Bài báo viết: Không chỉ đạt được những chỉ số kinh tế vĩ mô khả quan, Việt Nam đã tăng một cách đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân. Với thu nhập bình quân đầu người 2.000 euro trong năm 2007, giờ đây mục tiêu biến Việt Nam thành một nước có thu nhập trung bình vào năm 2010 mà Chính phủ Việt Nam đưa ra không còn là một điều không tưởng.
Sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam trở thành sự lựa chọn của các công ty siêu quốc gia trong việc thực hiện chiến lược "Trung Quốc + 1" nhằm giảm rủi ro đầu tư trong trường hợp Trung Quốc gặp bất trắc. Việt Nam có giá nhân công rẻ hơn so với Trung Quốc và trong nhiều trường hợp thì trình độ nhân công cũng cao hơn, vì vậy một số công ty coi Việt Nam là sự lựa chọn số 1. Một số công ty công nghệ cao cũng để mắt tới Việt Nam như là phương án đề phòng những rủi ro khi làm ăn tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, bóng ma kinh tế phát triển nóng đã xuất hiện và hiện Việt Nam đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế trong thập kỷ 80 khiến tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 có thể sẽ giảm 2 điểm phần trăm. Tuy nhiên, phần lớn các nhà phân tích chỉ coi đây là một "ổ gà" mà Việt Nam vấp phải trên con đường phát triển đầy triển vọng.