Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cẩn trọng trong phát triển diện tích trồng cao su
09 | 09 | 2008
Thủ tướng Chính phủ vừa có kết luận số 200/TB - VPCP về chương trình phát triển 100.000 ha cao su ở Tây Nguyên và 700.000 ha cao su trên toàn quốc. Báo chí đã trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp cao su (CNCS) Việt Nam về vấn đề này.
Bộ NN&PTNT cũng như Tập đoàn CNCS đã có định hướng như thế nào đối với việc phát triển 700.000 ha cao su từ nay đến 2015?

Hiện nay, cả nước khoảng gần 500.000 ha trồng cao su, vùng cao su tương đối ổn định là vùng Đông Nam bộ, thứ hai là vùng Tây Nguyên đang phát triển, thứ ba là vùng cao su mới mở ra ở Tây Bắc (bao gồm Điện Biên, Lai Châu và Sơn La). Trước đây, chúng ta chưa trồng cao su ở khu vực này, năm 2006 tỉnh Lai Châu thí điểm trồng và năm 2008 Tập đoàn CNCS bắt đầu trồng, thực tế cho thấy cây cao su phát triển tốt, dự kiến khu vực này sẽ trồng khoảng 50.000 ha.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và Tập đoàn CNCS là tính toán kỹ về vấn đề đất đai, tiểu vùng khí hậu. Hiện đang tiến hành hoàn thành quy hoạch cụ thể để trình Thủ tướng vào cuối năm nay. Đồng thời, Tập đoàn CNCS đang mở ra ở các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đây là vùng có truyền thống lâu đời nên không có vấn đề gì. Các địa phương tạo quỹ đất rất tốt để phát triển cao su.

Tôi khẳng định, việc phát triển cao su hoàn toàn không để cho dân tự làm mà có sự liên kết rất chặt giữa Tập đoàn CNCS với nông dân.

Cụ thể của sự liên kết đó như thế nào, thưa ông?

Cùng với việc phát triển đại điền, chúng tôi tổ chức mô hình tiểu điền. Hiện đang thí điểm ở Thanh Hóa theo phương thức 2+3 (2 tức là nông dân có đất + lao động; 3 là Tập đoàn CNCS có vốn + công nghệ + thị trường), phát triển theo mô hình này không cần phải thu hồi đất của nông dân, cũng không cần phải đưa nông dân thành công nhân vì họ vẫn trồng trên đất của họ, khi đến thời điểm thu hoạch chia theo công thức 4-6 (nông dân hưởng 6), chúng tôi cho đây là phương thức rất lý tưởng, nếu nhân rộng thành mô hình hoạt động trên cả nước, sẽ giảm thiểu việc thu hồi đất, đền bù, nông dân không phải lo lắng vì mất đất. Sau khi thí điểm thành công mô hình này, Tập đoàn CNCS sẽ chính thức báo cáo Chính phủ, sau đó có hướng để mở rộng.

Đối với khu vực Tây Bắc lại hoàn toàn khác, nghĩa là chuyển nông dân thành công nhân. Đất của họ được coi như cổ phần trong DN và người công nhân có lương hàng tháng. Tập đoàn CNCS có lợi thế là không phải vay vốn ngân hàng, do đó hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả, trong Quỹ Đầu tư phát triển của Tập đoàn để tái canh và trồng mới 50.000 ha cao su trong năm 2008 -2009, chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng hỗ trợ cho các vùng cao su phát triển. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, dãn tiến độ một số công trình chưa cần thiết để tập trung vốn cho phát triển cao su.

Có phải bộ giống cao su của Việt Nam đã quá lâu, nên khả năng chất lượng không đảm bảo khi phát triển diện tích trồng mới, quan điểm của ông thế nào?

Tôi khẳng định bộ giống cao su Việt Nam là rất tốt, cho năng suất rất cao (bình quân 1,8 -2 tấn/ha trong khi thế giới là 1,6 tấn/ha), trước đó chúng ta đặt kế hoạch chỉ 1,4 tấn/ha. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu cao su (thuộc Tập đoàn CNCS) cũng một lần nữa cho thấy không có gì đáng ngại. Chúng tôi sẽ áp dụng phương thức sản xuất là mủ - gỗ và gỗ - mủ, tức là trồng với mật độ cao, năng suất có thể thấp hơn bình thường (1,4 tấn/ha) nhưng sản lượng gỗ sẽ tăng gấp đôi, hiện chúng ta chỉ thiên về mủ là chính, chưa quan tâm đến gỗ.



Nguồn: doanhnghiep24g.vn
Báo cáo phân tích thị trường