Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năm 2009: Nhiều giải pháp hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu
03 | 01 | 2009
Các chỉ tiêu quan trọng trong năm 2009 đối với ngành Công Thương như sản xuất công nghiệp tăng 16,0%; XK tăng 13%... thực sự không dễ thực hiện thì vấn đề nghiên cứu, khai thác năng lực của thị trường nội địa với 80 triệu dân là một hướng mới mà Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Công Thương đưa ra tại “Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương. Hiện nay giá trị XK chiếm tới 70% GDP của cả nước, vì thế một trong những cơ sở để Quốc hội đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP của cả nước năm 2009 là 6,5% là dựa vào con số tăng trưởng 13% của XK. Nếu như XK có hề hấn gì thì con số 6,5% này cũng khó có thể trở thành hiện thực- đây là sự khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi phát biểu tại Hội nghị.

Sản xuất công nghiệp: phải vượt qua những ngưng trệ

Kinh tế thế giới năm 2009 được dự báo khó khăn hơn năm 2008, khủng hoảng tài chính thế giới còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu ổn định, trong nước, ảnh hưởng lạm phát năm 2008 còn kéo dài đối với các DN, người lao động... Hơn nữa, năm 2009 chúng ta sẽ thực hiện cắt giảm thuế đối với toàn bộ biểu thuế khoảng 10.600 dòng để đến 2010 sẽ giảm còn 13,4% theo cam kết (đối với hàng công nghiệp, mức thuế bình quân sẽ tiếp tục giảm để trong vòng 4 - 6 năm tới chỉ còn 12,6%...). Với tất cả những thách thức đó, cộng thêm đà sụt giảm về sản xuất cũng như XK trong mấy tháng cuối năm 2008 cho thấy, năm 2009 sẽ đầy rẫy khó khăn trong sản xuất công nghiệp (SXCN). Chính vì vậy, thực hiện chỉ tiêu về SXCN tăng 16% là không dễ dàng gì, nhất là năm 2008, con số này chỉ đạt 14,6%.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2009, Bộ Công Thương đã xác định một số nhiệm vụ để thực hiện như: Phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao đi đôi với nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của sản xuất. Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, các sản phẩm XK; đảm bảo cân đối cung cầu những sản phẩm công nghiệp chủ yếu như điện, than, thép xây dựng, xăng dầu, phân bón...; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến. Giảm sự lệ thuộc vào nguyên liệu NK góp phần kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu; khuyến khích phát triển mạnh hơn công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm điện tử, ô tô, xe máy, tàu thuỷ, nguyên phụ liệu ngành dệt may, giầy dép...; khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; tìm mọi biện pháp đẩy mạnh XK, kiểm soát NK để tạo tốc độ tăng trưởng XK cao hơn tốc độ tăng NK, góp phần giảm nhập siêu; tăng tỷ trọng XK hàng hoá đã qua gia công chế biến, hạn chế XK sản phẩm thô...

Kèm theo, Bộ Công Thương cũng xây dựng một số giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên, trên cơ sở đó, Bộ Công Thương yêu cầu các hiệp hội ngành hàng, các DN nghiên cứu thực hiện và có những đề xuất cụ thể, hợp lý. Bộ Công Thương sẵn sàng tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế và có sức sản xuất lớn như điện, than mỏ, phân bón, sắt thép xây dựng, động cơ máy móc phục vụ nông nghiệp, ô tô tải...

Đối với từng ngành sản xuất khoáng sản, dệt may, giày dép..., Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp cụ thể, đồng thời yêu cầu các DN phải lập chương trình tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, hoàn thiện công nghệ sản xuất và quản lý để tăng năng suất lao động, giảm chi phí trên từng công đoạn của quá trình sản xuất lưu thông, bảo đảm chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp nguyên phụ liệu, chi tiết cho các ngành công nghiệp khác; đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, nhất là thực phẩm, hàng dệt may... Song song với đó, cần ưu tiên hỗ trợ ngành hàng sản xuất có lợi thế thay thế hàng NK, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, sử dụng nhiều lao động như các DN sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, cơ khí, đóng tàu, phân bón, hóa chất...; phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ vốn, lãi suất, thời hạn vay, để tiêu thụ một số sản phẩm đang tồn đọng như thép xây dựng, phân bón, giấy...; các địa phương cần tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện những cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, tăng cường các hoạt động khuyến công, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa...

Xuất khẩu: Lấy công nghiệp chế biến làm mũi nhọn

Hiện nay giá trị XK chiếm tới 70% GDP của cả nước, vì thế một trong những cơ sở để Quốc hội đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP của cả nước năm 2009 là 6,5% là dựa vào con số tăng trưởng 13% của XK. Nếu như XK có hề hấn gì thì con số 6,5% này cũng khó có thể trở thành hiện thực- đây là sự khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi phát biểu tại Hội nghị.

Quả thực, năm 2009, hoạt động XK sẽ phải đối mặt với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính; hàng hoá Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng hoá cùng chủng loại của các nước châu Á như nông sản, thuỷ sản, dệt may, giày dép, điện tử trong bối cảnh nhu cầu NK tại các thị trường chủ lực (Hoa Kỳ, EU) có xu hướng giảm. Trong khi các nhà NK còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để NK hàng hoá lợi thế về giá của nhiều mặt hàng sẽ mất đi; sản lượng một số mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao; nhiều rào cản phi thuế và các biện pháp bảo hộ được các nước dựng lên sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng XK của Việt Nam như thuỷ sản, sản phẩm gỗ... Do vậy, theo Bộ Công Thương, để đạt mục tiêu tăng trưởng 13% kim ngạch XK, cần phải tìm ra những yếu tố mới như tìm thị trường XK mới, đẩy nhanh các dự án đầu tư sản xuất hàng XK mới đi vào hoạt động... trong đó đặc biệt là việc xác định các mặt hàng mặt hàng XK mới.

Trước hết, những năm qua, kim ngạch XK 2 nhóm hàng khoáng sản- nông lâm và thuỷ sản là một trong những thế mạnh để gia tăng kim ngạch XK. Nhưng theo phân tích của các chuyên gia thì sẽ giảm trong năm 2009 (giảm khoảng 6,6 tỉ USD)...., vì vậy, gánh nặng tăng kim ngạch XK sẽ dồn lên vai nhóm hàng công nghiệp chế biến. Chiếm tỷ trọng trên 70% tổng kim ngạch XK, công nghiệp chế biến là nhóm hàng hóa quan trọng nhất. Theo dự kiến, kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2009 cũng chỉ đạt khoảng 52,9 tỉ USD, tăng 38,7% so với năm 2008 (tăng 14,7 tỉ USD). Cụ thể, mặt hàng dệt may được dự kiến là 11,5 tỉ USD, tăng khoảng 25%. Tuy nhiên, năm 2009, Mỹ sẽ bỏ hoàn toàn hạn ngạch hàng dệt may đối với Trung Quốc nên chắc chắn tạo sức ép cạnh tranh lớn đối với hàng Việt Nam.

Thứ hai là mặt hàng giày dép, với mục tiêu XK 5,1 tỉ USD, EU vẫn là thị trường trọng điểm, có điều năm 2009, giày của Việt Nam không được hưởng ưu đãi thuế quan của EU như trước. Tuy nhiên mặt hàng này vẫn có nhiều khả năng để gia tăng kim ngạch XK thông qua việc mở rộng sản xuất, đa dạng hoá thị trường XK và tăng cường hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm XK bằng cách tập trung vào khâu thiết kế kiểu dáng, tạo mẫu sản phẩm.

Thứ ba là sản phẩm gỗ là mặt hàng đã khẳng định được vị trí vững chắc trong cơ cấu XK hàng hoá của Việt Nam, ngoài các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU, đồ gỗ Việt Nam có khả năng thâm nhập thị trường Mỹ do thuế NK vào Mỹ thấp, song năm 2009 cũng sẽ gặp khó khăn do Đạo luật Lacey được ban hành bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay trong đó sẽ thắt chặt hơn việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm gỗ. Vì vậy, dự kiến kim ngạch cũng chỉ có thể tăng khoảng 8% so với năm 2008.

Thứ tư là sản phẩm nhựa là mặt hàng được đánh giá có khả năng cạnh tranh cao do tiếp cận được với công nghệ hiện đại, có thị trường rộng lớn và không quá khó để thâm nhập, đồng thời XK mặt hàng này được hưởng mức thuế thấp hoặc được đối xử ngang bằng như các nước XK khác ở hầu hết các thị trường. Vì vậy dự kiến kim ngạch sẽ vượt ngưỡng trên 1 tỉ USD tăng 39,8% so với năm 2008.

Thứ năm là dây điện và cáp điện là mặt hàng có khả năng gia tăng kim ngạch XK lớn do xu hướng đầu tư của các DN trong nước và FĐI khá mạnh mẽ. Dự kiến kim ngạch đạt 1,4 tỉ USD, tăng 34% so năm 2008.

Ngoài những mặt hàng trên còn một số mặt hàng như túi xách, va li, ô dù, sản phẩm từ cao su, sản phẩm từ gang thép hay tàu thuyền các loại đều là những mặt hàng dự kiến tăng khá trong năm 2009, ở mức trên 30%, riêng mặt hàng tàu thuyền là nhân tố mới nổi được đánh giá là mặt hàng có tốc độ tăng nhanh trong thời gian tới.

Để có thể cụ thể hóa được những phương án nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh những nhóm giải pháp thì Việt Nam cũng có có không ít những thuận lợi cơ bản như: thể chế kinh tế thị trường dần dần được hoàn thiện; sự ổn định chính trị và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao; sự hợp tác kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương được ký kết tạo thêm môi trường và điều kiện mở rộng thị trường hàng hoá, dịch vụ; kết quả bước đầu của các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững đã và đang tiếp tục phát huy kết quả.

Tại Hội nghị này, sự cam kết cũng như phân tích của một số tập đoàn, ngành hàng đã phần nào tăng thêm sự lạc quan cho các DN sản xuất và XK. Như ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm ngành điện đã có một sản lượng điện dự trữ, vì thế, mùa khô năm nay, sản lượng điện sẽ đảm bảo đủ cho nhu cầu sử dụng trong nước”. Đây là một tin đáng mừng đối với các DN sản xuất, chế biến và XK, bởi năm 2008, hầu hết các DN đều rất bức xúc vì thiếu điện. Tiếp đến là với việc được mùa trong sản xuất lúa gạo của miền Bắc và Nam, sản lượng gạo dành cho XK là khá thuận lợi. Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dấu khí cũng đưa ra chỉ tiêu: “Năm nay sản lượng khai thác dầu thô sẽ ở mức 16 triệu tấn chứ không phải là 15 triệu tấn như năm 2008”...

Hướng tới thị trường nội địa 84 triệu dân

Rút kinh nghiệm về một số diễn biến khó lường trên thị trường nội địa trong năm 2008, các nhóm giải pháp năm 2009 tập trung chủ yếu vào củng cố và phát triển mạnh mẽ hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là những mặt hàng trọng yếu của nền kinh tế bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá cả, tránh để xảy ra các cơn sốt trong mọi tình huống; đồng thời chú ý nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác điều hành thị trường trong nước theo hướng dự báo sớm, dự báo sát tình hình để chủ động xác lập tương quan cân đối cung cầu các mặt hàng quan trọng và thiết yếu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát, bảo đảm nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng.

Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2009, công tác điều hành, dự báo thị trường của Việt Nam còn bất cập. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu, công tác điều hành, dự báo thị trường năm nay phải hết sức nhạy bén, chính xác, tránh được những thiệt hại không đáng có đối với DN và người dân.

Theo Bộ Công Thương, để khai thác tiềm năng thị trường nội địa, cần nhanh chóng triển khai nhóm các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua các chương trình hợp lý hóa chuỗi giá trị và tiết giảm chi phí để hạ thấp giá bán cả trong sản xuất lẫn lưu thông. Bên cạnh đó là mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối, đổi mới tổ chức và hoạt động bán buôn, bán lẻ nhằm đẩy mạnh sức tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa trong nước làm ra, góp phần chặn đà suy giảm và duy trì tăng trưởng kinh tế; củng cố và phát triển từng bước các hệ thống phân phối bán lẻ nòng cốt và chủ lực trên thị trường cả nước và các hệ thống phân phối bán lẻ trên thị trường địa phương, vừa bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường trong nước trước tác động bất thường của thị trường thế giới, vừa tạo tiền đề để cạnh tranh và hợp tác có hiệu quả trong quá trình thực thi cam kết gia nhập WTO về mở cửa dịch vụ phân phối, nhất là phân phối bán lẻ, từ đầu năm 2009 trở đi...

Có thể nói, đề cập tới nhóm giải pháp của thị trường trong nước không chỉ là hoạt động chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng mà hơn thế còn là việc nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng cũng như tìm đường để hàng hóa sản xuất trong nước chinh phục được thị trường nội địa. Không ngẫu nhiên mà nhiều ý kiến cho rằng, trong khi hàng hóa sản xuất trong nước đang khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường XK thì thị trường trên 80 triệu dân chính là sự hứa hẹn cực lớn nếu như bản thân các cơ quan chức năng, các DN quan tâm nghiên cứu được xem họ cần gì, muốn gì và sẽ mua cái gì? Như vậy thì chắc chắn sản xuất phần nào không bị ngưng trệ, hàng hóa vẫn được luân chuyển và góp phần ngăn chặn sự suy giảm kinh tế.

Có thể nói, năm 2009 khó khăn đối với ngành Công Thương quá nhiều, tuy nhiên, sự có mặt động viên kịp thời của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cùng với những chỉ đạo, gợi ý, những cam kết cởi mở, Chính phủ sẵn sàng tạo mọi điều kiện để ưu tiên cho sản xuất và XK... đã hỗ trợ thực hiện những mục tiêu của ngành công thương.



Nguồn: Báo công thương
Báo cáo phân tích thị trường