Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhận diện chính sách
29 | 07 | 2008
Trong hơn 20 năm đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách nông nghiệp, nông thôn.
Có thể chia thành hai loại chính sách dựa theo tiêu chí “cởi trói” và “thúc đẩy” để chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Những chính sách mang tính “cởi trói”

Đương nhiên những chính sách loại này đi vào cuộc sống một cách tự nhiên nhất, nhanh nhất, được thực thi đầy đủ và hiệu quả nhất, ngay cả khi mới chỉ là văn bản của Đảng, chưa được Nhà nước thể chế hóa thành luật pháp.

Điển hình là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ban hành tháng 4-1988 về “đổi mới quản lý nông nghiệp” với nội dung quan trọng nhất là thừa nhận hộ nông dân là đơn vị tự chủ sản xuất trong nông nghiệp, khôi phục lại vị thế vốn có từ bao đời nay của kinh tế hộ nông dân, đã bị xóa bỏ trong suốt 30 năm tập thể hóa nông nghiệp.

Điển hình quan trọng thứ hai là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 (1986) và các nghị quyết sau đó của Đảng thừa nhận nền kinh tế thị trường như nó vốn có bao đời nay, xóa bỏ chính sách “ngăn sông, cấm chợ”, để hàng hóa, trong đó có nông sản, được tự do buôn bán, không phân biệt chủ thể (quốc doanh hay dân doanh), không giới hạn quy mô và địa giới hành chính.

Đó là hai ví dụ điển hình nhất của chính sách “cởi trói”, khôi phục lại bản chất vốn có của hoạt động kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng.

Thực tiễn “xé rào” đã buộc những nhà hoạch định chính sách phải hành động “mở khóa” cho cái “lò xo” bấy lâu bị ép chặt và do đó cái “lò xo” này sẽ tự bật lên hết cỡ để trở về trạng thái vốn có ban đầu mà không cần bất kỳ một tác động nào khác đối với nền kinh tế. Nhưng cũng vì lập tức “bật trở lại” vị thế ban đầu, nên nền kinh tế chưa thể tạo ra khả năng phát triển mới về chất.

Những chính sách “thúc đẩy”

Với vai trò thúc đẩy sự phát triển, đạt chất lượng mới cao hơn, những chính sách “thúc đẩy” phải được hoạch định có căn cứ khoa học và thực tiễn, đòi hỏi nhà hoạch định chính sách không chỉ có lương tâm và lòng dũng cảm mà điều quan trọng hơn là phải có trí tuệ. Trí tuệ được thể hiện bằng sự hiểu biết thấu đáo lý luận, kinh nghiệm trong nước và nước ngoài và khả năng vận dụng vào thực tiễn để phân tích thực trạng, phát hiện vấn đề nảy sinh trong nông nghiệp, nông thôn, nguyên nhân của chúng và đề xuất giải pháp khả thi.

Lương tâm và lòng dũng cảm của nhà hoạch định chính sách thể hiện ở chỗ không bị các nhóm lợi ích cục bộ vận động hành lang chi phối, dẫn đến việc hy sinh lợi ích của nông dân, những người “thấp cổ, bé họng”, trong việc hoạch định và thực thi chính sách.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các nhà hoạch định chính sách còn phải hiểu biết các quy định của WTO và thông lệ quốc tế. Sau nữa là năng lực thực thi chính sách của bộ máy công quyền và đội ngũ công chức. Mặt khác, thực tiễn luôn thay đổi và phát triển, nên chính sách cũng phải thay đổi để thích ứng.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách còn phải luôn tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao hiểu biết lý luận và kinh nghiệm quốc tế để đổi mới chính sách và bảo đảm tính khả thi, hiệu lực và hiệu quả của chính sách. Lương tâm và lòng dũng cảm của nhà hoạch định chính sách thể hiện ở chỗ không bị các nhóm lợi ích cục bộ vận động hành lang chi phối, dẫn đến việc hy sinh lợi ích của nông dân, những người “thấp cổ, bé họng”, trong việc hoạch định và thực thi chính sách.

Áp dụng lý luận phát triển nông thôn bền vững

Giải quyết vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn chính là áp dụng lý luận phát triển nông thôn bền vững vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Theo đó, nâng cao chất lượng sống cả vật chất và tinh thần của nông dân và dân cư nông thôn nói chung vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp phát triển nông thôn.

Nội dung phát triển nông thôn bao gồm bốn quá trình: (i) công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (ii) đô thị hóa; (iii) kiểm soát dân số; (iv) bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn, theo những tiêu chuẩn của nền văn minh nhân loại và truyền thống văn hóa Việt Nam.

Thực hiện bốn quá trình này, tỷ lệ dân số và lao động nông nghiệp trong tổng dân số và lao động xã hội phải giảm tương ứng với tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp vào GDP của nền kinh tế. Do đó, phát triển nông thôn bền vững đã bao hàm việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân (không nên theo cách gọi ngắn kiểu Trung Quốc: “tam nông” - do dùng chữ tượng hình, nên người Trung Quốc gọi như vậy cho dễ viết).

Sự thành bại của quá trình phát triển nông thôn với bốn nội dung trên quyết định sự thành bại của công cuộc chấn hưng đất nước, biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp hiện đại, văn minh.

TS. Vũ Trọng Khải - Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II


Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Báo cáo phân tích thị trường