Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cà phê có thể đạt 2 tỷ USD/năm
10 | 07 | 2008
Ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước cơ hội thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. Giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD/năm có thể nằm trong tầm tay.
Đó là ý kiến của đa số các địa biểu tại Hội thảo "Đánh giá tác động hai năm gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam: ngành cà phê, ca cao, hồ tiêu, hạt điều" tổ chức tại Hà Nội, sáng nay (9/7).

Cơ hội lớn

Theo đánh giá cả các chuyên gia thị trường và các nhà kinh tế trong và ngoài nước, ngành cà phê Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới với những thuận lợi sẵn có của ngành.

Với diện tích khoảng 500.000 ha, lượng cà phê xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ước khoảng 850.000 tấn, riêng năm 2007, lượng cà phê xuất khẩu sang các nước đạt 1,074 triệu tấn, tương đương giá trị 1,643 tỷ USD. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt trên 1 tỷ USD.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), WTO mang lại cho Việt Nam một “sân chơi” khổng lồ, với hơn 5 tỷ người tiêu thụ, 95% giá trị thương mại thế giới và kim ngạch nhập khẩu trị giá 635 tỷ USD/năm.

Trong khi đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới sắp tới mỗi năm tăng khoảng 2 triệu bao, dự kiến đến năm 2018, thế giới cần tới 140 triệu bao. Đây là cơ hội "vàng" cho cà phê Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, mặc dầu có sự phát triển với tốc độ cao với vị trí quốc gia xuất khẩu nông sản lớn thứ nhất thế giới xét về tỷ lệ giữa kim ngạch xuất khẩu nông sản trên tổng GDP trong nông nghiệp, nhưng các sản phẩm xuất khẩu đó của chúng ta vẫn chưa có sự phát triển vững chắc, còn bộc lộ nhiều nhược điểm.

Gót chân A-sin của ngành cà phê

“Gót chân A-sin” của ngành cà phê Việt Nam chính nằm ở chất lượng sản phẩm chưa cao, như việc “chất lượng cà phê không ổn định, công nghệ thu hoạch và bảo quản còn lạc hậu, đầu tư chế biến để tăng giá trị thặng dư chưa nhiều và đặc biệt chúng ta chưa xây dựng được những thương hiệu mạnh gắn liền với vị trí của sản phẩm trên thị trường quốc tế”, Thứ trưởng Vĩnh thẳng thắn thừa nhận.

Theo thống kê của Vicofa, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua, đưa nước ta đứng thứ hai thế giới trong số những nước xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, theo ông Vân Thành Huy, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Đắk Lắk, thói quen chào bán và xuất khẩu cà phê sơ chế theo tiêu chuẩn 13-5-1 (thuỷ phần, hạt đen vỡ, tạp chất…) với giá thường thấp so với thị trường cùng loại, cụ thể so với giá LIFFE (London) trừ từ 120 -240 USD/tấn, nông dân và nhà xuất khẩu Việt Nam bị thua thiệt lớn.

Lý giải điều này, ông Lương Văn Tự, cho rằng đó là do thói quen cố hữu "tuốt cành" khi thu hoạch cà phê của người nông dân (80% nông dân áp dụng cách này) do đó quả xanh chín lỗn lộn dẫn đến chất lượng cà phê không cao, thiếu ổn định khiến lượng cà phê bị thải loại. Ngoài ra còn là do công nghệ nhà máy chế biến của nước ta hiện vẫn còn yếu, so với yêu cầu về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là chất lượng xuất khẩu thì năng lực chế biến ở khâu sơ chế chỉ đạt khoảng 20%, khâu tinh chế đạt 40%, công nghệ sấy chất lượng cao mới chỉ đạt 20%.

Theo dự báo, đến năm 2010, diện tích cà phê Việt Nam sẽ chỉ duy trì ở mức 450.000 ha cà phê (thay vì 500.000 ha như hiện nay), trong đó cà phê chè đạt 100.000 ha, sản lượng hơn 800.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu cà phê khoảng 1,2 tỷ USD.

Chính vì thế, mặc dù là thành viên của Tổ chức Cà phê thế giới, tổ chức đã có 25 nước chiếm 73,1% lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu phải tuân thủ những tiêu chuẩn về cà phê xuất khẩu, thế nhưng Việt Nam hiện lại nằm trong số 26,9% lượng cà phê không tuân thủ tiêu chuẩn nào của Tổ chức Cà phê thế giới. Số lượng cà phê xuất khẩu bị thải loại còn chiếm tỷ lệ cao (hơn 80%) trong tổng số cà phê xuất khẩu bị thải loại của thế giới.

Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó Chủ tịch Vicofa, cần phải tiến tới thống nhất quy chuẩn giữa người trồng cà phê, nhà sản xuất chế biến kinh doanh cà phê cần đầu tư để nâng cao chất lượng cà phê từ vườn rẫy đến sản phẩm chế biến sau thu hoạch, bỏ lối thu hoạch truyền thống “tuốt cành”, thay vào đó là thu hoạch có tuyển chọn.

Đánh giá chung về triển vọng cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, các chuyên gia đều cho rằng, cơ hội lớn là rất lớn song nếu tiếp tục kinh doanh cà phê xuất khẩu theo kiểu “ăn xổi ở thì” như hiện nay thì Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu phát triển thương hiệu bền vững, ngoài ra sẽ vẫn tiếp tục làm mất đi cơ hội gia tăng lợi nhuận của mình, cũng như làm mất đi lợi thế của một nước nằm trong tốp đầu thế giới về xuất khẩu cà phê.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường