Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế Đông Nam Á năm 2009
07 | 01 | 2009
Cuộc khủng hoảng lan rộng ở Đông Nam Á do thị trường xuất khẩu và đầu tư giảm mạnh.

Với xuất khẩu giảm sút, lòng tin xói mòn và thị trường tín dụng khủng hoảng do bị các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, các nền kinh tế Đông Nam Á đã mất hệ miễn dịch trước cuộc khủng hoảng lan tràn từ Mỹ và châu Âu.

Nhìn vào triển vọng năm 2009, các nhà phân tích kinh tế châu Á đều phải tự vấn rằng các nền kinh tế khu vực, với xuất khẩu là động lực tăng trưởng chủ yếu, sẽ lún sâu như thế nào vào cuộc suy thoái chung toàn cầu. Khi thị trường xuất khẩu toàn cầu sụp đổ, đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm mạnh, những nước ASEAN nào có nền kinh tế càng mở càng bị tác động nặng nề.

Đa số các nền kinh tế trong ASEAN thuộc nhóm 50 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trong đó, Malaysia (xuất khẩu bằng 100% GDP), Singapore (xuất khẩu bằng 200% GDP) và Thái Lan (xuất khẩu bằng 60% GDP) nằm trong danh sách 10 nước phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu.

Tháng 10/2008, Singapore đã trở thành nước châu Á đầu tiên bước vào suy thoái. Tình hình ngày càng nặng nề sau khi các nền kinh tế lớn trên thế giới lâm vào khủng hoảng, trong đó có các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Singapore như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Trong cùng một cảnh ngộ tại vùng Đông Nam Á, có thể kể đến Thái Lan. Nếu trước lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, tỷ trọng xuất khẩu trong nền kinh tế nước này chỉ là 40 %, thì hiện nay, tỷ lệ đó đã tăng lên mức 60%. Với tình trạng kinh tế khó khăn tại ba thị trường nhập khẩu chủ chốt là châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản từ sau khi khủng hoảng tài chính bùng phát, rõ ràng xuất khẩu của Thái Lan, Singapore và của các nước châu Á khác đều bị tuột dốc. Việt Nam chẳng hạn, đã phải ghi nhận đà sụt giảm của của xuất khẩu kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay. Indonesia, vào tháng 10 vừa qua, đã ghi nhận tỷ lệ giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2007.

Các nhà kinh tế châu Á từng đặt hy vọng vào Trung Quốc - đối tác nhập khẩu lớn của ASEAN với các mặt hàng chủ yếu là nguyên vật liệu thô và linh kiện điện tử - sẽ là tấm đệm và cứu cánh cho các nền kinh tế ASEAN, nay đã thất vọng. Trong khi đó, các gói kích thích tăng trưởng mà Trung Quốc công bố tháng trước chủ yếu là để dành cho kinh tế nội địa, và Bắc Kinh cũng chưa từng đề cập tới kế hoạch "ném phao" cho các đối tác và bạn bạn hàng ở khu vực phía Nam đang chìm dần.

Ngoài ra, những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu đã làm giảm mạnh ý định đầu tư mạo hiểm vào các thị trường đang nổi lên, kết quả là dòng vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài giảm mạnh. Trong khi đó, các nhà đầu tư thuộc các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang rút vốn về nước để bù đắp cho thua lỗ ở kinh tế nội địa, nên dòng vốn đầu tư tư nhân cũng chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tổng lượng vốn đầu tư toàn cầu sẽ giảm tới 47%, chỉ còn 530 tỷ USD trong năm 2009, do kinh tế toàn cầu suy thoái, đầu tư trực tiếp của nước ngoài có thể còn giảm mạnh hơn.

Nền kinh tế Singapore có nguy cơ thụt lùi với tỷ lệ âm 2% trong năm 2009. Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan năm 2008 chỉ đạt 3%, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 5,1% mà chính phủ nước này đưa ra hồi tháng 9 vừa qua. Đà suy giảm sẽ trở nên trầm trọng hơn và nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2009 chỉ đạt khoảng 1%, mức thấp nhất trong mười năm qua.

Trước nguy cơ suy thoái trong năm 2009, việc các nền kinh tế Đông Nam Á có hạ cánh nhẹ nhàng được hay không phụ thuộc vào phản ứng của các chính phủ. Một số nước có điều kiện khá hơn để tung tiền chi tiêu và giảm mạnh lãi suất nhằm kích thích tiêu dùng và đầu tư nội địa. Tuy nhiên, các chính sách này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thực thi hợp lý. Đối mặt với thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, Indonesia sẽ gặp nhiều khó khăn nhất khu vực. Thái Lan có khả năng tài chính tốt hơn nhưng lại vướng phải vấn đề bất ổn định chính trị. Phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế của Malaysia dự đoán sẽ giảm từ 5,4% năm nay xuống còn 0% trong năm tới

Tuy nhiên, khác với cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á cách đây 10 năm, lần này Đông Nam Á chỉ nằm ở ngoại vi của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hệ thống ngân hàng, cán cân tài chính và dự trữ ngoại tệ của các nước trong vùng khá hơn trước, tạo điều kiện cho các nền kinh tế khu vực chống đỡ được một phần tác động xấu từ bên ngoài. Phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, các nền kinh tế Đông Nam Á chỉ khởi sắc khi các thị trường chính hồi phục, dự đoán vào nửa cuối 2009 hoặc 2010.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường