Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dịch bệnh làm giảm 35% sản lượng cà phê Uganđa
04 | 08 | 2008
Trung tâm nghiên cứu cà phê Kituuza của Chính phủ Uganđa cho biết bệnh héo cây cà phê có thể sẽ làm giảm 35% sản lượng cà phê của nước này trong niên vụ 2008/09 (từ tháng 10/2008 đến tháng 9/2009) với giá trị 150 triệu USD.^
Uganđa là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai tại Châu Phi sau Ethiopia và đang trở thành nhà cung cấp chính cà phê robusta trong khu vực sau khi sản lượng tại Bờ Biển Ngà sụt giảm do tình trạng xung đột chính trị.

Sau sự tàn phá của bệnh héo cây cà phê năm 1996, Chính phủ Uganđa đã khởi xướng phong trào trồng lại cây cà phê vào năm 2005 và sản xuất trong nước đã hồi phục.

Nhưng theo Kangire Africano – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cà phê Kituuza, dịch bệnh sẽ sớm quay trở lại do người nông dân vẫn trồng những giống cây có khả năng chống chịu dịch bệnh kém. Trung tâm ước tính sẽ có tới 35% sản lượng cà phê bị mất đi do dịch bệnh và đất nước sẽ mất 150 triệu USD thu nhập từ xuất khẩu cà phê.

Được biết, trong niên vụ 2007/08 xuất khẩu cà phê Uganđa có kim ngạch 272 triệu USD.

Hồi tháng 2, một quan chức của Uỷ ban phát triển cà phê Uganđa đã dự báo sản lượng cà phê niên vụ này sẽ đạt 2,85 triệu bao loại 60kg/bao, tăng so với 2,7 triệu bao của vụ thu hoạch trước.

Kangire cho biết thêm, dịch bệnh sẽ lây lan chủ yếu trên những cây cà phê được trồng mới vào năm 2005 trong chương trình khuyến khích trồng lại cà phê của Chính phủ do cây trồng mới có khả năng chống chịu bệnh héo cây kém. Đây thực sự là một sai lầm, và hiện nay Trung tâm đã bắt đầu thu thập những báo cáo về dịch bệnh héo cây có thể sẽ bùng phát trong thời gian tới.

Trong đợt dịch năm 1996, sản lượng cà phê Uganđa đã suy giảm nghiêm trọng từ mức 4,2 triệu bao của niên vụ 1996/97. Đến năm 2002, dịch bệnh đã tàn phá ít nhất 90% cây cà phê robusta và trên 45% sản lượng thu hoạch tại đây.

Đầu những năm 1990, các nhà khoa học Uganđa đã phát triển một giống cây mới lai giữa robusta và arabica. Giống cây này có giai đoạn kiến thiết ít hơn 2 năm lại cho sản lượng lớn hơn trên 1 mẫu đất, tuy nhiên khả năng chịu bệnh lại kém hơn.

Theo Kangire, ngành sản xuất cà phê Uganđa còn phải đối mặt với khó khăn hơn nữa trong bối cảnh tăng nhiệt độ toàn cầu.

Đầu tháng 7, Tổ chức Oxfam Anh đã nhận định tình trạng biến đổi khí hậu tại Uganđa có thể làm cây cà phê biến mất tại nước này trong 3 thập kỷ tới.

Hiện nay, Trung tâm của Kangire và Tổ chức nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia Uganđa đang nỗ lực phát triển giống cà phê mới chống chịu được bệnh héo cây để cung cấp cho người trồng cà phê trên cả nước.



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường