Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần phát triển bền vững ngành gỗ
10 | 10 | 2008
Mặc dù chiến lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006 – 2020 đặt mục tiêu phát triển 825.000 ha rừng nguyên liệu của ngành gỗ Việt Nam với sự kết hợp giữa các loại cây có chu kỳ kinh doanh ngắn 7-10 năm và chu kỳ kinh doanh dài từ 15 năm trở lên. Sản lượng dự kiến cho khai thác để phục vụ ngành gỗ vào năm 2020 sẽ đạt 20 triệu m3/năm (trong đó có 10 triệu m3 gỗ lớn), mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu.
Theo tính toán của Hiệp hội gỗ, còn phải chờ ít nhất 10 năm nữa mới hy vọng chủ động được một phần nguyên liệu trong nước khi các khu rừng trồng gỗ lớn do các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cho khai thác. Còn trong tương lai gần, không có cách nào khác là phải tiếp tục nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Hiện tại phần lớn đất rừng (gần 5 triệu ha) là do các lâm trường quốc doanh và chính quyền địa phương quản lý, trong khi khoảng 3,1 triệu ha đã được giao cho hơn một triệu hộ gia đình và cá nhân, nhưng có 20-30% diện tích được sử dụng đúng mục đích, 70% còn lại chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư lớn muốn đầu tư vào rừng trồng thì lại không có đất trồng rừng.

Tuy nhiên, đến nay cũng đã xuất hiện một số mô hình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và các chủ rừng (hộ dân, nông lâm trường) để trồng rừng sản xuất. Có doanh nghiệp chọn hình thức đầu tư tiền, giống, kỹ thuật cho các hộ dân trồng rừng, khi đến kỳ khai thác, hộ dân sẽ hoàn trả cho doanh nghiệp sản lượng gỗ nhất định, phần sản lượng tăng thêm sẽ thuộc về người trồng rừng.

Trước mắt để khắc phục việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu, vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt đề án thành lập sàn giao dịch gỗ điện tử với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỉ đồng, hiện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đang triển khai các công việc cụ thể. Dự kiến, sản giao dịch sẽ cung cấp thông tin giá cả thị trường gỗ trong nước và thế giới, các vấn đề về pháp luật khi các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ra nước ngoài...

Việc thực hiện các giao dịch qua mạng của các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ được kết nối qua cổng thương mại điện tử của Bộ Công Thương. Còn vấn đề thành lập chợ gỗ đến nay vẫn không có một phương án khả thi nào được triển khai cho dù nếu liên kết để nhập khẩu gỗ với khối lượng lớn, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm ít nhất 10% chi phí.

Để phát triển ngành gỗ ở Việt Nam trong thời gian tới, Ngành gỗ Việt Nam cần phải định hình được các sản phẩm mũi nhọn, có lợi thế trên thị trường thế giới đó là đồ gỗ nội thất hay gỗ mỹ nghệ, ván nhân tạo...

Việc xác định sản phẩm mũi nhọn đi đôi với khảo sát hiện trạng, đánh giá tiềm năng của từng vùng rừng, vùng sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ... từ đó đưa ra những định hướng phát triển thống nhất trong liên kết giữa vùng nguyên liệu và vùng sản xuất, chuyên môn hóa các công đoạn chế biến sản phẩm gỗ giữa các doanh nghiệp...




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường