ký với đối tác nước ngoài thì nông dân được hưởng phần lợi nhuận không đáng kể trong chiếc bánh lợi nhuận. Trong khi đó, chính họ là người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” suốt hơn 3 tháng liền để làm ra hạt gạo.
Ông Lê Văn Bá, ngụ tại ấp Bờ Sao, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) cho biết, ông vừa thu hoạch xong 0,8 ha lúa hè thu, sản lượng đạt hơn 4 tấn lúa. Qua theo dõi tin thời sự, ông rất phấn khởi vì biết vụ lúa hè thu này nông dân ở khu vực ĐBSCL trúng mùa, Chính phủ vẫn cho XK gạo và có chủ trương mua trữ gạo nên giá lúa khá cao…Nhưng khi thu hoạch xong, phơi khô, làm sạch ông chỉ bán cho thương lái được 4.730 đồng/kg.
Tương tự, mới đây (ngày 22/6) ông Nguyễn Văn Bé Sáu, ấp 4, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long (Trà Vinh) vừa thu hoạch được hơn 6 tấn lúa cấy giống lúa IR 50404 nhưng chỉ bán được 4.750 đồng/kg…Tuy biết bị ép giá nhưng có nhiều hộ nông dân buộc phải bán ngay sản phẩm của mình làm ra sau khi thu hoạch. Bởi vì họ cần tiền để thanh toán các khoản chi phí như mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đầu tư tiếp cho vụ lúa thu đông sắp tới. Trái lại, có một số hộ không làm nông nghiệp lại đầu tư vốn tổ chức mua gom lúa với số lượng lớn.
Vụ lúa hè thu là vụ sản xuất chính ở khu vực ĐBSCL, riêng tại tỉnh Trà Vinh đã xuống giống được 82.000 ha, tăng hơn 1.200 ha so với vụ hè thu trước, ước tổng sản lượng có khả năng đạt từ 400.000- 420.000 tấn lúa. Nếu cứ duy trì giá lúa như hiện nay, ngoài việc nông dân bị thiệt chưa hẳn doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có lợi lâu dài vì trên địa bàn ĐBSCL hiện đang có dấu hiệu tư thương mua vét lúa gạo trước khi DNXK gạo kịp đến mua.
Vấn đề đặt ra là, DN cần tính toán giá mua lúa hợp lý hơn để nông dân có thể bán lúa trực tiếp cho DN mà không phải qua cầu cấp trung gian.