Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp đối mặt với áp lực đầu cơ quốc tế
18 | 08 | 2008
Kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khác thường, khi mà lạm phát đi cùng với suy thoái. Và, có một sự thực phũ phàng là sức mạnh hàng nghìn tỷ đôla của giới đầu cơ đang trở thành lực lượng quyết định.

Quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế quốc tế nhanh chóng đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, những nước có lợi thế cạnh tranh tốt hơn về nhân lực, thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ... đang trở thành cường quốc kinh tế.

Tuy nhiên, khi thị trường vận động với tốc độ ngày càng nhanh hơn do quá trình toàn cầu hoá, mặt trái của nó bộc lộ rõ nét, khiến kinh tế thế giới bị động và trở nên bất ổn hơn, dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khác thường, khi mà lạm phát đi cùng với suy thoái (thông thường lạm phát đi đôi với tăng trưởng), khó khăn thách thức đang ở khắp mọi nơi. Từ Âu sang Mỹ và Châu Á, đâu đâu cũng đang vật lộn trong nhiều căn bệnh và thách thức.

Có một sự thật phũ phàng là sức mạnh hàng nghìn tỷ USD của các quỹ đầu tư Hedge Fund, các tập đoàn đa quốc gia đang trở thành lực lượng quyết định, từ tỷ giá đến giá cả hàng hoá (đặc biệt là các hàng hoá chiến lược như vàng, dầu, lương thực…), chứ không phải đơn giản chỉ là quan hệ cung cầu trong kinh tế thị trường. Theo dõi sự biến động của giá vàng trong thời gian qua, có thể thấy rõ lực lượng đầu cơ đang đóng những vai trò quyết định trong việc hình thành giá cả hàng hoá.

Đặc biệt hơn, khi giới đầu cơ đặt chân tới những hàng hoá thiết yếu như lương thực và thực phẩm, nó đã tác động đến đời sống của rất nhiều người trên thế giới, và tạo ra một sự mỉa mai của thế kỷ 21 - khi mà loài người đang chinh phục sao hoả, thì hàng tỷ dân ở châu Á, châu Phi bị nạn đói, thiếu lương thực đe dọa.

Là cường quốc số một thế giới về kinh tế, khi Mỹ hắt hới thì châu Âu sổ mũi, Nhật Bản rùng mình. Nhưng giờ đây nước Mỹ cũng gặp muôn vàn khó khăn và không thể dễ dàng vượt qua trong một sớm một chiều. Mỹ là nơi sản sinh ra những sản phẩm phái sinh tài chính, với một sản phẩm bất động sản đơn giản, bạn có thể có đến cả chục loại sản phẩm phái sinh tài chính liên quan đến. Khi mà hệ thống thanh toán còn thông suốt, sản phẩm phái sinh tài chính là những giấy tờ có giá trị. Nhưng nếu ách tắc trong một khâu nào đó, chúng trở thành những sản phẩm rẻ bèo, không thể bán được.

Rủi ro trong các sản phẩm phái sinh tài chính đã được che dấu dưới nhiều hình thức khác nhau và dễ nguỵ biện. Vì vậy, ngay cả những người biết nó là rất rủi ro vẫn len chân vào, còn các nhà quản lý lúc nào cũng bị chậm chân hơn. Cuộc khủng hoảng về nhà đất và các sản phẩm phái sinh liên quan đến nó sẽ còn là gánh nặng dài ngày của nước Mỹ.

Điều đáng buồn là trong khi cả thế giới đang gồng mình chống lạm phát, thì nước Mỹ mặc nhiên nới lỏng chính sách tiền tệ và áp dụng chính sách đồng đôla yếu để thúc đẩy tăng trưởng. Hiệu ứng lạm phát của nước Mỹ, do vậy, sẽ dồn sang các nước khác, đặc biệt là những nền kinh tế bị đôla hoá (sử dụng đôla như một phương tiện thanh toán chủ chốt) và áp dụng chính sách tỷ giá gắn với đồng đôla.

Đồng đôla suy yếu đẩy giá các nguyên nhiệu chủ chốt tăng (đặc biệt là dầu), khiến giá cả không ngừng leo thang ở các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Chính vì chính sách của Mỹ, nhiều nước dù đã áp dụng liều thuốc độc trong việc đột ngột tăng lãi suất để giảm lạm phát, song kết quả thu được chẳng được bao nhiêu. Vì một phần trong hệ thống thanh toán của họ là đôla.

Thực trạng trên đang đặt ra những bài toán khó giải cho những nhà hoạch định chính sách của các nước đang phát triển, đòi hỏi có ứng xử thích hợp.

Tại Việt Nam xưa nay, hiền tài được coi là nguyên khí quốc gia. Điều đó vẫn đúng cho tới ngày nay. Song, để phát triển kinh tế, đất nước giàu có, có một lực lượng đóng vai trò quyết định, đó là doanh nghiệp. Vì vậy, cần xem doanh nghiệp là nguyên khí quốc gia về kinh tế. Nếu nguyên khí đó mạnh và hiệu quả thì quốc gia đó hùng cường và ngược lại. Thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc trong những năm 1960-1970 là ví dụ điển hình trong việc nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp.

Nuôi dưỡng ở đây chính là tạo lập một hành lang pháp lý thuận lợi và rõ ràng cho doanh nghiệp hoạt động. Và trong một thế giới luôn thay đổi, điều mà doanh nghiệp cần đó là những chính sách vĩ mô phải nhất quán, dự báo trước được về khuynh hướng, mức độ để họ có thể chủ động trong việc lập kế hoạch kinh doanh, giảm được lỗ. Đặc biệt là những chính sách như tiền tệ, tỷ giá. Chính sách thay đổi đột ngột, hoặc thiếu nhất quán, nhất là khi doanh nghiệp đã hứng chịu đủ trong vòng xoáy thị trường của quá trình toàn cầu hoá, có thể khiến cho doanh nghiệp suy yếu và khủng hoảng.

Kinh tế vĩ mô là một ma trận, nó có thể đúng trong trường hợp này nhưng sai trong trường hợp khác, đúng vào thời điểm này nhưng có thể chưa đúng trong thời điểm khác. Chẳng thế mà đã có những nhà kinh tế được giải Nobel vì chứng minh lạm phát luôn liên quan đến tiền tệ, nhưng cũng có nhà kinh tế đã nổi tiếng không kém khi chứng minh điều ngược lại.

Nhưng một kinh nghiệm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đó là chính sách tiền tệ, tỷ giá chỉ được thực hiện tốt khi tính độc lập tương đổi của Ngân hàng Trung ương được duy trì. Những chính sách đó cũng phải được tham khảo rộng rãi, đặc biệt là với giới doanh nghiệp – những nhân tố bị tác động lớn nhất.

Chính sách tiền tệ lấy kiểm soát lạm phát là mục tiêu tối thượng (Inflation targeting) đang được xem như công cụ tốt cho nền kinh tế mở, đặc biệt đối với nhiều nước đang phát triển. Chính sách này về dài hạn tạo tâm lý ổn định cho thị trường, đặc biệt sẽ hạn chế được những tác động do biến động quá nhanh của kinh tế toàn cầu.

Mặt khác, việc thay đổi chính sách tỷ giá từ gắn với đồng đôla sang gắn với một giỏ đồng tiền rõ ràng là một chính sách đúng, khi mà nước Mỹ đang trở nên suy yếu và bất ổn. Thời gian qua, Việt Nam đã can thiệp mạnh mẽ với một định hướng rõ ràng, từ đó củng cố lòng tin của thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, để tạo sự linh hoạt trong tỷ giá, tăng lòng tin đối với thị trường, thì thực thi chính sách gắn với một giỏ đồng tiền là việc cần thiết.

Biến động của vòng xoáy thị trường trong toàn cầu hoá đi cùng với vai trò ghê gớm của các quỹ đầu tư đang tạo ra những sự thay đổi nhanh chóng, thường trực trong nền kinh tế quốc tế. Đồng thời, đặt các nước đang phát triển, với mong muốn trở thành những con hổ kinh tế phải linh hoạt hơn, khôn ngoan hơn mới có thể chớp được cơ hội phát triển.



Nguồn: VnExpress
Báo cáo phân tích thị trường