Tại Kiên Giang, sáng ngày 6/12 Bộ trưởng đã đến thăm HTX kênh 8 A, xã Thạnh Đông A, Tân Hiệp. HTX có 1.500ha đất sản xuất lúa 2 vụ, trong đó có 400ha sản xuất lúa cao sản gắn với hợp đồng bao tiêu. Toàn bộ diện tích đã được bà con xuống giống đã hơn 10 ngày, lúa phát triển rất tốt. Bộ trưởng đã ra tận ruộng để kiểm tra tình hình xuống giống lúa ĐX chính vụ.
Nông dân Phạm Đình Chính cho Bộ trưởng biết, hiện gia đình vẫn còn 8 tấn lúa IR50404 chưa bán được do giá quá thấp, thương lái chỉ trả 2.700 đồng/kg nếu bán sẽ lỗ vốn. Cũng may gia đình ông thực hiện mô hình đa canh vườn - ao - chuồng - ruộng nên cuộc sống bớt cơ cực hơn. Bộ trưởng đã vào tận kho chứa lúa để quan sát, nhắc nhở bà con cần bảo quản tốt để lúa khỏi bị hư hao và khuyên bà con yên tâm sản xuất, Chính phủ sẽ có giải pháp để tiêu thụ hết lượng lúa tồn đọng của dân. Trước mắt sẽ chỉ đạo và hỗ trợ lãi vay cho Cty thu mua hết 1 triệu tấn lúa HT và TĐ còn tồn đọng. Bà con xã viên cũng kiến nghị Bộ trưởng nhiều vấn đề bức xúc như giá phân bón giá cao, tình trạng phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng.
Sau đó, đoàn đã đến thăm cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Bộ trưởng đã tiếp xúc với bà con ngư dân. Bà con cho biết, chính sách hỗ trợ tiền dầu của Nhà nước phần nào đã giúp bà con vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, riêng khoản hỗ trợ thay mới máy tàu Kiên Giang không thực hiện được do ngư dân quen sử dụng các loại máy đã qua sử dụng, có giá thành rẻ. Một số chủ tàu cho biết, hiện nay giá dầu đã giảm nhưng giá cá xuống quá thấp (cá xô chỉ còn 3 – 4 ngàn đồng/kg, gảm 2/3 so với lúc giá dầu 15.000 đồng/lít) nên đánh bắt không có lời. Bộ trưởng đánh giá cảng cá Tắc Cậu hoạt động hiệu quả nhất cả nước hiện nay và cho biết Bộ sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng cảng giai đoạn II.
Ông Trần Thanh Nam, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2008 là năm sản xuất lúa của tỉnh đạt cao nhất từ trước tới nay với tổng sản lượng đạt 3,387 triệu tấn, tăng 410 ngàn tấn so với năm 2007. Tuy nhiên, toàn tỉnh còn tồn đọng khoảng 300.000 tấn lúa chưa tiêu thụ được. Về sản xuất thủy sản, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng sản lượng khai thác vẫn đạt kế hoạch đề ra với sản lượng trên 318 ngàn tấn. Chăn nuôi trong tỉnh gặp khó do giá thức ăn tăng cao khiến đàn gia súc giảm. Đoàn cũng nghe báo cáo tình hình thực hiện các dự án đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh như hệ thống thủy lợi nuôi trồng thủy sản Vàm Răng – Ba Hòn, 2 ô nuôi trồng thủy sản An Biên, An Minh, cống ngăn mặn Vàm Răng…
Bộ trưởng chỉ đạo Kiên Giang cần giữ vững diện tích sản xuất, năng suất lúa, tập trung thay đổi cơ cấu giống, hạ giá thành sản xuất, làm sao cho nông dân có lãi cao hơn. Vì lúa gạo vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân. Tuy nhiên, cũng cần phát triển thêm một số diện tích cây trồng khác như đậu tương, bắp lai…để đa dạng hoá cây trồng. Về nuôi tôm cần chỉ đạo sát sao lịch thời vụ, tránh thả sớm dễ phát sinh dịch bệnh, phát triển nuôi tôm công nghiệp, chỗ nào đủ điều kiện thì cho nuôi tôm thẻ chân trắng. Bộ trưởng cũng cho rằng, việc một tỉnh sản xuất tôm lớn như Kiên Giang mà phải nhập tới 70% lượng con giống là bất hợp lý. Vì vậy tỉnh cần sớm triển khai thực hiện vùng SX tôm giống tại Phú Quốc.
Ngày 7/12, đoàn làm việc tại Hậu Giang. Bộ trưởng đã đi kiểm tra tình hình SX lúa trong vùng đê bao bơm tưới bằng điện, thăm mô hình nuôi cá rô đồng, cá sặc rằn…Về tình hình nuôi cá, Bộ trưởng rất ấn tượng vì nông dân đã biết cách nuôi thâm canh với mật độ cao (cá sặc rằn 120 tấn/ha, cá rô 150 tấn/ha). Tuy có gặp khó khăn về giá cả nhưng mỗi ha nuôi nông dân vẫn có lãi hàng trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa. Ngoài ra, Bộ trưởng còn đi thị sát tình hình thực hiện dự án kênh sáng Ô Môn – Xà No. Buổi chiều, đoàn tỉnh tục làm việc với UBND tỉnh, nghe báo cáo về tình hình phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh.