Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Muốn giữ vị trí số một về xuất khẩu điều: Cần làm tốt công tác dự báo
05 | 08 | 2008
Theo nhiều chuyên gia, dù đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhưng ngành điều vẫn bộc lộ những yếu kém từ trong nội tại như chất lượng kém, diện tích bị thu hẹp, thiếu nhân lực trầm trọng,... Vì vậy, vị trí số một rất dễ bị lung lay. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), để giữ ngôi vị, ngành điều cần làm tốt công tác dự báo và quy hoạch vùng nguyên liệu.
Tốc độ phát triển kỳ diệu

Thấy được giá trị kinh tế của cây điều, ngay từ những năm 1980, nước ta đã có nhiều chính sách khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, đồng thời đầu tư công nghệ chế biến điều xuất khẩu, thành lập Hiệp hội Điều Việt Nam... Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành điều đến năm 2010. Chỉ sau 5 năm, hầu như toàn bộ chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt mức kế hoạch, Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới.

Cây điều từ chỗ chỉ có vài ngàn hecta, sản lượng mấy chục ngàn tấn, xuất khẩu nhỏ lẻ thì đến năm 2007, cả nước đã có trên 400.000ha, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, sản lượng 350.000 tấn nhân, kim ngạch xuất khẩu trên 650 triệu USD. Đến nay, điều Việt Nam đã có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng 6 tháng đầu năm 2008, giá trị xuất khẩu đạt trên 400 triệu USD, cả năm ước đạt 800-850 triệu USD, tăng 45% so với năm 2007. Điều Việt Nam hiện chiếm 40% lượng tiêu dùng toàn cầu, 60% thị phần Bắc Mỹ, 50% thị phần châu Âu, 90% thị phần Trung Quốc và 80% thị phần Australia... Theo đánh giá của các chuyên gia, năng suất điều của ta cao hơn các nước xuất khẩu chính là ấn Độ và Brazil. Cả nước hiện có trên 200 nhà máy với năng lực chế biến 600.000-700.000 tấn/năm.

Mục tiêu mà ngành điều đặt ra từ nay đến năm 2010 là diện tích đạt 450.000ha (cho thu hoạch 360.000ha), năng suất bình quân 1,4 tấn/ha, sản lượng điều thô 500.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD.

Nguy cơ mất vị trí số 1

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, mặc dù có sự phát triển vượt bậc trong 20 năm qua nhưng ngành điều còn gặp nhiều khó khăn, thách thức mà tự thân không giải quyết được, rất cần sự hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới nhưng chất và sản lượng điều năm nay đều giảm so với năm 2007. Trong khi đó, có trên 60% cơ sở chế biến chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến; thiếu thông tin quy hoạch, thông tin thị trường; chưa phát triển các sản phẩm phụ; thiếu hụt lao động chế biến; chi phí sản xuất ngày càng tăng... Đó là chưa kể sức ép từ bên ngoài như yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và chứng chỉ chất lượng của các thị trường ngày càng cao; vấn đề gian lận thương mại làm mất uy tín ngành điều; phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu thô;... Trong 6 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp kinh doanh điều đã nhập khẩu khoảng 150.000 tấn nguyên liệu từ Campuchia và châu Phi. Giá nhập cao (1.300 USD/tấn) nhưng chất lượng điều nhập khẩu lại kém hơn điều Việt Nam, vì vậy, một số khách hàng quay sang mua điều của Ấn Độ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần, cây điều có tốc độ phát triển nhanh, góp phần giải quyết việc làm cho nửa triệu lao động nhưng ngành điều lại bộc lộ nhiều hạn chế. Thu nhập của người trồng điều chưa cao (khoảng 20 triệu đồng/ha), thấp hơn cây cao su (60-70 triệu đồng/ha), ca cao (70 triệu đồng/ha)... Tương lai, diện tích điều sẽ bị cạnh tranh bởi các cây trồng khác, trong khi đó, chúng ta vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề sâu bệnh, bảo vệ điều như cây trồng chủ lực khác.

Ngoài ra, theo đánh giá của Vinacas, chất lượng điều của nước ta không đồng đều, diện tích điều cao sản còn ít. Nhiều vườn điều già cỗi, năng suất thấp vẫn được nông dân duy trì. Để khắc phục tình trạng này, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam khuyến cáo, cần có các biện pháp hỗ trợ nông dân chặt bỏ vườn điều già cỗi chuyển sang trồng các giống cao sản, đồng thời giải quyết tốt vấn đề vốn vay cho các doanh nghiệp thu mua điều.

Quan tâm hơn đến công tác dự báo

Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó chủ tịch Vinacas, khó khăn lớn nhất mà các nhà máy chế biến điều gặp phải hiện nay là vốn. Vì vậy, một trong những giải pháp để không tốn quá nhiều vốn là mua điều đến đâu chế biến đến đó. Cách làm này vừa đỡ tốn kém trong việc xây dựng kho bãi, vừa giúp giảm vốn vay ngân hàng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ, tỷ giá, tín dụng, chính sách thuế nhập khẩu điều nguyên liệu nên đã ảnh hưởng rất lớn tới việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong một thời gian dài, thuế nhập khẩu ở mức 5 – 7,5%, đi kèm với nó là nhiều thủ tục thanh khoản, định mức phụ, thứ phẩm vô cùng phức tạp. Bên cạnh đó, năng suất lao động trong khâu chế biến thấp, lao động thiếu hụt nghiêm trọng, công tác đào tạo công nhân có trình độ, tay nghề cao chưa được quan tâm đúng mức. Công nghệ chế biến lạc hậu cũng đã ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất và chất lượng sản phẩm điều chế biến. Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến - Thương mại nông - lâm - thủy - sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác dự báo cũng như quy hoạch ngành còn hạn chế, các vùng trồng điều chủ yếu phát triển tự phát. “Trong thời gian tới, nhà nước cần quan tâm hơn tới công tác dự báo và quy hoạch diện tích trồng điều. Có như vậy, ngành điều mới tránh được nguy cơ tuột mất vị trí số một về xuất khẩu”- ông Thanh kết luận.




Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường