Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập khẩu thịt, ngành chăn nuôi lộ rõ điểm yếu
23 | 09 | 2008
Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn như: dịch bệnh, rét đậm, rét hại, lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng,... ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Trong khi những vấn đề trên chưa được giải quyết triệt để thì ngành lại phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu.
Ồ ạt nhập khẩu thịt

Gần đây, giá thịt gà trong nước giảm mạnh do không cạnh tranh được với thịt gà nhập khẩu. Với lợi thế giá rẻ (bằng 2/3 thịt gà nội) nên thịt gà nhập khẩu đang dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Tại TP. Hà Nội, siêu thị BigC bán cánh gà nhập từ Brazil với giá 35.000 đồng/kg, siêu thị Metro gần 29.000 đồng/kg. Ở các chợ, giá thịt gà đùi loại 1/4 con chỉ 27.000 - 30.000 đồng/kg, cánh gà 38.000 - 40.000 đồng/kg... So với gà nội, gà ngoại rẻ hơn 10.000-15.000 đồng/kg.

Ông Lê Thanh Tùng, chủ trang trại có gần 44.000 con gà ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho hay, người nuôi gà đang thua lỗ vì giá thức ăn quá cao. Để nuôi được 1,5kg gà cần 4,1kg cám. Hiện, giá cám ở mức 9.200 đồng/kg, trong khi giá gà là 31.000 đồng/kg. Cộng các chi phí thì mỗi con gà bán ra, ông Tùng lỗ khoảng 3.000 đồng.

Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Nguyễn Xuân Dương cho biết: “Lượng thịt gà đông lạnh nhập về Việt Nam nhiều là do giá đùi và cánh thấp hơn nhiều so với giá bán trong nước, chỉ 1,1-1,3 USD/kg (tương đương 18.000-21.500 đồng/kg). Tại một số nước như Hoa Kỳ, Brazil, Mexico, Hàn Quốc..., người ta chỉ chuộng ức và lườn gà, còn cánh và đùi gà được coi là phụ phẩm nên giá bán rất rẻ”.

Khó khăn chất chồng

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu khoảng 118.108 tấn thịt các loại, nhiều nhất là thịt gà (103.401 tấn), chủ yếu từ Hoa Kỳ, Brazil, Mexico...; tiếp đến là thịt lợn, trâu, bò, cừu... Hiện cả nước có trên 20 đơn vị kinh doanh nhập khẩu thịt lợn, bò, gà.


Theo ông Dương, đây là thời điểm ngành chăn nuôi bộc lộ rõ những điểm yếu và bất cập khi chính sách về xuất, nhập khẩu của Việt Nam mở rộng hơn sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sự “va chạm” này là tất yếu và cũng là cách để ngành phải tự cải tổ để chuyển biến. Chưa kể dịch bệnh, thiên tai đã hút hết “sinh lực” cuối cùng của ngành. Hơn 200.000 con gia súc (trong đó 70% là bê, nghé) bị chết trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm. Tiếp theo, dịch cúm gia cầm bùng phát đã khiến 65.000 con phải tiêu hủy; sau dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh phải tiêu hủy 275.000 con lợn... Đi cùng nỗi lo đó là giá các loại nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt, tình trạng lạm phát dẫn tới hạn mức tín dụng thấp, lãi suất cao, thiếu ngoại tệ... khiến tâm lý người chăn nuôi bất an.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, chưa bao giờ ngành chăn nuôi lại gặp nhiều khó khăn, thử thách như thời gian qua. “Sản xuất chăn nuôi hoàn toàn có thể đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về thực phẩm (thịt, trứng) cho người tiêu dùng trong nước, không cần phải nhập thịt (trừ những loại thịt chất lượng cao cho một số nhà hàng, khách sạn...số lượng không nhiều)”, ông Giao cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch cho hay: “Thật khó chấp nhận khi nhìn vào các con số: sản lượng thịt gia cầm năm 2008 ước đạt khoảng 400.000 tấn, trong khi lượng thịt gia cầm nhập khẩu 8 tháng qua đã lên tới 103.000 tấn, bằng gần 30% so với lượng sản xuất trong nước”. Ông Lịch tính toán: Doanh nghiệp nhập khẩu thịt nộp thuế 12%, giá thành thịt gà nhập khẩu đưa về nước ta cũng chỉ 14.000 đồng/kg, bằng một nửa so với giá thành sản xuất trong nước. Nhập khẩu thịt ồ ạt với giá rẻ đã kéo giá thịt lợn, gà trong nước giảm, khiến người chăn nuôi đã thua lỗ lại càng khốn đốn hơn.

Tháo gỡ cách nào?

Theo TS. Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, biện pháp vừa cấp bách mang tính vĩ mô vừa thực tế đối với ngành chăn nuôi lúc này là Nhà nước nên điều chỉnh lại thuế nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi và một số loại thực phẩm (nhưng vẫn nằm trong lộ trình cam kết WTO), bởi thuế nhập khẩu các mặt hàng này đang rất bất hợp lý.

Không có lãi nên tình trạng bỏ chăn nuôi tại các địa phương đang là mối lo ngại cho toàn ngành. Theo ông Lê Như Tuấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hoá, khó khăn chồng chất khiến nhiều người dân không dám chăn nuôi trở lại. Tỉnh này đã có chính sách hỗ trợ rất cụ thể: Nếu lập trang trại nuôi từ 200 lợn nái trở lên sẽ được hỗ trợ cho vay ưu đãi tới 600 triệu đồng. Thế nhưng, thời gian qua, rất ít đơn xin vay vốn được chuyển lên; một số trang trại đã chuyển sang sản xuất, kinh doanh lĩnh vực khác.

Để tháo gỡ khó khăn trong ngành, ông Giao nhấn mạnh 6 vấn đề cần làm ngay. Đó là: đề nghị Bộ Công Thương nhanh chóng đưa nhập khẩu thịt quay về thế ổn định; đẩy mạnh nhập khẩu con giống tốt để tăng cường nguồn giống gốc; các cơ sở sản xuất giống phải công bố chất lượng giống, cấp giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng cho mỗi con giống bán ra; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; hạ giá thành chế biến thức ăn chăn nuôi bằng cách khuyến khích sử dụng nguyên liệu trong nước; đẩy mạnh quay vòng chăn nuôi nhằm giảm chi phí khấu hao chuồng trại, công lao động, trang thiết bị chăn nuôi; hoàn thiện hệ thống tổ chức Nhà nước về quản lý ngành chăn nuôi từ trung ương đến địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, bên cạnh các giải pháp cấp bách khác về giống, công tác thú y, giám sát chất lượng vật tư chăn nuôi..., Bộ sẽ đề nghị Chính phủ điều tiết hoạt động xuất, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm chăn nuôi như hạn chế nhập khẩu thịt, trứng; khống chế nhập khẩu các loại thực phẩm; duy trì giá thực phẩm ở mức đảm bảo người chăn nuôi có lãi.




Nguồn: kinhtenongthon
Báo cáo phân tích thị trường