Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê Việt được bán ở sàn giao dịch quốc tế?
15 | 09 | 2008
Như Báo SGGP đã đưa tin, Bộ NN-PTNT vừa có đề án đầu tư hơn 32.800 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, để triển khai chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho cà phê Việt Nam với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 50%-70% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giao dịch tại các sàn giao dịch quốc tế chất lượng cao. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại, nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), về vấn đề trên.
PV: Thưa ông, mục tiêu 50%-70% sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giao dịch tại các sàn giao dịch quốc tế vào năm 2015 có “viễn tưởng” quá không?

* Ông LÊ XUÂN: Khi đưa ra chỉ tiêu trên, chúng tôi đã tính toán kỹ và xác định là có đủ khả năng thực hiện được. Hiện nay, diện tích trồng cà phê trong cả nước đã đạt hơn 500.000 ha với sản lượng xấp xỉ 1 triệu tấn, đạt kim ngạch 2 tỷ USD. Cà phê của chúng ta hiện đứng thứ 2 thế giới, sau Brazil. Tuy vậy để nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm quyền chủ động trên thị trường thế giới thì chúng ta còn nhiều việc phải làm.

Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên.

* Theo đề án mà Bộ NN-PTNT đưa ra thì phương thức giao dịch kỳ hạn sẽ được xây dựng tại 2 sàn giao dịch ở Tây Nguyên và TPHCM. Nó khác với cách mua bán cà phê hiện nay của chúng ta như thế nào và liệu có tránh được những rủi ro về thị trường nông sản nói chung, cà phê nói riêng?

* Những rủi ro, hạn chế về thị trường xuất khẩu thì không bao giờ khắc phục được một cách toàn diện. Tuy nhiên, khi tham gia và xây dựng các sàn giao dịch quốc tế có kỳ hạn thì chúng ta sẽ tránh được rất nhiều rủi ro cho cà phê Việt, giúp doanh nghiệp chủ động, làm ăn có hiệu quả hơn.

Hiện nay, chúng ta vẫn chủ yếu là bán hàng trực tiếp cho nhà nhập khẩu nước ngoài theo kiểu có hàng thì mới tìm người mua để bán. Còn khi tham gia vào sàn giao dịch quốc tế, ưu điểm lớn nhất của phương thức này là doanh nghiệp có thể tìm được nhiều đối tác tốt, ký trước được hợp đồng cung ứng cà phê, nhờ vậy sẽ xác định được rõ ràng sản lượng và thời hạn giao hàng theo hợp đồng được ký trước.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể ký gửi hàng, chẳng hạn nếu một doanh nghiệp có 10 tấn cà phê cần bán nhưng chưa bán được thì có thể mang đến sàn ký gửi để vay tiền. Khi nào bán được sẽ trả lại với một mức phí hợp lý. Đây là phương thức mà hiện đa số nước đang áp dụng. Nó cũng giống như một cái “chợ đầu mối” có nhiều người mua và bán. Người bán sẽ trả giá dựa trên những thông tin công khai minh bạch của thị trường thế giới.

* Nông dân trồng cà phê có thể tham gia vào sàn giao dịch như vậy không?

* Trên sàn không có sự phân biệt đâu là nông dân, đâu là thương gia mà chỉ phân chia thành người mua và người bán và một đối tượng thứ ba là môi giới. Lúc đó, nông dân trồng cà phê sẽ được xếp vào vị trí của người bán. Nhưng không phải tất cả hộ trồng cà phê đều đến sàn giao dịch, những hộ trồng lớn thì có thể trực tiếp tham gia sàn, các hộ nhỏ thì vẫn nên qua thương lái. Mở sàn giao dịch chính là để giúp nông dân có cơ hội tham gia sàn và bán được đúng giá hơn, có lợi hơn.

* Trong đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho cây cà phê Việt Nam có xác định đến năm 2015, sẽ có 50% sản lượng cà phê có chứng chỉ. Liệu có thấp quá không?

* Mục tiêu 50% đã được tính toán dựa trên năng lực sản xuất cà phê của chúng ta. Nếu đến năm 2015, đạt được 50% cà phê có chứng chỉ đã là quá tốt. Trong năm 2008, chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ KH-CN xây dựng quy chuẩn cho cà phê Việt Nam hợp với tình hình thực tế và tiêu chuẩn hiệp ước SPS. Hiện nay, khách hàng quốc tế không quan tâm đến cà phê thuộc loại gì mà chỉ quan tâm đến các điều kiện như nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, sức khỏe của người chế biến, các bệnh của cây trồng…

* Tại sao trong đề án không đề cập đến vấn đề rất quan trọng là xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt?

* Các doanh nghiệp từ lâu đã tiến hành xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Hiện tại, chè Việt Nam đã có thương hiệu, cá tra cũng đang chọn nhà tư vấn để xây dựng thương hiệu. Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu chiến lược xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam. Hiện nay cà phê Việt Nam vẫn đang phải bán ra thế giới dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Bộ đã xác định đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức các sự kiện quảng bá cho cà phê Việt Nam với các thị trường lớn, để các nhà tiêu thụ lớn hiểu sâu và đánh giá đúng chất lượng cà phê Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn để nâng cao chất lượng thực sự về giống và công nghệ chế biến cho cà phê. 



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường