Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Trực canh mới cho hiệu quả cao nhất"
11 | 07 | 2008
“Chỉ có nông dân, người sản xuất nông nghiệp mới được tích tụ đất đai. Đất dành cho tích tụ chuyển nhượng sẽ được quy định rõ ràng, các diện tích đất khác như đất lúa... sẽ được quy hoạch cứng bất khả xâm phạm bằng quy hoạch mang tính pháp lý cao và chính sách thuế nặng", TS. Đặng Kim Sơn nói.
Thế giới khuyến khích theo trực canh

Nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho rằng trong thực tế đang xuất hiện 2 mô hình tích tụ đất đai, là trực canh và lĩnh canh hay tích tụ đất đai đúng quy luật và tích tụ đất đai phi kinh tế. Khuyến khích và chọn mô hình nào đang là cuộc tranh cãi nảy lửa chưa đến hồi ngã ngũ, vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những vấn đề được coi là nhạy cảm nhất của xã hội, như “bần cùng hoá”, “xung đột xã hội”...

"Thế giới tổng kết quá trình tích tụ đất đai đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu. Thành công lớn nhất chính là áp dụng mô hình tích tụ trực canh. Philippin là nước đã phải chịu thất bại nặng nề khi ranh giới giữa trực canh và lĩnh canh bị xoá đi, đất đai rơi nhiều vào tay tư nhân không làm nông nghiệp sau cuộc cải cách ruộng đất của nước này"

Những mô hình tích tụ đất đai mà chúng tôi đề cập đến trong phần 1 “Những câu chuyện thực tế” của loạt bài này đều thuộc dạng tích tụ trực canh. Nghĩa là, người đứng ra tích tụ đất đai trực tiếp sản xuất trên đất đó hoặc thuê người làm. Ông chủ đất luôn tìm mọi cách để thu lợi nhuận trên đất đó bằng việc tạo ra giá trị cao do sản xuất nông nghiệp mang lại. Họ là người có toàn quyền quyết định việc trồng, nuôi con gì trên đất của mình.

Theo TS. Lê Đức Thịnh, Viện CLCS PTNN-NT, tích tụ (hay tập trung) đất đai không đơn giản chỉ là sự mở rộng về quy mô diện tích sử dụng đất của một chủ hộ sản xuất, mà nó còn liên quan nhiều đến vấn đề chuyển nhượng quyền sở hữu hữu đất đai. Trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển người ta thường khuyến khích hình thức tích tụ đất đai theo hướng trực canh. Có thể là hộ cá thể, Cty tư nhân hay HTX trực tiếp đầu tư vào sản xuất nhằm thu lợi nhuận từ nông nghiệp trên chính mảnh đất mà họ đã mua. Thế giới đã chứng minh rằng, hình thức tích tụ này làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập trực tiếp cho người nông dân và đặc biệt là đảm bảo được vấn đề xã hội, hạn chế thấp nhất việc xảy ra xung đột giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Hình thức trực canh ở nước ta từ trước đến nay chưa làm nảy sinh những xung đột lớn nào giữa chủ đất mới và nông dân cho thuê, nhượng đất. Khi nông dân chuyển ngượng quyền sử dụng đất đai cho nhau, không chỉ làm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn bảo đảm cho an ninh xã hội ở nông thôn, khác hẳn với hình thức tích tụ theo kiểu “chiếm”, mua đất để đầu cơ, trục lợi về giá trong quá trình CNH và đô thị hóa mà chúng ta thường gặp hiện nay.

Luật sư Phạm Duy Nghĩa (Đại học Quốc gia HN) chỉ ra rằng, hơn 80% trong tổng số trên 2 vạn lá đơn khiếu kiện về đất đai, một phần không nhỏ khiếu nại về tích tụ treo, tích tụ dưới hình thức làm công nghiệp, nông nghiệp… nhưng lại chuyển nhượng kiếm chênh lệch. Điều đó nói lên rằng, nông dân đang bị “tước đoạt” đất đai một cách mạnh mẽ, nhưng chúng ta lại bảo vệ những ông chủ sở hữu đất mới. Suy cho cùng, đó là vì quyền lợi của nông dân nhượng đất quá thiệt thòi so với quyền lợi mà các ông chủ đất mới được hưởng bằng cách… “ngồi mát ăn bát vàng”.

Ngăn chặn "địa chủ mới"

TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện CLCS PTNN-NT: “Chỉ có nông dân, người sản xuất nông nghiệp mới được tích tụ đất đai. Đất dành cho tích tụ chuyển nhượng sẽ được quy định rõ ràng, các diện tích đất khác như đất lúa… sẽ được quy hoạch cứng bất khả xâm phạm bằng quy hoạch mang tính pháp lý cao và chính sách thuế nặng.”

Những trang trại hàng chục hec- ta đang bỏ hoang, hay giá trị mà nó làm ra chỉ… vài triệu đồng/ha trải nhiều nơi trên khắp cả nước mà chúng ta rất dễ nhận ra, đó là những diện tích đất được tích tụ theo hình thức lĩnh canh, phi kinh tế. Ông chủ của các hình thức này là những người có tiền, các nhà kinh doanh bất động sản và một phần nhỏ quan chức nhà nước. Diện tích này không làm cho giá trị sản xuất của nông nghiệp tăng lên, vấn đề công ăn việc làm của nông dân nhượng đất không được quan tâm giải quyết… TS. Lê Đức Thịnh cho rằng: “Cần phải hạn chế hình thức tích tụ theo dạng đầu cơ, trục lợi giá và chuyển đổi địa tô. Đó là nguy cơ bất ổn xã hội, nảy sinh các xung đột xã hội khi mà ông chủ đất ngày một giàu lên còn người dân nhượng đất ngày một nghèo đi. Chúng ta khuyến khích tích tụ vì một nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại trong tương lai, vì những ông chủ sản xuất nông nghiệp thực thụ chứ không vì sự giàu có của một bộ phận người kinh doanh tô ruộng đất. Tích tụ theo dạng đầu cơ tô ruộng đất không giải quyết được vấn đề xã hội quan trọng như dạng trực canh. Tạo ra tầng lớp “địa chủ mới” ắt sẽ tạo ra nhiều “tá điền mới” và như thế trật tự nông thôn sẽ càng trở nên phức tạp”.

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho rằng: “Tất yếu phải diễn ra một quá trình tập trung ruộng đất, tức hình thành cơ cấu kinh tế mới sản xuất hàng hoá lớn trong nông nghiệp. Quá trình ấy luôn có 2 hình thức: Tập trung ruộng đất theo quy luật và tập trung ruộng đất không theo quy luật, phi kinh tế. Những hiện tượng như đám quan chức tiêu cực biến thành “địa chủ mới” ở Cà Mau trước đây hay lối quy hoạch bừa bãi, đền bù bậy bạ mà thực chất là “mua rẻ bán đắt” ruộng đất của nông dân để hưởng chênh lệch ở nhiều địa phương trong cả nước những năm gần đây chính là biểu hiện rõ nhất của quá trình tập trung ruộng đất phi kinh tế. Điều đó phải kiên quyết ngăn chặn.”

TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện CLCS PTNN-NT cho rằng, hiện nay đang có hai câu chuyện khác nhau là tích tụ đất để mở rộng sản xuất và chính sách đảm bảo chế độ trực canh. Nhà nước không thể tính đến một chính sách tập trung hoá đất đai mà cũng phải tính đến chính sách trực canh để đảm bảo đất đai được sử dụng có hiệu quả cao nhất. “Chỉ có hình thức trực canh mới cho hiệu quả cao nhất. Còn đa số trường hợp thuê đất thì không những gây mâu thuẫn xã hội mà còn có hiệu quả thấp.”, ông Sơn nói.

Nhiều học giả, chuyên gia và các nhà quản lý có cùng quan điểm như trên, nhưng họ cho rằng: Không chỉ khuyến khích tích tụ đất dạng trực canh mà cho phép, khuyến khích bất cứ ai cũng được tích tụ đất đai, nhưng nhất định tích tụ làm nông nghiệp là phải làm nông nghiệp.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn:

Bốn quy định cần bỏ

Công nghệ sản xuất, kỹ thuật sản xuất có thể đi mua được nhưng tổ chức sản xuất thì hàng tỉ USD cũng không mua nổi. Tôi đề nghị bỏ 4 điều sau đây: Thứ nhất, bỏ quy định thừa kế ruộng cho các thành viên trong hộ gia đình. Chỉ cho thừa kế một người. Nếu cứ thực hiện quy định cũ, khi đất của bố mẹ để lại có 4-5 người con được hưởng thừa kế, 4-5 người này lại chia nhau thì thành ra ruộng nương ngày càng manh mún sao? Thứ hai, bỏ quy định về hạn điền. Thứ ba, bỏ quy định về giao đất có thời hạn. Thứ tư, bỏ thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Đất phải được tích tụ, số hộ ít lại, đất/hộ phải rộng hơn. Như vậy sẽ sản xuất lớn được. Vấn đề là phải đối phó với tâm lý của nông dân miền Bắc. Họ không làm ruộng đấy nhưng vẫn giữ ruộng. Để tháo bỏ được tâm lý này, rõ ràng lao động nông thôn được rút ra sau tích tụ phải có công ăn việc làm ổn định. Sở dĩ, lao động ở nông thôn Thái Bình được rút ra làm các nghề khác rồi, có thu nhập, gia đình khá giả lên rồi nhưng đó là thu nhập không bền vững. Họ bảo, phải giữ ruộng để lỡ xa cơ lỡ vận còn có ruộng mà làm. Do vậy, muốn đột phá vấn đề này và có tính bền vững ta phải giải quyết việc làm trước. Giải quyết việc làm, rút được lao động ra khỏi nông nghiệp đến đâu tiến hành tích tụ đến đó. Không nên vì tích tụ mà ép nông dân, phải để nông dân nhận ra rằng, đó là điều tốt đẹp.



Vũ Minh Việt - Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường