Chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ xu hướng này bằng một chủ trương hai mặt: vừa sử dụng chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao, vừa làm nản lòng các nhà sản xuất sử dụng công nghệ thấp ở miền Hoa Nam. Bằng cách siết chặt hơn các tiêu chuẩn về môi trường và lao động, bãi bỏ ưu đãi tài chính cho hàng ngàn doanh nghiệp dệt may, đồ chơi…, Chính phủ nước này đưa ra một dấu hiệu rõ ràng về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc và khuấy động làn sóng di chuyển các nhà máy ra khỏi khu vực từ lâu vẫn được coi là công xưởng của thế giới. Theo hướng đó, dự án của Intel tại thành phố Đại Liên được ca ngợi hết mức trong lúc một nhà máy sản xuất hàng tỷ đôi tất giá 1 đô la, có vốn đầu tư tương đương tại Quảng Đông thì bị rẻ rúng.
Tại cuộc họp các trí thức hàng đầu của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi họ thách thức các nước khác trong lĩnh vực công nghệ cao.“Chúng ta đã sẵn sàng chiến đấu để giành quyền kiểm soát trận địa khoa học và chiếm một chỗ trong ban điều hành công nghệ cao của thế giới. Chúng ta sẽ nỗ lực một cách nghiêm túc để tăng cường khả năng của đất nước”, ông nói.
Thực hiện ý đồ này, các doanh nghiệp Trung Quốc đang lao vào công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học, xe hơi, thiết bị y tế; nếu không tự lực phát triển được thì mua lại các công ty nước ngoài. Đầu năm nay một công ty Trung Quốc được Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ, đã trình làng mẫu máy bay phản lực thương mại đầu tiên mà Bắc Kinh hy vọng một ngày nào đó sẽ cạnh tranh trực diện với Boeing và Airbus.
Về một số phương diện, không hẳn Trung Quốc chủ động đề ra xu thế này mà chỉ đơn giản trôi theo dòng chảy kinh tế sinh ra từ quá trình tăng trưởng cao. Sau nhiều năm gặt hái lợi nhuận từ lao động giá rẻ, các nhà máy ở Hoa Nam buộc phải di chuyển vào vùng nội địa hoặc di cư sang Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh… là những nơi có giá đất đai và lao động thấp hơn. Các thương hiệu hàng đầu thế giới ngày trước vẫn đặt gia công ở Trung Quốc các sản phẩm sử dụng nhiều lao động nay đang tìm những nguồn thay thế; tập đoàn bán lẻ Wal-Mart chẳng hạn, đang tìm các nhà sản xuất ngoài Trung Quốc để cung ứng cho mạng lưới 5.000 siêu thị của mình. Các nhà kinh tế cho rằng, Trung Quốc đang đi lại con đường mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã đi qua - từ công nghiệp kỹ năng thấp tiến lên công nghệ cao, phát triển dịch vụ và xây dựng thương hiệu tầm cỡ toàn cầu.
Song, để thành công như Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc còn phải vượt qua nhiều trở ngại, trước tiên là những yếu kém trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ở Trung Quốc, việc ăn cắp công nghệ, thiết kế của các công ty nước ngoài để làm ra hàng nhái, hàng giả… vẫn quá phổ biến. Tất nhiên, đã có những dấu hiệu tích cực: sự trỗi dậy của một tầng lớp doanh nghiệp tư nhân năng động, một tập hợp đông đảo các kỹ sư, nhà khoa học có tư duy mới và cả sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa.
Trung Quốc cũng đã thủ đắc được nhiều bí quyết công nghệ cao. Peter J. Williamson, giáo sư Đại học Cambridge, nhận xét: “Họ đã thành công nhiều trong việc phóng vệ tinh nhân tạo, sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự. Và khi được nhà nước khuyến khích, nhiều loại công nghệ tưởng rằng chưa có ở Trung Quốc bỗng dưng xuất hiện từ sau bức màn bí mật”.
Nhiều công ty Trung Quốc, kể cả công ty tư nhân, đang tích cực thực hiện tham vọng của chính phủ. Người nước ngoài ít nghe tiếng tập đoàn BYD (BYD là tên viết tắt bằng tiếng Anh của cụm từ “Xây dựng ước mơ của bạn”), nhưng đây là công ty lớn thứ hai thế giới về sản xuất các loại pin. Ra đời năm 1995, BYD chuyên sản xuất pin sạc lithium, điện thoại di động, thiết bị nhiếp ảnh, phụ tùng xe hơi và nhiều loại linh kiện khác cho các thương hiệu Nokia, Motorola, Sony và nhiều hãng khác. Giờ đây BYD nhắm tới một mặt hàng cao cấp: xe hơi chạy điện. Paul Lin - Giám đốc tiếp thị của BYD, thổ lộ: “Chúng tôi muốn làm ra một chiếc xe hơi thật sự “xanh”; tôi nghĩ chúng tôi có thể làm được”. Năm năm trước BYD mua lại một công ty xe hơi quốc doanh, vừa qua họ xây một nhà máy lắp ráp xe hơi rộng 15 héc ta ở Thâm Quyến và thuê một nhóm chuyên viên thiết kế xe hơi của Ý, chuẩn bị cho ra đời chiếc xe hơi điện đầu tiên vào cuối năm nay.
Công ty máy tính Hasee có trụ sở tại Thâm Quyến cũng là một trường hợp đáng chú ý. Mới ra đời được 6 năm nhưng Hasee đã bán được 100.000 máy tính mỗi tháng, doanh số năm nay dự kiến đạt 800 triệu đô la Mỹ và là công ty máy tính lớn thứ hai của Trung Quốc sau Lenovo. Có điều khác với Lenovo (mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của IBM), Hasee đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển loại máy tính xách tay có giá dưới 370 đô la với tham vọng trong một thập niên nữa sẽ trở thành nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới.
Chính phủ Trung Quốc ép các doanh nghiệp của mình phải leo lên nấc thang giá trị cao hơn vì lý do kinh tế nhưng cũng có phần vì chính trị. Thúc đẩy sáng tạo và xây dựng thương hiệu tầm cỡ toàn cầu không chỉ kích thích tăng trưởng, tạo ra công việc làm có mức lương cao hơn mà còn nâng cao vị thế quốc gia, vuốt ve lòng tự ái dân tộc. Tuy nhiên, chủ trương hạn chế công nghiệp sử dụng công nghệ thấp có thể buộc người dân Trung Quốc trả giá đắt. Ngân hàng Credit Suisse hồi tháng Tư dự báo một phần ba các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể phải đóng cửa trong ba năm tới. Một nghiên cứu của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc và Công ty tư vấn Booz ghi nhận, chi phí sản xuất cao đang đẩy các công ty Mỹ ra khỏi đất nước này.
Những kinh tế gia Trung Quốc đang say sưa với không khí hào hứng của Olympics thì cho rằng, đó là điều tốt. Ông Liang Guiquan thuộc Viện khoa học xã hội Quảng Đông công nhận các công ty công nghệ thấp từng đóng góp lớn cho tỉnh Quảng Đông, nhưng “Doanh nghiệp cũng như sinh vật, phải thích nghi với môi trường. Khi môi trường thay đổi thì những doanh nghiệp kém thích nghi phải chết”, ông nói.