Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bán mía trực tiếp, lợi đôi bề
14 | 11 | 2008
Khác với hàng năm, vụ mía năm nay rất nhiều nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp tự mướn ghe vận chuyển mía ra nhà máy đường, thay vì phải bán thông qua hệ thống thương lái như trước. Việc làm này được xem là khá hiệu quả mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể cho người trồng mía.
Thu hoạch mía.

Ông Cao Văn Thương, ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp vừa thu hoạch trên 160 tấn mía QĐ 93-159 và ROC 16 bằng cách mướn ghe tự vận chuyển về Nhà máy đường Phụng Hiệp tiêu thụ. Trước khi thu hoạch, thương lái vào ngã giá 450 đ/kg, nhưng ông không đồng ý bán vì cho rằng giá quá thấp so với chất lượng mía hiện tại. Sau khi đưa mía ra nhà máy thì chữ đường đo được đến 12 CCS, với giá mía 535 đ/kg tại nhà máy và chênh lệch mỗi CCS là 30 đ/kg mía, vậy là ông Thương bán được với giá 600 đ/kg mía. Theo tính toán của ông Thương, sau khi trừ chi phí thuê mướn ghe vận chuyển 50 đ/kg, thì mỗi ký mía ông còn thu lợi được 100 đ/kg so với bán cho thương lái cùng thời điểm thu hoạch. Chỉ tính riêng phần chênh lệch giá thì gia đình ông Thương cũng thu về trên 15 triệu đồng, chưa tính phần lợi nhuận mang lại từ cây mía.

Rẫy mía của anh Trương Phúc Hậu, cùng ấp Quyết Thắng dù mới chở mía lần đầu, nhưng cũng thấy sự chênh lệch so với bán cho thương lái. Theo anh Hậu, mía sau khi thu hoạch xong chở ra nhà máy thì được bốc lên ép ngay vừa không mất ký, vừa không bị giảm CCS. Anh Hậu, cho biết: “Vụ mía năm sau gia đình tui sẽ tiếp tục mướn ghe vận chuyển về nhà máy đường tiêu thụ để tăng thêm phần lợi nhuận”. Trong khi đó, rẫy mía của anh Nguyễn Văn Bền, ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng với 2,2 ha giống QĐ 13 cũng cho năng suất trên 370 tấn, nhưng bán cho thương lái chỉ với giá 500 đ/kg. Theo tính toán của anh Bền, chỉ tính phần chênh lệch thì gia đình phải chấp nhận chịu thiệt cả chục triệu đồng. Anh Bền, nói: “Do đất trũng, nước ngập nhanh lại không được phiếu hợp đồng bán mía với nhà máy nên không thể chở mía ra bán trực tiếp, đành chịu thiệt so với các hộ lân cận”.

Chủ nhiệm CLB 200 tấn, Trương Văn Hiền, nói: “Đây là vụ mía thứ hai gia đình tui chở ra Nhà máy đường Phụng Hiệp tiêu thụ. Hiện tại, giá mía tại rẫy là 490 đ/kg, với 230 tấn mía theo dự tính sẽ đạt 11 CCS thì phần chênh lệch so với bán mía tại rẫy cũng 30 đ/kg. Như vậy, phần lợi nhuận tăng từ bán mía trực tiếp cũng trên 6 triệu đồng sau khi trừ chi phí chuyên chở”. Thấy có hiệu quả, anh Hiền đã vận động các thành viên trong CLB 200 tấn chở về Nhà máy đường Phụng Hiệp tiêu thụ được trên 1.500 tấn mía cây mang về một khoản lợi nhuận đáng kể cho các thành viên CLB. Theo anh Hiền, nông dân trồng mía khó khăn đủ bề, nhất là trong thời điểm giá vật tư phân bón tăng cao cần phải tìm mọi cách để hạ giá thành, tăng lợi nhuận. Anh Hiền, cho rằng: “Nông dân trồng mía phải liên kết lại để tự cứu mình, bằng mọi cách phải giảm chi phí thấp nhất và tăng lợi nhuận cao nhất cho người dân trong và ngoài CLB. Trong vụ mía tới đây, sẽ hợp đồng trước với các chủ ghe để đưa mía về nhà máy mà không thông qua hệ thống thương lái. Bằng cách thu hoạch này thì mía sẽ được vào ép sớm hơn, chữ đường không bị giảm, nông dân sẽ thêm lợi nhuận”.

Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ Võ Văn Sơn, nhìn nhận: “Đây là mô hình hiệu quả cần được nhân rộng trong thời gian tới. Nhất là hiện nay xu thế hội nhập bắt buộc người dân phải biết liên kết lại, không thể làm ăn nhỏ lẻ như trước. Nông dân trồng mía nên liên kết lại thành lập CLB, HTX để thuận lợi trong đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống cũng như hợp đồng thu mua mía giữa doanh nghiệp và nông dân được dễ dàng. Đặc biệt là khâu thu hoạch cũng được nhanh hơn khi nông dân chở mía bán trực tiếp cho nhà máy. Về phía Nhà máy đường Vị Thanh, Phụng Hiệp sẽ ưu tiên cho nông dân bán mía trực tiếp mà không phải xếp hàng chờ tài như các thương lái. Tuy nhiên, một thực tế là hầu hết nông dân sau khi thu hoạch mía thì bán cho hệ thống thương lái vì không có phương tiện vận chuyển, đây là một thiệt thòi lớn của người dân trồng mía. Để tăng thu nhập, nông dân cần có hợp đồng với nhà máy, để tự vận chuyển nhằm giảm được sự ép giá của các thương lái khi giá mía xuống thấp”.




Nguồn: Việt Linh
Báo cáo phân tích thị trường