Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thương hiệu cho cà-phê Việt Nam
21 | 07 | 2008
Để cà-phê Việt Nam có một thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng quốc tế, những nhà hoạch định chính sách cũng như người trồng cà phê vẫn còn rất nhiều việc phải làm...
Sự phát triển của cây cà-phê nước ta là thành tựu lớn trong thế kỷ 20. Từ chỗ không được ghi vào bản đồ các nước trồng cà-phê, đến nay, diện tích cà-phê của Việt Nam đã đứng vị trí thứ hai chỉ sau Brasil về cà-phê xuất khẩu trên thị trường thế giới, và là nước duy nhất có năng suất cà-phê vối cao kỷ lục. Tuy nhiên để cà-phê Việt Nam có một thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng quốc tế, vẫn còn rất nhiều việc phải làm...

Sản lượng cao, thu nhập lớn nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao

Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra những cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp nước ta phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái để phát triển những sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Cà-phê là một trong những nông sản điển hình đó. Mặc dù gia nhập thị trường thế giới muộn hơn nhiều so với các nước sản xuất cà-phê truyền thống, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ở nhiều nước, trong đó có những thị trường rất khó tính như Mỹ, Ðức và các nước châu Âu khác.

Từ những cây cà-phê đầu tiên được đưa vào Việt Nam từ năm 1870, mãi đến đầu thế kỷ 20 mới được phát triển trồng ở một số đồn điền của người Pháp. Ðến nay, cà-phê ở Việt Nam được trồng nhiều tại các tỉnh Tây Nguyên với hơn 600 nghìn ha, đạt sản lượng gần 700 nghìn tấn, thuộc vào loại năng suất cao hàng đầu trên thế giới. Có thể nói, ngành cà-phê nước ta đã có những bước phát triển nhanh vượt bậc chỉ trong vòng 15-20 năm trở lại đây. Ðó cũng là một trong những nguồn xuất khẩu chính, mang lại cơ hội công ăn việc làm và thu nhập ngày một cao cho người sản xuất kinh doanh cà-phê.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10-2007, nước ta xuất khẩu được 41,6 nghìn tấn cà-phê với kim ngạch đạt 72,86 triệu USD, tăng 9,12% về lượng và tăng 10,5% về trị giá so với tháng 9-2007, tăng 6,55% về lượng và tăng 40,45% về trị giá so với cùng kỳ năm 2006. Cùng với sự gia tăng sản lượng cà-phê xuất khẩu và dẫn đầu thế giới về sản lượng cà-phê Robusta (cà-phê vối) nhưng giá trị xuất khẩu cà-phê nước ta đem lại không cao do giá xuất khẩu còn thấp vì chất lượng thấp. Chất lượng cà-phê xuất khẩu là một thách thức về khả năng cạnh tranh của chúng ta.

Theo báo cáo của Hiệp hội Cà-phê - Ca- cao Việt Nam, trong sáu tháng tính đến tháng 3-2007, cà-phê xuất khẩu có nguồn gốc Việt Nam chiếm 88% trong tổng số cà-phê xuất khẩu bị thải loại của thế giới. Cùng một loại sản phẩm, nhưng giá cà-phê xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn các nước trong khu vực từ 50 đến 70 USD/tấn, nhiều khi sự chênh lệch này còn lên đến 100 USD. Nguyên nhân bởi từ trước đến nay, cà-phê xuất khẩu của nước ta được đánh giá theo tiêu chuẩn cũ của năm 1993 (TCVN: 4193-93).

Theo tiêu chuẩn này, sản phẩm hầu hết được bán ở dạng "thô". Ðây là tiêu chuẩn phổ biến mà nhiều doanh nghiệp áp dụng để xuất khẩu cà-phê Robusta (R2), tức là cà-phê có độ ẩm 13%, tạp chất 1%, hạt đen vỡ 5% và hạt trên sàn 13 đạt 90%. Và như vậy, vô hình trung chúng ta đã xuất khẩu cả một lượng cà-phê xấu đáng lẽ phải được thải loại. Các nhà thu mua cà-phê R2 đã tìm cách ép giá, trừ hao hụt tạp chất, hạt đen vỡ khi ký hợp đồng nên kim ngạch xuất khẩu cà-phê của chúng ta không tăng cao cho dù sản lượng tăng rất cao. Vì vậy, cà-phê Việt Nam phải bán với giá thấp hơn rất nhiều so với thế giới.

Tăng cường quản lý chất lượng cà-phê xuất khẩu

Cà-phê Việt Nam từ lâu được khẳng định, có chất lượng tự nhiên cao và có hương vị đậm đà do được trồng ở độ cao nhất định so với mặt biển. Nhưng do khâu thu hái, phơi sấy, chế biến không tốt đã ảnh hưởng đến chất lượng vốn có. Cà-phê Việt Nam đã có mặt trên toàn thế giới, nhưng dường như người tiêu dùng trên thế giới vẫn chưa biết, họ hằng ngày vẫn đang dùng cà-phê hiệu Nestle, Maxell, Folger...

Theo tiêu chuẩn Hội đồng cà-phê Quốc tế (ICO) quy định từ năm 2004 (Tiêu chuẩn ISO10470: 2004) thì hạt cà-phê xuất khẩu được lựa chọn bằng cách cân các hạt lỗi (hạt đen, hạt nâu và hạt vỡ) và chất lượng được quyết định bởi số lượng hạt lỗi có trong cà-phê. Cụ thể là cà-phê Arabica không được quá 86 lỗi trong 1 mẫu 300g, cà-phê Robusta không được quá 150 lỗi trên 1 mẫu 300g. Hai loại cà-phê này phải có hàm lượng ẩm không quá 8% và 12,5%. Tuy nhiên, đây vẫn là tiêu chuẩn có tính chất tự nguyện nên tất yếu dẫn đến tình trạng cà-phê chúng ta vẫn áp dụng theo tiêu chuẩn cũ để xuất khẩu.

Trước tình hình chất lượng cà-phê Việt Nam bị đánh giá thấp, chất lượng xuất khẩu không ổn định dẫn đến bị ép cấp, ép giá, làm giảm giá trị xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra tiêu chuẩn mới để đánh giá chất lượng xuất khẩu cho cà-phê Việt Nam mang tên (TCVN: 4193:2005) từ năm 2005 và yêu cầu áp dụng cho các doanh nghiệp từ niên vụ cà-phê 2006 -2007 để phù hợp với cách phân loại của Hội đồng Cà-phê thế giới, đánh dấu bước đầu "chuyên nghiệp" hóa trong việc quản lý chất lượng cà-phê xuất khẩu ở nước ta.

Cơ sở của thương hiệu

Tại hội thảo "Triển vọng thị trường, chất lượng và cơ cấu ngành hàng cà-phê 2008" do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức tại Hà Nội thì trong 15 năm qua, cà-phê Robusta trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng nhanh gấp đôi cà-phê Arabica, lượng tiêu thụ cà-phê tăng tập trung ở những nước đang phát triển và các thị trường cà-phê mới nổi. Theo Trưởng nhóm phân tích chiến lược của ICO "Việt Nam là quốc gia được công nhận có chi phí sản xuất thấp nhất nhưng cho sản lượng cao nhất trong số các nước xuất khẩu cà-phê Robusta".

Như vậy, cà-phê Việt Nam đang đứng trước cơ hội thuận lợi để mở rộng thị trường và nâng cao sản lượng xuất khẩu. Vì vậy, những việc cần phải làm ngay đối với những nhà kinh doanh xuất khẩu cà-phê đó là phải tuân thủ những quy định của Nghị quyết 420 của ICO về chất lượng cà-phê. Nhà nước cần có quy định bổ sung mặt hàng cà-phê nằm trong danh mục bắt buộc phải kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi thông quan.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu nông sản cho rằng, cơ sở của thương hiệu là vùng nguyên liệu đồng nhất, chất lượng cao và an toàn. Thực tế, hiện nay trừ vùng nguyên liệu cà-phê Ðác Lắc là tương đối lớn còn những vùng nguyên liệu cà-phê ở Ðông Nam Bộ hay Bắc Trung Bộ còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa thật sự xây dựng được thương hiệu của mình.

Do vậy, giải pháp quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu hiện nay của ngành cà-phê là rất cần thiết. Ðây là những yếu tố làm tăng chất lượng của cà-phê Việt Nam. Trong thời kỳ hội nhập, với tư cách là thành viên của WTO, nông sản xuất khẩu nói chung và cà-phê xuất khẩu nói riêng sẽ có những thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức trước các hạn định, nguyên tắc của tổ chức.

Vì vậy cần trang bị kiến thức, nâng cao năng lực hội nhập WTO cho cán bộ và nhân dân các vùng chuyên canh cà-phê để họ hiểu rõ vận hội, nắm bắt thời cơ, hạn chế nguy cơ, đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành. Tạo điều kiện cho ngành cà-phê xuất khẩu, có những chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro trước những biến động của thị trường.

Mặt khác, tăng cường vai trò của Hiệp hội Cà-phê - Ca cao Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh cà-phê trong nước nhằm xây dựng thương hiệu cà-phê "made in Vietnam" uy tín trên thị trường thế giới.





Nguồn: nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường