Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khủng hoảng cung cầu cá ba sa: Hết thừa đến thiếu
18 | 09 | 2008
Nếu như cách đây vài tháng, người nuôi cá điêu đứng vì khủng hoảng thừa khiến nhiều người lỗ nặng, phải treo ao thì nay, ngành xuất khẩu cá tra, basa lại đang đối mặt với khủng hoảng thiếu.
Điều này cho thấy, ngành xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam phát triển rất nhanh nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguyên nhân được xác định là do cách làm ăn manh mún, tự phát, thiếu chiến lược của ngành.

Dự báo thiếu nguyên liệu, thừa nhà máy...

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cái vòng luẩn quẩn khủng hoảng thừa - thiếu như đã và đang diễn ra là do chưa có một quy hoạch rõ ràng về nuôi cá để cân đối cho phù hợp cung - cầu.

Sự phát triển nghề nuôi cá theo phong trào, sự liên kết rời rạc giữa người nuôi cá và nhà máy chế biến đã dẫn đến tình trạng người nuôi không biết về nhu cầu thị trường, người chế biến không nắm được sản lượng cá thực có tại các ao. Mạnh ai người ấy làm. Trong khi đó, giá thức ăn cho cá cũng leo thang theo lạm phát trong khi ngân hàng lại siết chặt cho vay tín dụng.

Hệ quả là nguồn cung cá nguyên liệu tăng cao khiến giá cá nguyên liệu giảm và người dân lao đao vì cá tồn đã quá lứa đòi ăn... Khó khăn càng chồng chất khi lãi suất cho vay tín dụng của ngân hàng quá cao khiến lượng thu hoạch ồ ạt, làm nguồn cung tăng đột biến.

Mặt khác, nguồn cung tăng kéo giá thành giảm cũng đặt các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam trước nguy cơ bị kiện bán phá giá ở các thị trường xuất khẩu cao hơn.

Thế nhưng, ngay sau khi cơn khủng hoảng thừa vừa tạm lắng dịu do nỗ lực thu mua trước khi giá nguyên liệu tăng, thì ngay lập tức, cơn khủng hoảng thiếu lại chực ập đến. Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, đến khoảng tháng 11, 12, các nước châu Âu bước vào mùa lễ hội và du lịch. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ cá tra, basa sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, ngay tháng 11, lượng cá thu hoạch sẽ giảm do vừa qua, trước tình hình lỗ lãi, nhiều hộ nuôi cá đã treo ao. Dự báo, tình trạng thiếu nguyên liệu, thừa nhà máy sẽ xảy ra trong quý IV và kéo dài đến đầu năm 2009.

Theo bà Trần Thị Miêng, Cục phó Cục Chế biến, Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra tình trạng khủng hoảng thừa - thiếu. Nhiều năm qua, ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá liên tục sống trong cái vòng luẩn quẩn thừa - thiếu như thế này.

Chất lượng giảm sút

Theo thống kê của VASEP, trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu được hơn 412.701 tấn cá tra, ba sa, kim ngạch xuất khẩu đạt 927,967 tỷ USD, tăng 73% về khối lượng và gần 48% về giá trị so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, đáng kể là các thị trường EU, Nga, Ucraina, Ai Cập, Mêhico.

Ngoài EU, các thị trường kể trên là những thị trường mới nổi nhưng có tốc độ tăng trưởng cao. Đây cũng chính là những thị trường đã góp phần giải quyết lượng cá tồn trong cơn khủng hoảng thừa vừa qua. Đặc biệt, Nga là thị trường đang tiêu thụ 83.382 tấn cá xuất khẩu của Việt Nam. Thế nhưng, thị trường này đang báo động chất lượng cá tra, basa Việt Nam đang giảm sút.

Bà Trần Bích Nga, Cục phó Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Nafiqad) cho biết, từ cuối năm 2006, Cục Kiểm dịch động, thực vật Liên bang Nga (VPSS) đã áp dụng quy định mới về kiểm soát thủy sản nhập khẩu. Trong đó, quy định tỷ lệ mạ băng được điều chỉnh từ tối đa 20% xuống còn không quá 10%. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều lô hàng có tỷ lệ mạ băng lên đến 30%, thậm chí hơn được các DN Việt Nam xuất qua Nga.

Bà Nga cho biết, sở dĩ có tình trạng này là các nhà máy chế biến, xuất khẩu Việt Nam chạy theo nhu cầu của nhà nhập khẩu (trung gian) để giảm giá mua cá. Tuy nhiên, tỷ lệ mạ băng quá cao so với quy định đã khiến VPSS phản ứng gay gắt.

Ngoài Nga, châu Âu, Nhật Bản cũng thông báo có nhiều lô hàng cá tra Việt Nam bị nhiễm listeria. VPSS cho biết sẽ không cho nhập khẩu nếu phát hiện hàng có nhiễm listeria.

Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu khác cũng cảnh báo về tình trạng lạm dụng chất tăng trọng trong cá xuất khẩu Việt Nam. Thị trường châu Âu, Úc cho biết, tỷ lệ protein trong cá tra Việt Nam thấp hơn so với các nước khác (dưới 14% so với 17%). Ngoài ra, tình trạng lén lút bơm nước vào thịt cá vẫn còn tiếp diễn. Đặc biệt, những vi phạm quy định về VSATTP ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do nhiều cơ sở chế biến tổ chức phi lê một nơi, cấp đông một nẻo mà không kiểm soát tốt khâu vệ sinh và điều kiện chế biến.

Trước những biểu hiện làm ăn gian dối, làm giảm chất lượng hàng xuất khẩu của một số DN, từ tháng 7/2008, VPSS đã tạm đình chỉ 6 DN Việt Nam có nhiều lô hàng bị cảnh báo về chất lượng, VSATTP.

Theo bà Nga, nếu không sớm chấm dứt tình trạng này, nhiều khả năng cá tra, basa Việt Nam sẽ bị các thị trường nhập khẩu tẩy chay mà trước hết là Nga, một thị trường vốn được cho là tương đối dễ tính.

Siết chặt kiểm tra chất lượng các doanh nghiệp xuất khẩu

Trước những thực trạng của ngành xuất khẩu cá tra, basa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho rằng, thời gian qua, ngành cá Việt Nam chưa thật sự tuân theo quy luật cung - cầu của thị trường. Do vậy, để cứu lấy cá tra. basa, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường thực hiện ATVSTP trong suốt quy trình từ sản xuất đến chế biến; rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch vùng nguyên liệu. Hướng phát triển sắp tới không nên tăng sản lượng mà chú trọng tăng giá trị xuất khẩu.

Song song đó, cần phát triển, mở rộng ra các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ bên cạnh các thị trường truyền thống.

Đối với những DN có biểu hiện làm ăn gian dối, lạm dụng chất tăng trọng sẽ không được cấp chứng thư xuất khẩu. Các trường hợp tổ chức phi lê một nơi, cấp đông một nẻo, không đảm bảo VSATTP sẽ bị nghiêm cấm...

Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ kết hợp với VASEP tăng cường kiểm tra công tác chế biến, bảo quản của nhà máy chế biến, thậm chí kiểm tra hàng tại cảng. Trong chiến dịch này, các hãng sản xuất thức ăn cho cá cũng sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt, bắt đầu từ các DN lớn trở xuống




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường