Trong số các dự án đầu tư trực tiếp của Thụy Sỹ vào Việt Nam, phải kể đến dự án của Holcim trong lĩnh vực xi măng và vật liệu xây dựng; ABB trong xây dựng trạm biến thế điện; Nestlé sau 21 năm vắng bóng đã trở lại Việt Nam trong lĩnh vực đồ uống; Novatis trong lĩnh vực sản xuất thuốc thực vật; Elca trong lĩnh vực tin học... Hãng bảo hiểm Zurich cũng đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Ngân hàng Credit Suisse- ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sỹ- cũng đang coi Việt Nam là một thị trường hấp dẫn và đang tìm hiểu để xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm. Công ty tái bảo hiểm lớn nhất của Thụy Sỹ "Swiss Re" đã mở rộing lĩnh vực hoạt động tái bảo hiểm sang Việt Nam trong cả lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ, bằng việc mua 25% cổ phần của công ty tái bảo hiểm Việt Nam là VinaRe với trị giá cổ phẩn 88,3 triệu Franc Thụy Sỹ (79 triệu USD).
Về thương mại, trong năm qua, quan hệ thương mại giữa hai nước có bước phát triển vững chắc. Kim ngạch buôn bán giữa hai nước đã tăng đáng kể. Trong 10 tháng qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sỹ đạt hơn 32% so với cùng thời gian này năm trước. Trong số các mặt hàng xuất khẩu, mặt hàng hải sản, cà phê, dệt may, giày dép, túi xách có kim ngạch lớn hàng chục triệu USD. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2007 gồm cà phê, thực phẩm chế biến, sản phẩm chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ, đá, kim loại quý, dụng cụ chính xác, đồng hồ và phụ tùng, và nhóm bàn ghế, đồ nội thất. Những nhóm hàng này đều có tốc độ tăng trưởng cao. Hầu hết các mặt hàng chủ lực vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Một vài mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước là sản phẩm da, túi xách và nhóm hàng linh kiện điện tử. Nguyên nhân kim ngạch các mặt hàng này giảm là do sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của các nước châu Á khác, như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.
Trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước hiện nay, ngoài các dự án trong chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của chính phủ Thụy Sỹ, Chương trình xúc tiến nhập khẩu của Thụy Sỹ- gọi tắt là Sippo- đang đề ra nhiều dự án cho giai đoạn từ 2008-2011 nhằm giúp các doanh nghiệp nước ta, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hòa nhập được với kinh tế thế giới. Đặc biệt là tăng cường năng lực marketing, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang Thụy Sỹ và các nước châu Âu. Trong các dự án này, có chương trình phối hợp của Sippo với Hiệp hội hoa quả Việt Nam (Vinafruit) và Viện nghiên cứu hoa quả miền Nam (Sofri) về rau hoa quả, Chương trình trợ giúp một số công ty dệt may Việt Nam tham dự hội chợ hàng dệt may tại Thụy Sỹ hoặc châu Âu trong năm 2009, Chương trình trợ giúp các công ty Việt Nam tìm các đối tác Thụy Sỹ để thiết lập kênh tiêu thụ hàng công nghiệp Việt Nam tại thị trường Thụy Sỹ và châu Âu, Dự án về đồ chơi trẻ em và bàn ghế gỗ và song mây...Tất cả các dự án này đều nằm trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là với thị trường Thụy Sỹ và châu Âu.