Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vẫn còn những cú “sốc” trên thị trường
02 | 01 | 2009
Chúng ta đã phải chứng kiến những cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng, tỷ giá VND-USD đã có lúc tăng cao kỷ lục và doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất vì không tiếp cận được vốn…

Chính sách tiền tệ (CSTT) luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Năm 2008, việc thực hiện CSTT thắt chặt, ngoài ý nghĩa góp phần kiềm chế lạm phát, còn nhằm đảm bảo sự ổn định cần thiết trên thị trường tiền tệ.

Theo các chuyên gia tài chính-ngân hàng, điều hành chính sách tiền tệ năm 2008 chia thành 2 giai đoạn, từ đầu năm đến tháng 4 và từ đầu tháng 5 đến cuối năm.

Quá tập trung vào điều hành tiền tệ

Đầu năm 2008, trước khi có gói giải pháp 8 điểm, các ngân hàng đã nhanh chóng đưa ra những giải pháp rút bớt tiền trong lưu thông bằng cách tăng lãi suất (lãi suất tái chiết khấu, huy động, tiền vay, lãi suất cơ bản) sát với giá thị trường. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định nâng dự trữ bắt buộc đối với các Ngân hàng thương mại và qui định các ngân hàng mua trái phiếu ngân hàng Nhà nước. Kèm với đó là hạn chế tăng trưởng tín dụng nóng bằng việc khống chế ở mức 30%. Ngoài ra, còn hàng loạt chính sách để hỗ trợ thị trường chứng khoán, hạn chế cho vay đối với bất động sản…

Tuy nhiên, theo TS Cao Sĩ Kiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, giai đoạn này điều hành chính sách tiền tệ có hai khiếm khuyết lớn: định hướng thực hiện các giải pháp là đúng nhưng liều lượng, thời gian tiến hành chưa thích hợp, nhuần nhuyễn. Liều lượng quá nhiều, căng thẳng cùng một lúc, trong điều kiện thanh khoản của các ngân hàng đang ở mức thấp vì cho vay dễ dãi từ các năm trước dồn cho bất động sản, chứng khoán. Đồng thời với đó, các NHTM lại phải mua trái phiếu Ngân hàng nhà nước, tăng dữ trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu… đã tạo một áp lực lớn, làm tình hình hơi rối và lãi suất tiền gửi cứ đua nhau lên.

Ngoài ra, theo ý kiến của cố GS Vũ Đình Bách - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), lúc này người ta cứ quan niệm và hình như cũng là thực tế rằng giải pháp chống lạm phát chỉ có ngân hàng là chủ yếu. Còn sự phối hợp giữa chính sách tài khoá, chính sách đầu tư, xuất nhập khẩu lại chưa được phối hợp đồng thời.

GS Vũ Đình Bách phân tích: Về lý thuyết, khi xảy ra lạm phát thì phải thực hiện đồng bộ các chính sách. Thắt chặt tiền tệ (không tung tiền ra nữa), khi đó khâu tín dụng bị co hẹp lại kéo theo nhiều doanh nghiệp “chết” vì không vay được vốn (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Đáng lẽ lúc đó Nhà nước phải có chính sách tài chính-tài khoá đồng bộ. Tức là, Ngân hàng muốn có tiền thì phải có người cho vay và lãi suất huy động phải cao hơn mức lạm phát, nếu không họ sẽ rút tiền về (lãi suất lúc đó chỉ có 7-8% mà lạm phát đã hơn 10%). Thực tế này đã bắt buộc các NHTM phải nâng cả lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay lên. Doanh nghiệp không chịu nổi lãi suất cao. Lúc này, Nhà nước cần có chính sách tài khoá (tức là giảm thuế).

Giảm thuế là biện pháp hay nhất mà lại có thể chủ động cân đối được thị trường tài chính. “Thời điểm đó chúng ta chỉ bàn mãi việc lãi suất có cao không, hợp lý không mà không tính đến các chính sách tài khoá” – GS Vũ Đình Bách nói.

Theo phân tích của GS Vũ Đình Bách, nếu giảm thuế thì về nguyên tắc người gửi vẫn được lãi suất cao, ngân hàng vẫn cho vay cao, doanh nghiệp vẫn có thể chấp nhận được vì họ được giảm thuế. Cho nên, thời điểm tháng 3-4 cứ nhấn mạnh chính sách tiền tệ là không phù hợp.

Ngoài ra, TS Cao Sĩ Kiêm cũng nhấn mạnh một thực tế: Vàng là yếu tố rất quan trọng trong nền kinh tế thì chúng ta lại không có biện pháp quản lý chặt chẽ dẫn đến nhập khẩu vàng ồ ạt (Việt Nam là nước nhập khẩu vàng lớn nhất nhì thế giới) kéo theo việc không quản lý được thị trường ngoại tệ. Đã có lúc, tỷ giá trên thị trường tự do giữa VND – USD đạt mức cao kỷ lục (19.000 đồng/USD-PV).

Bắt đầu từ tháng 4, đầu tháng 5, Chính phủ đã có chủ trương giảm tăng trưởng, tập trung chống lạm phát được thể hiện bằng 8 nhóm giải pháp. Lúc này có qui định không chỉ riêng lĩnh vực tiền tệ, tài chính, mà đầu tư, xuất nhập khẩu phải vào cuộc để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững. Chính sách tiền tệ lúc đó đã được phát huy, hỗ trợ và mang lại kết quả rõ hơn; cho vay được kiểm soát, quản lý hối đoái cũng được chặt chẽ hơn thông qua cán cân xuất nhập khẩu.

TS Cao Sĩ Kiêm khẳng định: Chúng ta đã chống lạm phát thành công, kiềm chế được lạm phát nhưng nếu cộng 12 tháng vẫn là trên 20% (mức cao-PV). Sức ép của lạm phát vẫn còn rất lớn, biểu hiện ở những điểm: nợ xấu vẫn tiếp tục tăng lên, khả năng thu thuế và các nguồn thu giảm, nhập siêu, bội chi ngân sách vẫn ở mức cao (4,95%). Kinh tế Việt Nam bắt đầu xuất hiện yếu tố giảm phát. Nếu CPI giảm liên tục trong 3-4 tháng (chỉ số giá được biểu hiện bằng sức mua, thu nhập và việc làm) thì nền kinh tế sẽ trì trệ.

Chính sách tiền tệ phải linh hoạt

Tại Hội nghị ngành Tài chính diễn ra mới đây tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc điều hành các chính sách tiền tệ, tài khoá trong năm 2009. Theo Thủ tướng, các chính sách phải linh hoạt, phù hợp. Ví dụ như thắt chặt tiền tệ thì ở mức nào là phù hợp, vừa chống được lạm phát mà kinh tế vẫn phát triển. Ổn định kinh tế vĩ mô đòi hỏi phải có sự cân đối lớn, kiểm soát được giá cả, tỷ giá, lãi suất. Các yếu tố này nhằm mục tiêu ổn định sản xuất, kinh doanh, phục vụ xuất khẩu và an sinh xã hội.

"Cần tiếp tục tính đến bài toán giảm lãi suất" -TS Cao Sĩ Kiêm

Nhận diện rõ hơn những khó khăn này, TS Cao Sĩ Kiêm khẳng định: “Chính sách tiền tệ 2009 phải rất linh hoạt vì đất nước đang trong điều kiện vừa lạm phát lại có biểu hiện giảm phát”.

Chính vì thế, theo TS Cao Sĩ Kiêm, điều hành chính sách tiền tệ những tháng tới phải có những đổi mới: Thứ nhất phải làm đồng bộ những chính sách đã có, kể cả những chính sách mới bổ sung (khuyến khích xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư, chống suy giảm kinh tế…) từ đó cần phải nới chính sách tiền tệ, tăng vốn vào những nơi, dự án tạo ra xuất khẩu, việc làm, hàng tiêu dùng, thậm chí cả tín dụng cho tiêu dùng. Tiếp tục tính đến bài toán giảm lãi suất, đơn giản thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận được vốn và sử dụng vốn này.

“Dự trữ bắt buộc, tái chiết khấu cũng phải xem xét lại theo tinh thần là phải giảm xuống”-TS Cao Sĩ Kiêm khẳng định.

Một vấn đề đặt ra là ngân hàng và doanh nghiệp lại chưa “gặp” được nhau trong khi nguồn vốn ở nhiều ngân hàng đang khá dồi dào. Cụ thể, điều kiện cho vay của ngân hàng ngày càng chặt chẽ, lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao trong khi doanh nghiệp còn phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn trong điều kiện sản xuất, kinh doanh rất khó khăn.

Tình hình mới đòi hỏi ngân hàng và doanh nghiệp phải có cách điều hành mới. “Ngân hàng phải nắm sát xí nghiệp, phải phân loại xem xí nghiệp nào an toàn, có thể làm ra hàng hoá, sử dụng lao động,… thì phải tập trung đầu tư. Ngân hàng cũng không thể ngồi chờ doanh nghiệp đến tìm mình mà phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn (giúp họ xây dựng dự án, phân kỳ dự án, có chính sách…). Còn doanh nghiệp thì phải nghiêm túc xem xét lại mình, tái cơ cấu để đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Đây cũng có thể coi là dịp tốt để doanh nghiệp xem xét, cơ cấu lại tình hình sản xuất”- TS Cao Sĩ Kiêm phân tích.

Năm 2009, theo lộ trình phải đưa giá điện và than vào lộ trình tăng giá thì chắc chắn chi phí sản xuất sẽ tăng. Cộng thêm những khó khăn do kinh tế thế giới thì các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn. Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn, giải quyết vấn đề giáo dục…

Thế nhưng, năm 2009 không phải chúng ta đối mặt với toàn khó khăn, thách thức. Việt Nam có một thuận lợi là thế giới bắt đầu lạm phát thì ta đã trải qua thời điểm khó khăn, nguy hiểm nhất. Năng lượng và lương thực là ngòi nổ cho các cuộc khủng hoảng thế giới, nhưng với Việt Nam thì hai vấn đề này lại khá ổn định. Việt Nam lại có hệ thống chính trị ổn định, an ninh tốt.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường