Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành cà phê đã phát triển đến ngưỡng!
14 | 07 | 2008
Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam vừa đưa ra cảnh báo, đến nay ngành cà phê Việt Nam đã phát triển đến ngưỡng của nó, và nên ngừng mở rộng diện tích để đi vào thời kỳ kiện toàn, theo hướng phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam đưa ra cảnh báo này, dựa trên căn cứ xem xét quá trình 26 năm phát triển của ngành cà phê Việt Nam và nhu cầu thế giới. Trong đó đáng chú ý nhất là sự so sánh các số liệu thống kê hiện nay với năm 1998.


Theo đó, diện tích trồng cà phê và đơn giá xuất khẩu của 10 năm trước tương đương thời điểm hiện nay (500 nghìn ha và hơn 1.500 USD/tấn), nhưng khối lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu cho thấy sự khác biệt lớn. Nếu như năm 1998, Việt Nam chỉ xuất khẩu được gần 400 nghìn tấn, đạt hơn 600 triệu USD, thì đến năm 2007 các con số này đã lên tới “đỉnh” là hơn một triệu tấn với tổng kim ngạch đạt kỷ lục 1,6 tỷ USD.

Theo phân tích của ông Nhạn, sau khi đạt “đỉnh” vào năm 1998, bước sang năm 1999 tình hình sản xuất kinh doanh cà phê của Việt Nam bắt đầu xuống dốc và cùng với ngành cà phê thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Giá cà phê liên tục xuống thấp trong nhiều năm. Thu nhập của người nông dân trồng cà phê không đủ trang trải cho cuộc sống và tái đầu tư sản xuất. Nhiều diện tích cà phê không được chăm sóc, hoặc bị chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng. Và chỉ đến năm 2004, giá cà phê bắt đầu phục hồi và lên cao trong các năm 2006 và 2007. Nhưng khi giá cà phê tăng cao hơn 30 triệu đồng/tấn thì người nông dân lại đổ xô trồng mới, mở rộng diện tích cà phê một cách ồ ạt.


Ông Nhạn lưu ý, bài học về cuộc khủng hoảng thừa trước đây đã cho thấy ngành cà phê Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu, chưa bảo đảm tính bền vững. Ông cho rằng, hiện nay khi nhu cầu cà phê thế giới đã ở mức cao, chúng ta nên ngừng việc mở rộng diện tích trồng cà phê một cách tràn lan. Thay vào đó, khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì ngành cà phê cần phải tập trung hoàn thiện các vấn đề về chất lượng, và vệ sinh an toàn thực phẩm, để bảo đảm phát triển bền vững.


Theo ông Nhạn, cà phê Việt Nam có giống và được trồng trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tốt. Tuy nhiên, chúng ta lại yếu trong khâu thu hoạch và chế biến, làm giảm chất lượng sản phẩm. Mặt khác, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được nhiều nước nhập khẩu áp dụng như một “hàng rào kỹ thuật”, thì ngành cà phê Việt Nam cũng cần xem đây như một cảnh báo trong việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật.

Ông Nhạn kết luận, ngành cà phê muốn phát triển bền vững thì cùng một lúc phải bảo đảm ba phương diện là “kinh tế, môi trường và xã hội”.


Theo số liệu công bố tại cuộc hội thảo “Đánh giá tác động hai năm gia nhập WTO đối với ngành cà phê, ca cao, hồ tiêu, hạt điều”, ngày 9/7, diện tích trồng cà phê năm 2007 đạt hơn 500 nghìn ha, khối lượng xuất khẩu lần đầu tiên đạt hơn một triệu tấn, và giá trị xuất khẩu cũng đạt mức kỷ lục hơn 1,6 tỷ USD. Cho đến nay cà phê Việt Nam đã được tiêu dùng ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. Trải qua 25 năm phát triển, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai thế giới về sản lượng xuất khẩu, chỉ sau Brazil. Hiện châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 61%, thấp nhất là châu Phi chỉ chiếm gần 4%.



Nguồn: VOVNews
Báo cáo phân tích thị trường