Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thừa Thiên Huế: "Ăn non" cao su
06 | 10 | 2008
Năm 2002, Dự án đa dạng hóa nông nghiệp đã phủ 543ha cao su lên xã Hương Thọ (huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Theo kế hoạch, năm 2010 cây bắt đầu cho khai thác mủ. Thế nhưng, người dân đã thu tiền sớm bằng cách khai thác cao su non và bán rừng cho đầu nậu.
Chưa đến tuổi vẫn khai thác

Sáu tháng nay, người dân xã Hương Thọ thi nhau bán rừng cao su tiểu điền. Những rừng cao su mơn mởn được mang ra ngã giá. Theo thống kê, toàn xã có gần 100ha cao su bị bán cho các đầu nậu với giá 100 - 200 triệu đồng/ha. 1ha cao su có khoảng 500 - 550 gốc, đến kỳ thu hoạch sẽ cho 30 - 35 lít m/ngày. Tính theo giá thị trường 9.000 đồng/lít, doanh thu của người dân khoảng 300.000 đồng/ha/ngày, tức là có thể thu tiền triệu mỗi ngày với diện tích 3 - 5ha. Thế nhưng, vì lợi nhuận trước mắt, người dân Hương Thọ đã... bán non. Hộ nào không bán cũng sốt sắng thu hoạch khi chưa đến kỳ. Hàng chục hécta cao su non bị ép cho mủ. Để hạn chế tình trạng này, lãnh đạo xã Hương Thọ ngăn chặn bằng cách thu giữ bát lấy mủ nhưng biện pháp này chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Tình trạng cao su bị thu hoạch non không chỉ xảy ra ở Hương Thọ mà còn ở nhiều xã khác thuộc huyện Hương Trà, Nam Đông, Phú Lộc với diện tích lên tới hàng nghìn hécta. ông Trần Đình Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: “Việc khai thác mủ khi cây chưa đạt chuẩn kỹ thuật sẽ khiến giảm tuổi thọ, giảm sức cho mủ. Một cây cao su nếu được chăm sóc và khai thác đúng quy trình sẽ cho mủ trên dưới 20 năm, nhưng nếu bị “bóc lột” sớm có thể chỉ còn 5 - 7 năm”.

Trăm đường khó khăn

Theo điều tra của chúng tôi, những người trồng cao su cũng không muốn “ăn non” nhưng do giá phân bón tăng quá cao mà ngân hàng không thể cho vay thêm vốn nên bà con buộc phải “bóc ngắn cắn dài”. Nhìn 1,5ha cao su đã bán cho một “đại gia”, ông Lê Thì ở thôn La Khê Trẹm (xã Hương Thọ) buồn rầu: “Mặc dù biết bán non thu lợi chẳng bao nhiêu nhưng chúng tôi không có cách nào khác vì giá phân quá cao, không còn tiền để trang trải cho rừng cây”.

Được biết, trong một chu kỳ cao su thuộc dự án, người dân được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện cho vay 16 triệu đồng/ha. Số tiền này được giải ngân 2 lần/năm nhưng giá phân bón NPK năm 2002 chỉ khoảng 120.000 đồng/bao 50kg, nay đã tăng lên 500.000 đồng/bao. Như vậy, tiền hỗ trợ chỉ đủ cho bà con mua 1 tạ phân mỗi đợt, trong khi 1ha cao su cần ít nhất 1,5 tồ/đợt bón. Ngoài ra, chi phí về công thuê mướn, thuốc trừ cỏ và các vật tư nông nghiệp khác đều tăng, số tiền hỗ trợ chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Thêm vào đó, lãi suất theo hợp đồng năm 2002 là 0,81%/tháng nay tăng lên 1,25%; giai đoạn 1 của dự án đã kết thúc năm 2006, nay vẫn chưa triển khai giai đoạn 2 nên người dân rơi vào thế bí.

Chính vì vậy, dù nhận thức được sự thiệt hại rất lớn từ việc bán, khai thác cao su non nhưng người dân đành phải chấp nhận. Chính quyền địa phương cũng phản ứng rất yếu ớt trước thực trạng này. Ông Lê Văn Chúng, Phó chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: “Việc làm này không đúng với chủ trương xóa đói giảm nghèo của dự án nhưng theo Luật Đất đai, người dân có quyền bán vì họ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chính quyền muốn ngăn cản cũng khó. Thực tế, sau khi bán rừng cao su, người dân chỉ đủ tiền để trang trải nợ nần, còn sau đó lại trắng tay”.




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường