Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
NSNN năm 2009: Tăng chi cho an sinh xã hội, nông nghiệp, nông thôn
10 | 11 | 2008
Với đa số đại biểu tán thành (88,44%), ngày 8/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Bồi thường nhà nước và Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị.
Theo Nghị quyết, tổng thu cân đối ngân sách năm 2009 là 389.900 tỉ đồng, bằng 21,5% tổng sản phẩm quốc nội GDP; tổng chi ngân sách nhà nước năm 2009 được xác định là 491.300 tỉ đồng; bội chi được Quốc hội cho phép là 87.300 tỉ đồng.

Chủ động các giải pháp và chính sách linh hoạt để phát triển kinh tế trong tình hình mới

Quốc hội tán thành các giải pháp được Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội đề xuất về việc thực hiện thu ngân sách Nhà nước năm 2009. Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp chủ động ngăn ngừa khả năng suy giảm kinh tế xảy ra, tháo gỡ khó khăn để đạt chỉ tiêu thu, chi ngân sách, đẩy mạnh đầu tư vào các dự án mang tính thiết thực và hiệu quả, tiếp tục cắt giảm các dự án đầu tư chưa thực sự cần thiết; tiết kiệm chi, giảm bội chi.

Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chủ động nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật thuế hiện hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đồng thời nghiên cứu các chính sách thuế khác khả thi và linh hoạt phù hợp với tình hình nền kinh tế đất nước. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp giảm tối đa thuế nợ đọng, chống thất thu thuế và hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong lĩnh vực này. Đồng thời, nghiên cứu loại bỏ những khoản phí, lệ phí không còn phù hợp tránh đặt ra những khoản thu không phù hợp, trái pháp luật.

Trong các phiên thảo luận trước khi thông qua dự toán ngân sách,
nhiều đại biểu kiến nghị tăng chi ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn.

Trong nhiệm vụ chi, Quốc hội xác định ưu tiên chi cho lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt đầu tư cho 61 huyện nghèo nhất nước, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công. Năm 2009, nguồn vốn thu từ phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ được ưu tiên dành phục vụ cho các công trình, dự án về giáo dục, y tế ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Luật Bồi thường nhà nước đã thể chế hóa được chủ trương của Đảng, bảo đảm được quyền công dân

Thảo luận tại Hội trường, hầu hiết các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Bồi thường nhà nước và Luật Quy hoạch đô thị.

Đối với Dự thảo Luật Bồi thường nhà nước nhiều đại biểu cho rằng, Luật đã thể chế hóa được chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ lợi ích cá nhân, tổ chức bị thiệt hại với lợi ích của nhà nước. Tuy nhiên theo một số đại biểu, phạm vi quy định như thế còn hẹp, chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và đề nghị mở rộng hơn. Về thời hiệu yêu cầu bồi thường Nhà nước. Dự thảo Luật quy định là 2 năm kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Về vấn đề này cũng có ý kiến cho rằng thời hiệu 2 năm là quá ngắn, nên quy định 3 năm hoặc 4 năm.

Về thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho rằng, Dự thảo Luật quy định trường hợp không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường.

Đối với thủ tục giải quyết bồi thường, có nhiều ý kiến cho rằng quy định như Dự thảo là hợp lý, nhưng thủ tục vẫn còn phức tạp, phiền hà, đặt người bồi thường vào vị trí thấp, bất lợi và đề nghị phải có quy định thật cụ thể, rõ ràng, dễ áp dụng, tránh lòng vòng và đùn đẩy trách nhiệm khi giải quyết bồi thường. Về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả, một số đại biểu không tán thành việcdùng kinh phí thuộc ngân sách địa phương để bồi thường cho những trường hợp cán bộ, công chức thuộc các ngành ở Trung ương quản lý.

Đô thị phải được phát triển bền vững, đồng bộ và phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội

Đối với Dự án Luật Quy hoạch đô thị, các đại biểu đặt ra yêu cầu Luật phải có quy định để bảo đảm khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; có tính dự báo, định hướng phát triển đô thị bền vững, bảo đảm phát triển đồng bộ hạ tầng và dịch vụ đô thị; bảo vệ môi trường; quản lý và sử dụng hợp lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị...thể hiện bản sắc văn hoá và bảo đảm các yêu cầu về lịch sử, truyền thống.

Các đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai), Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) đề nghị trong Dự thảo Luật nên có thiết chế “Kiến trúc sư trưởng” cho đô thị. Để bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý, Kiến trúc sư trưởng cần được thiết lập tại các thành phố trực thuộc Trung ương và các thành phố có tính chất đặc thù về văn hoá, lịch sử cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, Luật này không nên có quy định về “Kiến trúc sư trưởng” vì thực tế UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có các cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc đô thị.

Về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị, nhiều đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Quy hoạch đô thị, theo đó Bộ Xây dựng giúp Chính phủ tổ chức lập quy hoạch chung đô thị loại đặc biệt, vì các đô thị loại này (như thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay) là các đô thị có quy mô lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, là trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học, đầu mối giao lưu quốc tế của đất nước và khu vực, có sự ảnh hưởng, lan toả với khu vực xung quanh. Còn quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương được giao cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập.

Ngân sách nhà nước năm 2009: Tăng chi cho an sinh xã hội, nông nghiệp, nông thôn

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương tổ chức thực hiện tốt các luật thuế đã được sửa đổi, có hiệu lực từ năm 2009; quy định điều kiện và thực hiện miễn, giảm, dãn tiến độ nộp thuế có thời hạn đối với một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một trong những giải pháp quan trọng được Quốc hội thông qua là cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng ưu tiên chi cho an sinh xã hội; tăng chi có trọng điểm cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và những vùng khó khăn, nhất là 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Đồng thời, mục tiêu chống ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng sẽ được ưu tiên trong chi tiêu ngân sách.

Quốc hội quyết nghị: cần rà soát kỹ nguồn vốn nhà nước bố trí cho các dự án, công trình thuộc trách nhiệm đầu tư của ngân sách nhà nước giao cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện. Không bố trí vốn ngân sách Nhà nước cho các dự án, công trình không thuộc lĩnh vực ngân sách Nhà nước đầu tư.

Quốc hội xác định, năm 2009 nằm trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương 2007 -2010, ngân sách Trung ương phải bảo đảm chủ động xử lý những vấn đề lớn, quan trọng của quốc gia.

Năm 2009, phát hành trái phiếu Chính phủ không quá 36.000 tỷ đồng để tiếp tục tập trung đầu tư các dự án, công trình giao thông, thủy lợi, kiên cố hoá trường lớp học, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nâng cấp bệnh viện huyện;

Nghị quyết cũng nêu rõ, trong trường hợp kinh tế thế giới và trong nước có biến động lớn, ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2009 đã được Quốc hội quyết định, Chính phủ kịp thời báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để quyết định theo thẩm quyền, báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất hoặc trình Quốc hội quyết định theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường