Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân xứ trà lao đao
22 | 12 | 2008
Nhiều người nông dân trên xứ trà Bảo Lộc đành rời bỏ nghề trồng trà truyền thống tìm kế khác sinh nhai khi cây trà không thể nuôi sống họ.

Đất trồng trà teo tóp

Nhiều vườn trà ở phường Lộc Phát (cách trung tâm thị xã Bảo Lộc 7 ki lô mét về hướng Tây Bắc) - một trong những cái “nôi trà” của thị xã Bảo Lộc- đã biến thành vườn cà phê. Một số hộ trồng xen cà phê vào vườn trà và khi cây cà phê lớn sẽ đốn bỏ cây trà.

Ông Nguyễn Văn Oanh, hiện có 1,5 héc ta đất trà quyết định chuyển hẳn nửa héc ta trà sang cà phê dù các gốc trà đang độ tuổi thu hoạch. “Dù giá cà phê biến động nhưng có lúc cao, lúc thấp trong khi mười mấy năm qua, giá trà tăng chẳng đáng kể. Ngay khi vào mùa nắng, sản lượng trà giảm, nhu cầu cao mà giá trà vẫn nằm yên”, ông Oanh giải thích về quyết định này.

Thêm nữa, trồng cà phê không mất nhiều công chăm sóc như trồng trà. Người trồng cà phê chỉ dành khoảng bốn tháng để chăm sóc cây, mỗi năm thu hoạch một lần trong khi cây trà đòi hỏi chăm sóc suốt năm, cây dễ nhiễm bệnh (nấm, sâu…), thu hoạch 3 lần/tháng. Về chi phí đầu tư từ lúc gieo trồng đến thu hoạch, một sào cà phê chỉ tốn khoảng 35 triệu đồng trong khi một sào trà cành cần 45-50 triệu đồng.

Cả một vùng đồi chuyên canh cây trà rộng gần 300 héc ta, nơi mà người Pháp đã chọn làm những đồn điền trà đầu tiên, đang dần trở thành đồi trống.

Người nông dân hoặc bỏ hoang rồi đến khu vực lân cận thuê đất trồng cà phê hoặc bin (chặt ngang) cây vừa mới ba năm tuổi để giảm chi phí chăm sóc. Thường người ta chỉ bin cây trà sau ba năm thu hoạch (tức khoảng 6 năm tuổi), ba tháng sau cây ra mầm và 6-8 tháng có thể hái búp. Nếu bin sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, năng suất và tuổi thọ của cây trà.

Một số hộ nông dân đã rao bán vườn trà, có người bán một phần, có người bán đứt nhưng chẳng mấy ai mua. Một héc ta trà tươi tốt, có đường đi lại thuận tiện chỉ khoảng 100-150 triệu đồng, còn những vườn ở phía trong sâu hơn chưa đến 50 triệu/héc ta. Ai muốn mua cả trăm héc ta trà cũng có. Sau khi bán đất, những người trồng trà, có người thuộc thế hệ trồng trà thứ hai, thứ ba đành bỏ xứ lên Tây Nguyên mua đất trồng cà phê hay tha phương làm thuê, làm mướn.

Những người sở hữu vườn trà sống ở tỉnh khác hay người trên thị xã thường thuê người địa phương chăm sóc vườn. Nhưng vài tháng gần đây, khi giá trà thấp, tiền bán trà không đủ trả tiền nhân công, họ quyết định bỏ hoang. Một số khác phá bỏ vườn trà, đầu tư thành quán cà phê sân vườn, khu câu cá giải trí…

Người dân xứ trà lao đao

Phường Lộc Phát có khoảng 4.000 hộ gia đình, 60% hộ dân có vườn trà, trung bình mỗi hộ có khoảng 4-5 sào đất chuyên canh cây trà, số hộ có từ 1-2 héc ta trà cũng không ít, những khu phố 11, 12 chuyên sống bằng nghề trồng và chế biến trà.

Thêm nữa, hầu như hộ nông dân trồng trà nào cũng đã đầu tư để chuyển đổi từ trà hạt sang trà cành và áp dụng thâm canh tăng năng suất. Hiện địa phương đang trồng hai giống trà chủ lực là trà hạt và trà cành; mỗi năm trà hạt cho năng suất khoảng 8 tấn/héc ta, trà cành cho năng suất cao gấp 3 lần, khoảng 20 tấn/héc ta.

Tuy nhiên, hơn chục năm nay, giá trà hầu như không tăng trong khi chi phí sản xuất như tiền nhân công từ 20.000 đồng đã tăng lên 50.000 đồng/ngày và giá phân bón tăng 150%, chưa kể gặp phải phân bón kém chất lượng, bón vào không hiệu quả thì trắng tay.

Chưa bao giờ giá trà búp thu mua xuống thấp như hiện nay. Ông Trần Đại Bình, Giám đốc kinh doanh Công ty Trà Thiên Thành, cho hay số lượng đơn hàng đặt mua trà từ Pakistan đã giảm gần 50%. Thêm vào đó, giá trà xuất khẩu bây giờ chỉ còn khoảng 22.500 đồng/ki lô gam trà xanh (tương đương với 4-5 ki lô gam trà búp, trà tươi), trong khi hai tháng trước, giá là 40.000 đồng/ki lô gam. Giá búp trà tươi thu mua của nông dân vì thế cũng giảm và số lượng mua hạn chế.

Nhiều nhà máy chế biến trà ở Bảo Lộc đã ngừng thu mua trà tươi. Chưa hết, những núi trà đã qua sơ chế ước chừng phải đến vài chục tấn cũng đang chất đầy từ nhiều tháng qua. Người nông dân phải chạy vạy khắp nơi để bán trà cho dù phải bán rẻ, chỉ 1.500-2.000 đồng/ki lô gam trà cành. Nhiều khi trà không bán được, chất thành đống rồi đốt bỏ.

Thông thường, người nông dân sẽ dành khoảng một phần ba tiền bán trà để tái đầu tư cho cây trà. Trong tình hình hiện nay, khoản chi phí này không đủ thuê nhân công chăm sóc, mua phân bón, cây trà vì thế mà phát triển èo uột.

Bà Nguyễn Thị Hiền có khoảng 1 héc ta trà cho biết, mấy tháng qua bà chỉ hái cầm chừng, 15-20 ngày mới thu hoạch thay vì chỉ 7-10 ngày như trước đây. “Vì tiền nhân công cao nên gần đây tôi đành để cho người làm thuê hái trà bằng liềm. Dù biết cách hái này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trà, trà sẽ không được chọn lựa kỹ càng như hái bằng tay”, bà Hiền nói.

Nhiều người hái trà mướn không có việc làm thường xuyên, một số thất nghiệp khi diện tích trà bị thu hẹp và số lần hái trà giảm. Họ chuyển sang hái cà phê mướn hay đi giúp việc nhà trên thị trấn.

Tuy khó khăn là vậy nhưng vẫn có người giữ được sự lạc quan, tin rằng sóng gió cũng qua đi. “Chỉ cần ngày mai trà có giá từ 3.500-4.000 đồng/ki lô gam trà búp, khi đó chỉ cần mua phân về bón một tuần cây trà lại xanh tươi trở lại. Lúc đó mỗi héc ta có thể thu hoạch tới 20 tấn và người trồng sẽ có lãi ròng 70-80 triệu đồng/héc ta/năm”, ông Oanh nói với tất cả niềm hy vọng khi nhìn một héc ta vườn trà còn lại, cây nào cũng khô khốc, không được phát triển đúng mức vì thiếu phân, thiếu công chăm sóc.





Nguồn: www.thesaigontimes.vn
Báo cáo phân tích thị trường