Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khủng hoảng cá tra: Hậu quả do bất chấp cảnh báo
15 | 07 | 2008
Nhà nhà lao vào nuôi cá, bất chấp mọi cảnh báo thì nay phải gánh hậu quả của việc khủng hoảng thừa cá tra, basa cũng là điều tất yếu theo quy luật thị trường.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Hiệp hội Chế biến thủy sản Cần Thơ (CAFA) để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cuộc khủng hoảng cá tra, basa hiện nay và tìm hướng phát triển bền vững.

Tình hình không quá bi quan

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về việc tập trung thu mua cá tra nguyên liệu, nhất là cá quá cỡ bị tồn đọng, trong tháng 6/2008, các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL đã thu mua hơn 110.000 tấn cá tra nguyên liệu, tăng 20% so với tháng trước. Có những doanh nghiệp lớn thu mua tăng hơn 30%.

Theo Phó GS. TS Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch thường trực VASEP, nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp thu mua chế biến cá tra nguyên liệu để chế biến xuất khẩu khoảng 500.000 tấn, trung bình mỗi ngày thu mua chế biến 3.000 tấn cá nguyên liệu, tăng 1.000 tấn/ngày so với cùng kỳ năm 2007.

Nhận xét về tình hình cá tra tăng đột biến và hướng giải quyết, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, trong tình hình nền kinh tế khó khăn nhiều mặt đây rõ ràng là kết quả nỗ lực rất lớn. Những nỗ lực này đã góp phần giảm bớt căng thẳng cung cầu, kìm chế mức độ giảm giá cá tra. Không sụt giảm quá nhanh hoặc rớt giá.

Tuy nhiên, do lượng cá năm nay quá nhiều nên mặc dù tìm mọi cách tăng năng lực thu mua và chế biến xuất khẩu vẫn không thể tiêu thụ hết. Hiện nay đang tồn một lượng cá quá lớn, nhiều con to quá cỡ từ 1,3kg đến 1,8kg/con. Bên cạnh đó còn một số lượng cá bị gầy do người nuôi cho ăn cầm chừng.

Năm 2008, giá trị xuất khẩu cá tra có thể vượt 1,2 tỷ USD

Trong tháng 6/2008, ước tính DN xuất khẩu trên 50.000 tấn sản phẩm cá tra chế biến, tăng hơn 65% so với tháng 6/2007. Giá trị xuất khẩu đạt 120 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng cá tra xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2008 là 260.000 tấn, tăng gần 90.000 tấn, tức là tăng 52% so với 6 tháng đầu năm 2007. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 610 triệu USD, tăng khoảng 35% so với 6 tháng đầu năm 2007.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, với mức xuất khẩu trung bình mỗi tháng 100 triệu USD và sản lượng khoảng 45.000 tấn/tháng, từ nay đến cuối năm giá trị xuất khẩu cá tra chế biến sẽ vượt 1,2 tỉ USD.

Theo ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch VASEP, hiện nay 3 địa phương là Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang là nơi có số lượng cá tra nguyên liệu lớn. Nhờ DN thu mua chế biến xuất khẩu nhiều, các địa phương này đã tháo gỡ được khó khăn. Về giá cá, hiện cá tra của Việt Nam đã được tiêu thụ ở 89 quốc gia và lãnh thổ, yêu cầu của từng thị trường cũng khác nhau, giá cả cũng khác nhau... nhưng mức giá bán bình quân 2,4 USD/kg.

Gắn kết các thành phần để cùng phát triển

Tại cuộc họp này có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề phát triển cá tra nguyên liệu.

Ông Võ Thành Khôn, đại diện cho Công ty CP thủy sản Bình An (Trà Nóc Cần Thơ) cho rằng, Nhà nước phải có chính sách và qui hoạch đầu tư phát triển, VASEP cũng phải có cơ quan chuyên trách, trong đó quan trọng nhất là việc định hướng, thông tin dự báo để Nhà nước, DN và người nuôi có thông tin và định hướng hoạt động cho mình.

Ông Lương Hoàng Mãnh, Giám đốc Công ty CP thủy sản Mê Kông (Cần Thơ) cho rằng: Khủng hoảng con cá tra hiện nay vừa là khó khăn phải giải quyết, cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng và Nhà nước sắp xếp lại việc đầu tư phát triển ngành này.

Trước đây ai cũng lao vào ngành này đầu tư, bất chấp cảnh báo thì nay phải nhận hậu quả. Đây là quá trình sàng lọc tất yếu của nền kinh tế thị trường nhưng đây cũng là cơ hội để phát triển con cá tra bền vững. Sau khủng hoảng này, một số người nuôi không có vốn, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm sẽ không còn chỗ đứng.

Ông Mãnh đề nghị các ngành và địa phương, kể cả ngân hàng, không cho vay phát triển cá tra tràn lan nữa mà phát triển có kế hoạch, có hợp đồng bao tiêu. Năm 2007, sản lượng 800.000 tấn cá tra nguyên liệu, năm 2008 dự kiến 1 triệu tấn, nhưng nay ai biết nó sẽ là bao nhiêu: 1,2 triệu tấn hay 1,5 triệu tấn? Chưa có cơ quan nào thống kê. Nên chăng ta có điểm dừng ở sản lượng cá tra nguyên liệu 1,2 hoặc 1,5 triệu tấn cá tra nguyên liệu bằng cách này để con cá tra có nhiều thuận lợi trong phát triển.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, ngoài việc đề nghị ngân hàng bơm thêm vốn cho người nuôi để duy trì cá tra nguyên liệu, cho DN chế biến xuất khẩu đủ vốn thu mua chế biến, trong thời gian tới Hiệp hội sẽ làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL về định hướng phát triển con cá tra nguyên liệu. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là người nuôi phải có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Có sự gắn kết giữa ngư dân, DN và ngân hàng, chính quyền địa phương cần có biện pháp ngăn chặn việc phát triển cá tra tự phát.





Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường