Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng nhập khẩu thịt lợn, thịt gà: Sức ép lớn với ngành chăn nuôi
17 | 09 | 2008
Do thuế suất nhập khẩu đối với sản phẩm chăn nuôi giảm nên lượng thịt lợn, thịt gà, nhập khẩu đã tăng lên rất nhiều, có thời điểm chiếm tới 25% nhu cầu tiêu dùng ở các thành phố lớn.
Trang trại chăn nuôi của HTX Hòa Mỹ (Ứng Hòa) có quy mô lớn, tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Lượng thịt nhập khẩu tăng trước mắt có thể góp phần làm giảm giá thực phẩm (thịt lợn) trong nước, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và người kinh doanh. Nhưng về lâu dài, giảm thuế để khuyến khích nhập khẩu sẽ tác động trực tiếp đến ngành chăn nuôi trong nước.

Từ nhiều năm nay các nhà đầu tư thường ít quan tâm đến nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi bởi có nhiều rủi ro. Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: Từ đầu năm đến nay cả nước đã có nhiều trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ phải dừng hoạt động, theo đó có trên 40 doanh nghiệp, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi phải tạm đóng cửa (do người chăn nuôi gặp rủi ro, đàn lợn, gia cầm bị dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi tăng giá).

Kết quả là sản lượng sản phẩm chăn nuôi trong nước ngày càng giảm (trong khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao theo đà tăng trưởng của nền kinh tế và thu nhập quốc dân tính theo đầu người). Để bù lại lượng thiếu hụt này Chính phủ đã cho giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thức ăn gia súc và thịt lợn, thịt gà. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn Hà Tây (cũ), Hải Dương, Hưng Yên và trong cả nước đang lo lắng nếu cứ đà này sẽ đến lúc chúng ta phải lệ thuộc vào thịt lợn, thịt gà nhập khẩu, đến một thời điểm nào đó giá thực phẩm nhập khẩu sẽ bị đẩy lên rất cao khó có thể kiểm soát được. Chăn nuôi không được khuyến khích phát triển, người tiêu dùng trong nước sẽ phải mua thịt lợn, thịt gà nhập khẩu với giá rất cao.

Theo một số DN, công ty chăn nuôi lớn trong nước, trong 30 ngày gần đây, khu vực từ Đà Nẵng trở vào các tỉnh phía Nam đã nhập khẩu trên 10 nghìn tấn thịt gà các loại, tương đương hơn 6,25 triệu con gà thịt trọng lượng khoảng 1,6 kg, tăng hơn 200%; số lượng gà thịt từ Đà Nẵng vào các tỉnh phía Nam đang sản xuất và tiêu thụ là 0,7 triệu gà trắng công nghiệp nuôi thịt một tuần. Nếu trung bình mỗi hộ chăn nuôi 3000 gà trắng công nghiệp thì khu vực này đã có 2000 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Có thể nói, trước mắt việc nhập khẩu thịt lợn, thịt gà đã bù cho thiếu hụt, nhưng đã tác động tới nhà chăn nuôi trong nước vốn đã phải đối mặt với thách thức mà do vốn vay bị siết chặt, lãi suất cao, vật liệu xây dựng chuồng trại tăng, điện cắt luân phiên liên tục ảnh hưởng đến các trại chăn nuôi theo công nghệ chuồng trại kín... khiến họ ngại ngần khi quyết định có nên đầu tư mở rộng hay ngừng chăn nuôi.

Điều đáng nói là nước ta đang hạn chế nhập khẩu các loại bột thịt xương chế biến từ loài nhai lại không rõ nguồn gốc, sợ lây lan dịch bệnh, nhưng lại nhập thịt lợn, thịt gà tươi sống vào tiêu dùng, chẳng khác nào đóng “cửa hậu” nhưng mở “cửa chính”. Mặt khác, người chăn nuôi ở nhiều địa phương trong cả nước vừa trải qua những biến động lớn trước thông tin sử dụng hoóc môn tăng trưởng, dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng, phải tiêu hủy một lượng khá lớn, dẫn đến tình trạng “cung” không đủ “cầu” đã đẩy giá thực phẩm tăng cao. Nếu tình hình diễn biến bình thường, dịch bệnh được kiểm soát thì nhà chăn nuôi sẽ sớm khôi phục và phát triển sản xuất nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường. Một số DN chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội cho rằng: “cung” thiếu là yếu tố lớn nhất để kích “cầu” đầu tư phát triển. Nhưng việc giảm thuế nhập khẩu đã giúp cho thịt lợn, thịt gà của các nước có nền nông nghiệp phát triển ồ ạt nhập vào, như vậy chăn nuôi trong nước đã khó lại càng khó hơn.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường