Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần chuyên nghiệp trong đánh giá DNNN
11 | 07 | 2008
Một trong những nội dung quan trọng tại hội thảo “Điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm thực hiện cam kết gia nhập WTO” là tìm ra những giải pháp đúng và hợp lý cho hoạt động của các DNNN.

Cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội ngày 9-7.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Tặng, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nêu đề xuất: “Ở các nước kinh tế phát triển có các công ty chuyên thực hiện đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp. Ở nước ta chưa có việc này và cũng chưa có công ty làm việc này. Vì vậy, nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng một tiêu thức chung cho việc đánh giá, không để mỗi công ty tự đưa ra tiêu chí để gây lệch lạc về thông tin”.


Đề xuất của ông Tặng về việc quy chuẩn và minh bạch hóa việc giám sát, định giá DNNN là một vấn đề rất đáng chú ý. Đặc biệt khi nguồn vốn nhà nước hiện đang được sử dụng ở các doanh nghiệp này chưa có quy định rõ ràng và phần lớn các DNNN hầu hết công bố thông tin theo hình thức tự đánh giá, nhiều khi không đồng nhất, gây nhiều tranh cãi.

Những con số thống kê tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được Bộ Tài chính công bố hơn 2 tháng trước dựa vào chính các báo cáo của doanh nghiệp, nhưng rồi có những số liệu sau đó đã điều chỉnh lại từ một số doanh nghiệp.

Ví dụ như ở Tổng công ty Công trình giao thông 5 (CIENCO 5). Bộ Tài chính công bố hệ số nợ phải trả của công ty này là 42 lần/1 đồng vốn chủ sở hữu nhưng sau đó, đã điều chỉnh theo văn bản của CIENCO 5 còn 8,17 lần.

Ông Tặng cho rằng, muốn có cơ chế quản lý, sắp xếp DNNN khi Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh chưa ban hành thì trước mắt cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, không chỉ để thực hiện cổ phần hóa DNNN mà còn để các doanh nghiệp thuộc các thành phần có cơ sở đối chiếu khi sát nhập, hợp nhất, mua bán, chuyển đổi hình thức.

Việc này là rất cần thiết khi Chính phủ đã thành lập Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nhưng thực tế SCIC chỉ quản lý 2,4% tổng số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (tương đương 7.800 tỉ đồng). Như vậy, hơn 97% số vốn còn lại chưa tìm ra cách quản lý thống nhất, tách chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu để đảm bảo đồng vốn tại doanh nghiệp vừa được bảo toàn, vừa được kinh doanh có hiệu quả mà không chồng chéo, vi phạm cam kết WTO mà Việt Nam đang điều chỉnh cho phù hợp.

Gợi ý của ông Tặng được chính CIEM đưa ra trong gói giải pháp điều chỉnh hoạt động của các DNNN thông qua kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính thành lập tổ chức chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu và giảm sát việc thực hiện quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.

 



Nguồn: TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường