Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phân bón tồn kho song nông dân không mua nổi
14 | 12 | 2008
Giá phân bón trên thế giới đã giảm hơn 50% nhưng giá phân bón trong nước vẫn chỉ giảm nhỏ giọt. Các doanh nghiệp cho rằng vì nhập giá cao nên không thể giảm giá

Theo ước tính của Hiệp hội Phân bón VN, nhu cầu phân bón cho mùa vụ đông xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ dao động từ 700.000 tấn- 800.000 tấn nhưng lượng phân bón nhập khẩu hiện tồn kho gần 1 triệu tấn. Bên cạnh đó, phân bón do các công ty trong nước sản xuất cũng tồn kho với số lượng 1 triệu tấn. Tuy nhiên, dù “cung” đang vượt “cầu”, nhưng giá phân bón trong nước vẫn cao ngất ngưởng, bất chấp giá phân bón trên thế giới đang giảm mạnh.

Giá quá cao so với thế giới

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón VN, cho biết: Cách đây 3 tháng, giá thế giới của phân urê là 850 USD/tấn, nay giảm chỉ còn 200 USD/tấn; phân DAP từ 1.100 USD - 1.200 USD/tấn, giảm còn 500 USD/tấn; phân SA từ 440 USD/tấn giảm còn 145 USD/tấn. Tương tự, giá các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón cũng giảm đáng kể như lưu huỳnh từ 1.000 USD/tấn giảm còn 50 USD/tấn.

Như vậy, giá bán phân urê nhập ngoại hiện chỉ còn khoảng 3.500 đồng/kg; phân DAP, kali khoảng 8.500 đồng/kg. Tuy nhiên, giá phân bón trong nước mới chỉ giảm nhỏ giọt và còn cách biệt nhiều so với giá thế giới. Chẳng hạn, giá phân DAP từ 10.000 đồng - 13.000 đồng/kg, urê 5.300 đồng/kg, kali 10.000 đồng/kg. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này, các mặt hàng phân NPK hiện chỉ mới giảm giá khoảng 20% dù giá nguyên liệu giảm đến 60%.

Ông Trần Văn Tân, chủ một đại lý phân bón ở Tân Hồng, Đồng Tháp, cho biết: Thời điểm này năm ngoái, người mua đã tấp nập, hàng lấy về không kịp bán còn bây giờ thì rất ít người mua. Do giá phân bón quá cao nên nông dân chưa thể mua dù thực tế lúa vụ đông xuân đang “đói” phân bón. Nhiều nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều khó khăn từ việc không tiêu thụ được lúa của 2 vụ trước và nợ ngân hàng nên không thể tiếp tục mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu của đại lý.

Nhập giá cao nên không thể bán giá thấp?

Theo ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh phân bón đang bị lỗ nặng. DN nhỏ lỗ khoảng vài chục tỉ đồng, còn DN lớn ít nhất cũng lỗ cả trăm tỉ đồng. Nguyên nhân do không dự báo được biến động của thị trường phân bón nên nhiều đơn vị đã nhập nguyên liệu từ giữa năm với giá cao trong khi hiện nay, giá thế giới đã giảm hơn phân nửa.

Công ty Hoàng Lê hiện còn tồn kho nhiều lô hàng phân urê trị giá khoảng 4 triệu USD. Một số DN nhập khẩu phân DAP cũng đang “ôm” hàng trị giá hàng chục triệu USD do không tiêu thụ được. Mỗi DN phân bón hiện đang tồn kho từ 50 tấn - 80 tấn. Ông Nguyễn Tấn Đạt, Giám đốc Công ty Phân bón Miền Nam, cho hay: Công ty còn tồn khoảng 20.000 tấn phân bón từ nguyên liệu giá cao nên cầm chắc lỗ khoảng 100 tỉ đồng.

Nếu muốn giải phóng hàng, cắt lỗ, DN phải giảm giá bán. Tuy nhiên, đến nay phần lớn các DN phân bón chưa giảm giá vì họ cho rằng đã nhập nguyên liệu giá cao nên không thể bán giá thấp. Khi nào tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho thì mới tính đến phương án giảm giá phân bón.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết: Các DN đề nghị giảm thuế xuất khẩu, bỏ hạn ngạch xuất khẩu phân bón để giải quyết lượng phân bón còn tồn đọng nhằm thu hồi vốn, cắt lỗ. Tuy nhiên, để bảo đảm đủ phân bón phục vụ cho nông nghiệp, không thể bỏ hạn ngạch cũng như giảm thuế suất. Bên cạnh đó, bộ cũng đã đề xuất dãn nợ, dãn thời gian nộp thuế cho các DN sản xuất, kinh doanh phân bón; đồng thời đề nghị Chính phủ dãn nợ và thu mua lượng lúa tồn đọng để nông dân có thể mua phân bón phục vụ vụ mùa. “Song, điều quan trọng nhất là các DN nên làm quen với quy luật giá cả phù hợp với diễn biến của thị trường” - ông Ngọc nói.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường