Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thương hiệu gạo: Nhìn từ phân khúc gạo thơm
06 | 09 | 2008
Là cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng gạo Việt Nam trên thị trường nội địa đôi lúc vẫn bị gạo Thái lấn sân, đặc biệt là ở các loại gạo đặc sản.

Nguyên nhân có lẽ chính là vì thương hiệu, chỉ dẫn địa lý không rõ ràng, khiến các loại gạo đặc sản chưa được người tiêu dùng tin tưởng

Sau cơn sốt giá gạo hồi tháng 4, gạo loại thường đã xuống giá. Riêng gạo thơm vẫn duy trì “phong độ” và giá lúa thơm vẫn ở mức 7.200 – 7.300đ/kg, trong khi giá lúa thường chỉ 4.700đ/kg.

Gạo thơm bên ngoài sẽ tràn vào

“Tuy nhiên vụ đông xuân tới, diện tích lúa thơm sẽ giảm sản lượng do làm lúa loại trung bình dễ bán hơn. Lúc đó, gạo thơm Thái và Campuchia sẽ tràn vào Việt Nam”, ông Hồ Minh Khải, giám đốc công ty nông nghiệp Cờ Đỏ cảnh báo.

Nguyên nhân tình trạng diện tích lúa thơm có thể sẽ giảm là do giá thành sản xuất cao, sản phẩm khó bán. Chẳng hạn, gạo Jasmine phải ký hợp đồng xuất khẩu với giá 950 USD/tấn mới có lời. Nhưng chào giá đó, ai sẽ mua khi gạo đặc sản Việt Nam chưa có tiếng trên thị trường thế giới? Gạo 5% tấm của Việt Nam phổ biến đã giảm xuống 540 USD/tấn hồi cuối tháng 8.2008.

Việc sản xuất đại trà các loại gạo đặc sản cũng gặp trở ngại trong tiêu thụ nội địa do phải khai thác phân khúc thị trường hẹp (những người thu nhập cao), trong khi các loại gạo đặc sản giả hiệu như nàng thơm chợ đào, gạo đỏ huyết rồng... bán tràn lan.

“Rờ le” tự động cho gạo thơm nội địa

Ông Khải chuẩn bị cho một thị trường gạo thơm sau khi thoả thuận hợp tác với Co.opmart hồi tháng 3.2008. Ban đầu, hai bên tính đến khả năng chia sẻ chi phí và lợi nhuận.

Nhưng do giá cả thay đổi liên tục nên ông Khải chấp nhận cung cấp nguyên liệu để Co.opmart đóng bao, chỉ cần ghi rõ chỉ dẫn địa lý. Trong điều kiện hiện nay, trữ gạo sẽ tăng chi phí 100 – 200đ/kg do lãi suất ngân hàng và các chi phí khác, đối tác chỉ cần nói rõ nhu cầu (số lượng và chủng loại), đặt tiền mua hàng và gởi gạo tại kho thì “rờ le” chương trình phối hợp sẽ tự động mở.

Khi cơn sốt giá gạo lên cao, có doanh nghiệp cho rằng “có bao nhiêu gạo cũng bán hết, lo làm thương hiệu, liên kết làm gì?”. Nhưng chính lúc đó, công ty nông nghiệp Cờ Đỏ thuộc huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ và Co.opmart đã ký thoả thuận hợp tác. Cờ Đỏ có 5.664 hecta đất trồng lúa, 70 – 80% diện tích làm lúa thơm Jasmine 85, VD20 và ST1 cả hai vụ hè thu và đông xuân, khả năng cung ứng lúa thương phẩm hằng năm khoảng 45.000 – 50.000 tấn lúa thơm, hệ thống kho tàng có sức chứa 20.000 tấn, 63 lò sấy công suất 12 – 15 tấn/mẻ và 100.000m2 sân phơi, 5 phân xưởng chế biến gạo công suất 600 – 700 tấn/ngày... Ông Khải xem đó là cơ sở bền vững để thực hiện chương trình cung cấp gạo cho siêu thị.

Ngày 31.7.2008, theo Angimex, Jasmine Châu Phú – loại gạo thơm của An Giang cũng đã bán tại 29 siêu thị trong toàn hệ thống Co.opmart. Angimex có khả năng cung cấp 350.000 tấn/năm, sức chứa kho 70.000 tấn, sản phẩm được quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000.

Bên cạnh việc tìm cách xuất khẩu gạo thơm, việc duy trì khả năng cung cấp cho thị trường trong nước, thậm chí chỉ cung cấp cho dân Sài Gòn thôi, bằng việc tạo ra sản phẩm có thương hiệu, phân phối ở địa chỉ tin cậy (như siêu thị) đang là hướng đi mới cho người làm gạo nội địa.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nếu có các hợp đồng xuất khẩu cấp chính phủ tạo cơ hội cho gạo thơm, thì diện tích lúa thơm mới tăng mạnh.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường