Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải quyết cá tra tồn đọng ở đồng bằng sông Cửu Long: Càng mua càng... nhiều?
11 | 07 | 2008
Câu chuyện cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa thể kết thúc, mặc dù đã có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN và PTNT cũng như các địa phương.

Sang đến tháng 7, tức là 1 tháng sau khi Chính phủ quyết định giải ngân 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) vay để thu mua cá tra tồn đọng, Cục Nuôi trồng thủy sản thống kê vẫn còn tới 300.000 tấn cá quá lứa, hoặc đến kỳ thu hoạch nằm ở ao nuôi. Trong khi đó, gói vốn hỗ trợ 1.000 tỷ đồng mới giải ngân được 22%.

Tại cuộc họp trực tuyến về tiêu thụ cá tra khu vực ĐBSCL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân cho biết, Đồng Tháp đang tồn đọng 36.900 tấn quá lứa, đến kỳ thu hoạch và còn khoảng 40.300 tấn sắp thu hoạch. Tình trạng này đẩy các DN luôn hoạt động tới 190% công suất. Nhưng, nghịch lý ở chỗ, trong số nguồn vốn vay thương mại được cấp 200 tỷ đồng, tỉnh mới giải ngân được 81 tỷ đồng  cho  các  hộ nuôi là chủ yếu,  còn  DN  chỉ vay 2 tỷ đồng.

Tại sao lại như vậy? Trả lời câu hỏi này, nhiều DN cho rằng, dường như quá trình phát triển tự phát khiến cho con số thống kê diện tích nuôi, sản lượng tồn đọng của các địa phương không thể chính xác. Con số đưa ra thấp hơn con số thực nhiều lần, bởi DN càng mua, lại càng thấy có nhiều cá tồn. Mặc dù các DN tăng công suất chế biến thêm 1.000 tấn/ngày, nhưng khó có thể tiêu thụ hết lượng cá này trong tháng 7 và 8 như ước tính ban đầu. Thêm nữa, DN kiến nghị ngân hàng hạ lãi suất, đơn giản thủ tục cho vay, vì ngoài kinh doanh, việc thu mua cá còn giúp cho nông dân ổn định sản xuất không chỉ vụ này mà cả những vụ sắp tới. Nhưng, lãi suất vay cao, thủ tục nhiêu khê, phức tạp khiến nhiều DN “lăn tăn” với chương trình vay tiền mua cá cho bà con nông dân. Thậm chí, có DN nói thẳng rằng nếu buộc DN vay với lãi suất cao để thu mua cá tồn đọng của nông dân ngoài kế hoạch sản xuất khác nào đẩy rủi ro từ phía nông dân (do làm ăn tự phát) sang DN.

Trong khi DN không muốn vay vốn, nhiều nông dân đang cần vốn lại không được vay. Thiếu vốn duy trì sản xuất, nhiều chủ vựa cá quyết định bán cá non để chốt lỗ. Số khác không bán thì càng gặp khó khăn do giá tiếp tục giảm, trong khi chi phí “đầu vào” tăng tiếp 10%. Chưa kể số cá quá lứa để lâu không bảo đảm chất lượng chế biến xuất khẩu. Trước thực tế này, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng, nhận định có khả năng thiếu nguyên liệu vào cuối năm 2008 đầu năm 2009 khi có tới 20% số hộ nuôi cá tra không tiếp tục tái sản xuất do thua lỗ, thiếu vốn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang - Huỳnh Chí Nguyện nhận xét, đến nay vẫn chưa có giải pháp khả thi để tiêu thụ nhanh lượng cá tra tồn đọng là do quan điểm, nhận thức và phương pháp thực hiện ở các địa phương, DN còn khác nhau.

 



Nguồn: HNM
Báo cáo phân tích thị trường