Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Viet Gap, giải pháp cho vùng chuyên canh vải
04 | 07 | 2008
Trong khi rất nhiều nơi, nhiều người “dở khóc, dở cười” trước điệp khúc được mùa, mất giá thì ở thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang (Lục Ngạn - Bắc Giang), nông dân vui như “mở cờ” vì vải được mùa mà vẫn được giá. Đây là kết quả của chương trình sản xuất vải theo quy trình Viet Gap.
Được mùa, được giá

Dẫn chúng tôi thăm vườn rộng 1,5 mẫu (1 mẫu = 3.600m2), anh Bùi Cao Huy, Phó chủ tịch Hội Làm vườn xã Hồng Giang vui vẻ nói: “Toàn bộ vải đã được một chủ hàng bên Trung Quốc bao tiêu với giá 8.000 đồng/kg. Đây thật sự là niềm vui và bất ngờ đối với gia đình tôi sau rất nhiều năm “khóc” vì vải”. Kết quả này có được từ quyết định táo bạo của anh Huy, đó là tham gia dự án sản xuất vải thiều theo quy trình Viet Gap do Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Anh Huy nhớ lại: “Trước đây chưa sản xuất theo quy trình Viet Gap, cứ đến mùa vải, vợ chồng tôi lại lo đứng lo ngồi vì rớt giá. Vụ vải năm 2004, tôi thu hoạch sớm với mong muốn bán được giá nhưng vẫn không thoát khỏi tình trạng thất thu. Tôi tiếp tục đầu tư lò sấy để chế biến vải khô nhưng giá nhiên liệu lại tăng cao, thu không đủ chi nên đành để đấy. Cuối năm 2007, khi dự án Viet Gap được triển khai, tôi là một trong những người đầu tiên tham gia. Và kết quả như mọi người đã thấy, quả vải to đều, màu đỏ tươi, vị ngọt đậm, đặc biệt là, không bị sâu bệnh… Tôi không cần phải mang ra chợ bán mà thương lái đến tận vườn đặt mua. Dự tính năm nay sẽ thu trên 10 tấn vải. Với giá như hiện nay, tôi cầm chắc hàng chục triệu đồng tiền lãi”.

Ngay sát vườn của anh Huy là vườn vải 300 gốc trĩu quả chín đỏ của anh Lê Thế Vượng. Anh cho biết, mặc dù nông dân khắp nơi đang đứng ngồi không yên vì giá vải thấp, có nơi xuống 1.000 đồng/kg mà không bán được thì vải của anh vẫn chưa đến kỳ thu hoạch. “Do nắm được kỹ thuật hãm chín muộn nên phải nửa tháng nữa, khi vải chính vụ đã vãn, vườn của gia đình tôi mới bắt đầu thu hoạch. Cũng đã có một số chủ buôn người Trung Quốc tới đặt vấn đề nhưng tôi từ chối vì giá cả chưa biết thế nào. Tuy nhiên, cứ đà này, khi ấy giá vải cũng phải đạt 14.000 đồng/kg. Được như thế thì ai bảo người trồng vải không sống được với vải nữa”, anh Vượng cười sung sướng.

Dạo quanh một vòng tại các khu vườn trồng theo quy trình Viet Gap, điều khiến chúng tôi bất ngờ là những gia đình ở đây không có vẻ lo lắng khi giá vải xuống thấp. Vải chín đến đâu đều có người đặt mua tới đó. Những vườn vải của 30 hộ ở Hiệp Tân đang thực sự hồi sinh như 10 năm trước đây.

Hướng đi tất yếu

Cuối năm 2007, đề tài ứng dụng quy trình công nghệ trước và sau thu hoạch để sản xuất và bảo quản vải chất lượng cao, rải vụ thu hoạch, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu (gọi tắt là VietGap) được thực hiện tại 30 hộ ở Hiệp Tân với tổng diện tích 5ha. Người trồng vải được hướng dẫn quy trình an toàn từ khâu chăm sóc, vệ sinh, sử dụng chế phẩm sinh học Kiviva, cung cấp thiết bị và kỹ thuật bảo quản lạnh đến lựa chọn vùng đất trồng thích hợp, chọn giống trồng để rải vụ thu hoạch, các kỹ thuật chăm sóc cơ bản, phương pháp thu hái, xử lý, đóng gói, bảo quản và vận chuyển sản phẩm... Quy trình này có thể kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm khoảng 30 ngày sau khi thu hoạch và kéo dài thêm vụ thu hoạch 20-60 ngày. Đặc biệt, bà con còn được hướng dẫn cách nhận biết và phòng trừ các loại sâu bệnh, phòng chống bệnh sương mai bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh hoặc thảo mộc hoặc các loại bẫy sinh học, vừa an toàn vừa tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Anh Huy khẳng định: “Sản xuất theo quy trình Viet Gap không tốn kém mà chất lượng vải lại cao hơn hẳn so với cách trồng truyền thống”.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình vải Viet Gap ở Hiệp Tân, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là hướng đi tất yếu, giúp xoá đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi. Các vùng chuyên canh cần sớm triển khai mô hình này nhằm ổn định đầu ra cho người trồng vải. Trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn như vải thiều ở Hiệp Tân có ý nghĩa rất lớn, nhằm giúp người nông dân quen với cách làm mới-thị trường nông sản giá cao.

Vừa qua, Hội Làm vườn huyện Lục Ngạn đã hoàn thành việc đăng ký thương hiệu, lôgô vải thiều Lục Ngạn, quy chế sử dụng và quản lý nhãn hiệu hàng hoá, bước đầu chiếm lĩnh thị trường và nâng cao giá trị hàng hoá của vải, tăng năng lực cạnh tranh với sản phẩm vải thiều của các tỉnh.




Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường