Khởi nghiệp từ ký ức tuổi thơ
Hà Việt Hùng sinh năm 1968 tại Hà Nội. Đang học Đại học Mỹ thuật, năm 1989 anh chuyển vào Tp.HCM cùng một số người quen mở cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Gặp thời, cơ sở của Hùng làm ăn khấm khá và anh tích cóp được một số vốn tương đối lớn vào lúc đó.
Trong một lần “chén chú chén anh” cùng bạn bè với món thịt ba ba, ký ức tuổi thơ lại tràn về với Hùng. Ngày đó, cứ mỗi chiều, vì nhà ở gần Hồ Gươm nên Hùng và các bạn thường ra bờ hồ chơi đùa. Những hôm cụ rùa già ở Hồ Gươm nổi lên, Hùng lại lân la đến xem, có lúc còn sờ được tay vào mai rùa. Hùng còn nghe nhiều người nói rằng thịt rùa dùng làm thuốc chữa được một số loại bệnh… Hình ảnh con rùa Hồ Gươm bất chợt làm lóe lên trong đầu Hùng một ý nghĩ độc đáo: Tại sao không nuôi rùa để bán thịt thương phẩm và làm thuốc?
Nhưng lấy giống rùa ở đâu ra, hơn nữa cũng ít thấy ai nuôi rùa để bán. Suy nghĩ miên man, cuối cùng Hùng đã tìm được lời giải ngay trên bàn tiệc: nuôi ba ba.
Nghĩ là làm. Hùng bỏ thời gian tìm tới các trại nuôi ba ba học hỏi kỹ thuật và mua con giống về nuôi. Ở thời điểm đó, giống ba ba nuôi ở Việt Nam chủ yếu là đánh bắt từ tự nhiên, phần nhiều là từ đồng bằng sông Hồng. Hùng ngược bắc xuôi Nam, lặn lội tìm tới mỗi khi nghe ở đâu đó có nuôi và bán con giống ba ba. Lúc đầu, Hùng chỉ mua con giống với số lượng nhỏ để nuôi thử.
Lần đầu tiên con giống bị chết sạch. Hùng tiếp tục đi mua giống về nuôi lần thứ hai, thứ ba... nhưng lần nào cũng vậy, con giống thả xuống hồ chỉ sống được một thời gian ngắn.
Hùng tâm sự: “Tính mình đã làm gì thì quyết tâm phải làm cho được. Số vốn chắt chiu được hơn 5 tỉ đồng đã tan theo mây khói. Gia đình can ngăn rất nhiều vì lúc đó làm hàng mỹ nghệ đang rất phát đạt nhưng mình “cay cú” sau những lần thất bại như thế và tiếp tục gom góp, vay mượn để chuẩn bị đánh canh bạc cuối cùng”.
Có tiền rồi, Hùng nhờ người thân ở nước ngoài tìm mua tài liệu về ba ba để nghiên cứu. Anh còn khăn gói sang cả Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc… học hỏi kỹ thuật và mô hình làm trang trại nông nghiệp. Từ đó Hùng mới biết những lần trước anh thất bại vì giống ba ba ở sông Hồng đưa vào phía Nam nuôi không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… nên sinh bệnh và chết.
Sau một thời gian nghiền ngẫm tài liệu, cảm thấy mình đã nắm vững kỹ thuật, Hùng quyết định mua trứng ba ba về cho ấp ở trang trại rộng 20 héc ta của mình ở Bình Phước. Anh bỏ công theo dõi trứng từng ngày và khi trứng nở anh lại ăn ngủ luôn ở đó để chăm sóc ba ba con. Hùng nhớ lại: “Lúc đó. khi ăn mình cũng nghĩ tới ba ba, khi ngủ cũng lại mơ thấy ba ba”. Lứa ba ba này Hùng nuôi thành công sau hơn một năm. Ngoài những con tốt Hùng giữ lại làm giống, phần còn lại bán cho các nhà hàng được hơn 100 triệu đồng.
Thương hiệu “Vietfarm Hùng Tiến”
Năm 1996, Hà Việt Hùng thành lập Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất Việt Hùng chuyên sản xuất và kinh doanh các loại cây, con giống. Ngoài giống ba ba và một số loại cây trồng, Hùng còn nghiên cứu nuôi để bán giống và thịt đà điểu, cá sấu và trùn quế. Tất cả các sản phẩm này đều lấy chung một thương hiệu là “Vietfarm Hùng Tiến”.
Theo Hùng, lấy chung một thương hiệu như thế sẽ dễ dàng hơn khi giao dịch với nông dân và các đối tác khi bán sản phẩm. Hùng kể, nhu cầu về giống và thịt ba ba trên thị trường rất lớn, Việt Hùng và một số ít cơ sở khác lúc đó nuôi ba ba không đủ bán.
Hùng nghĩ đến việc cung cấp con giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Anh và các kỹ sư cộng sự đã nghiên cứu và sản xuất thành công ba ba giống từ nguồn ba ba cái mua ở Đài Loan và ba ba đực ở sông Hồng. Giống ba ba mới này dễ nuôi hơn, tăng trọng nhanh và thịt cũng không thua kém ba ba đánh bắt trong tự nhiên.
Thông qua các hội nông dân, các hội thảo chuyên đề, Hùng thuyết phục các hộ dân mua ba ba giống của mình về nuôi và hướng dẫn kỹ thuật cho họ. Thậm chí những người ở xa đến tìm hiểu kỹ thuật nuôi ba ba ở trại Việt Hùng còn sắp sếp chỗ ăn ở hoàn toàn miễn phí. Đến khi ba ba thu hoạch được, họ chỉ cần báo là anh sẽ cử người xuống mua ngay tại trại theo giá đã thỏa thuận.
Chính vì vậy đã tạo được một phong trào nuôi ba ba khá rầm rộ cuối những năm 1990. Để thu hút nông dân đến với mình, Hùng còn trao học bổng trị giá 300.000 đồng cho con em của bất kỳ nông dân nào ký hợp đồng mua giống và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp Việt Hùng.
Hùng cho biết, hiện nay giá ba ba giống khoảng 10.000 đồng một con, sau 12-14 tháng nuôi đạt trọng lượng 1,2-1,5 ki-lô-gam, Việt Hùng thu mua với giá 120.000-160.000/ki-lô-gam. So với các loại vật nuôi khác thì nuôi ba ba có hiệu quả hơn vì chi phí cho thức ăn và thuốc men không nhiều lắm và thị trường lại rất ổn định.
Hiện nay, không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước thông qua các nhà hàng mà 30% sản phẩm ba ba thịt của Việt Hùng còn được xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc. trong số đó có Công ty Yangchon Farming Union của Hàn Quốc mua ba ba để bào chế dược phẩm. Năm tháng đầu năm nay, Việt Hùng đã xuất khẩu được 200 tấn thịt ba ba và tiêu thụ trong nước gần gấp đôi con số đó.
Năm 2004, Việt Hùng đã ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 1.000 hộ dân và trang trại nuôi ba ba ở ĐBSCL, miền Trung và một số ít ở phía Bắc. Hùng cho biết ba ba thương phẩm hiện rất hút hàng.
Riêng Việt Hùng hiện có khả năng cung cấp cho thị trường mỗi năm khoảng 2.000 tấn thịt ba ba và 500.000 con giống. Bây giờ nhắc đến Vietfarm Hùng Tiến người trong nghề không mấy ai không biết.
Và mô hình “bốn tầng sinh thái”
Đạt được những thành công ngoài mong đợi với con ba ba, Hà Việt Hùng đang dần hoàn thiện một mô hình kinh doanh trang trại khép kín. Hiện Hùng là chủ của năm trang trại lớn ở Bình Phước, TPHCM, Ninh Bình, Tây Ninh. Ở những trang trại này, Hùng áp dụng mô hình chăn nuôi do chính anh thiết kế gọi là “Bốn tầng sinh thái”: trùn quế - ba ba - đà điểu - cá sấu.
Theo Hùng, chăn nuôi theo mô hình này sẽ tận dụng được tối đa nguồn thức ăn cho từng loại vật nuôi theo “chu trình sinh học” và khi cần, có thể lấy ngắn nuôi dài. Qua thực tế, mô hình chăn nuôi này đã được nhiều nhà nghiên cứu nông nghiệp đánh giá cao.
Hùng cho biết, Doanh nghiệp Việt Hùng đã được giao đất ở tỉnh Ninh Bình để thực hiện mô hình chăn nuôi trang trại kết hợp du lịch sinh thái. Anh đánh giá đây là dự án rất quan trọng, được sự hợp tác và tài trợ của một tổ chức nước ngoài. Hơn nữa, vùng đất này đã được quy hoạch là một khu bảo tồn sinh thái và nhiệm vụ của anh là tạo ra một trang trại sạch và xanh kiểu mẫu để khai thác du lịch.
Giàu có với gia sản hàng tỉ đồng, nhưng người ta vẫn hay bắt gặp Hùng xắn quần lội xuống ao để kiểm tra từng con ba ba. Anh tâm sự: “Con ba ba đã giúp tôi làm ăn thành công và tôi muốn tìm tòi các giải pháp kỹ thuật để giúp bà con nông dân cũng thành công như tôi. Con ba ba đã “ăn” vào máu thịt tôi và thật khó tưởng tượng nếu không nuôi ba ba nữa thì tôi sẽ làm gì. Vì thế tôi thích mọi người gọi mình là “Hùng Ba ba” chứ không phải là tỉ phú”./.