Năm qua, VOCARIMEX đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách để khẳng định thương hiệu trong và ngoài nước.
Những chặng đường “vượt dốc”
Ngày 12-8-1976, Công ty Dầu thực vật Miền Nam thành lập theo cơ chế bao cấp trên cơ sở tiếp quản 4 nhà máy sản xuất dầu thực vật ở miền Nam với tổng công suất tinh luyện chỉ đạt khoảng 18.000 tấn/năm. Trải qua nhiều lần đổi tên, ngày 6-6-1992, Công ty Dầu thực vật Hương liệu Mỹ phẩm VN (VOCARIMEX) chính thức được thành lập.
Năm 2009, VOCARIMEX phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu: - Tổng doanh thu: 14.563 tỉ đồng; tăng 16,6% so với năm 2008.
- Sản lượng dầu thực vật: 658.000 tấn; tăng 17,5% so với năm 2008. |
Nhớ lại quãng đường đã qua, ông Khải không khỏi bùi ngùi: Từ năm 1976 – 1992, sản lượng dầu chỉ đạt 118.842 tấn, gồm 52% dầu thực vật thô, 24% dầu tinh luyện, số còn lại là dầu đặc. Trong đó 60% sản lượng dầu dừa, dầu lạc thô phục vụ cho xuất khẩu theo nghị định thư Nhà nước và chương trình hợp tác với Liên Xô - Đức. Thị trường nội địa hầu như bỏ ngỏ, chủ yếu cung cấp cho các nhà máy chế biến bánh kẹo, mì ăn liền. Từ năm 1991, chương trình hợp tác Liên Xô và Đức gián đoạn nên năm 1992 sản lượng dầu toàn công ty chỉ còn 6.173 tấn.
Chuyển sang những năm 1993 - 1997, công ty tập trung cải tiến thiết bị như: đầu tư máy ly tâm, thiết bị lò hơi, máy thổi chai PVC tại Nhà máy Dầu Tân Bình; máy thổi chai PET tại Nhà máy Dầu Tường An; lắp đặt hệ thống dây chuyền đóng chai tự động, bán tự động tại Nhà máy Dầu Tường An và Dầu Tân Bình... nâng tổng công suất tinh luyện dầu toàn ngành lên 98.000 tấn/năm. Thị phần tiêu thụ trong nước chiếm 68%. Vốn kinh doanh tăng từ 48,9 tỉ đồng năm 1993 lên 76,3 tỉ đồng năm 1997. Đồng thời công ty góp vốn liên doanh nước ngoài thành lập Công ty Dầu thực vật Cái Lân; Công ty Liên doanh Mỹ phẩm LG VINA.
Từ năm 1998 - 2002, toàn ngành tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cấp mở rộng công suất tinh luyện tại Nhà máy Dầu Tường An và Nhà máy Dầu Tân Bình; mua lại Nhà máy Dầu thực vật Vinh (Nghệ An)... đưa công suất tinh luyện dầu toàn công ty từ 98.000 tấn năm 1997 lên 220.000 tấn năm 2002. Năm 1998, sản lượng dầu thực vật tiêu thụ đạt 105.000 tấn; năm 2002 đã nâng lên 282.600 tấn; tăng 2,7 lần. Thị phần tiêu thụ trong nước chiếm trên 90%.
Tăng tốc và phát triển
- Bốn công ty con cổ phần (Nhà nước chiếm 51%) gồm: Công ty CP Dầu thực vật Tường An, Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình, Công ty CP Trích ly dầu thực vật, Công ty CP Thương mại Dầu thực vật.
- Bốn công ty liên kết gồm: Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty TNHH Mỹ phẩm LG VINA và Công ty CP Bao bì Dầu thực vật. |
Được xem như giai đoạn hưng thịnh của VOCARIMEX là từ năm 2003 - 2008 khi công ty xây dựng lộ trình đầu tư thích hợp trong từng giai đoạn của quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới: thành lập mới Nhà máy Dầu Phú Mỹ công suất tinh luyện 600 tấn/ngày; đầu tư mới dây chuyền tách phân đoạn dầu cọ công suất 400 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An; đầu tư mới Nhà máy Dầu thực vật Vocar công suất 100 tấn/ngày. Góp vốn liên doanh đầu tư mới Nhà máy Dầu Hiệp Phước công suất 600 tấn/ngày của Công ty Dầu Thực vật Cái Lân (Calofic); góp vốn liên doanh đầu tư mới thiết bị tinh luyện công suất 300 tấn/ngày tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè; góp vốn đầu tư Nhà máy Sản xuất Bao bì của Công ty CP Bao bì Dầu thực vật (VM Pack); đầu tư cải tạo nâng cấp, mở rộng cảng Dầu thực vật Nhà Bè để tiếp nhận tàu 20.000 DWT và góp vốn thành lập mới hai công ty con gồm: Công ty CP Trích ly dầu thực vật (VOE); Công ty CP Thương mại Dầu thực vật (VOT)... Chủ trương đầu tư này đã tăng năng lực sản xuất dầu tinh luyện lên 800.000 tấn/năm, đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong nước và thế giới. Giai đoạn này công ty thực hiện cổ phần hóa các nhà máy trực thuộc và năm 2005 VOCARIMEX chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Những con số biết nói: - Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 đạt 5.650 tỉ đồng; tăng 2,1 lần so với năm 2002; tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 17%/năm.
- Tổng doanh thu năm 2008 đạt 12.490 tỉ đồng; tăng 4,3 lần so với năm 2002; tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 31,2%/năm.
- Năm 2008, sản lượng dầu thực vật đạt 560.000 tấn, tăng 98%, tương đương với lượng tăng 277.000 tấn so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 15,6%/năm, tương đương với lượng tăng là 46.000 tấn/năm.
- Giá trị xuất khẩu năm 2008 đạt 38,3 triệu USD, tăng gấp 2,9 lần so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 51,5%/năm. |
Nhận định về giai đoạn phát triển này, ông Đỗ Ngọc Khải cho biết: Khi VN tham gia AFTA và trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, nhiều thách thức trong quá trình hội nhập đã nảy sinh. Tuy nhiên, các chỉ tiêu kinh tế giai đoạn này đều tăng trưởng đáng kể. Thị trường nội địa và xuất khẩu luôn giữ vững thị phần cao; nhiều loại sản phẩm của VOCARIMEX có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và các nước trong khu vực.
Mô hình công ty mẹ - công ty con - công ty liên kết đã thành công trong việc đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng bổ sung các chất dinh dưỡng vào dầu tinh luyện để nâng thể trạng và thể chất của người tiêu dùng VN. Trong nhiều năm qua, các sản phẩm dầu thực vật trong hệ thống VOCARIMEX sản xuất đều đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VN và xuất khẩu, đã có hàng chục sản phẩm mới ra đời với chất lượng ngày càng phù hợp với thị hiếu, sức mua của người tiêu dùng trong và ngoài nước; mẫu mã bao bì với kiểu dáng đẹp; giao hàng xuất khẩu đúng hạn; cải tiến hợp lý phân phối hàng cho các đại lý tiêu thụ nội địa; tăng cường công tác tiếp thị, khuyến mãi để kích cầu... Các đơn vị thành viên đã tổ chức sắp xếp lại bộ máy điều hành sản xuất một cách khoa học và hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tiết giảm chi phí sản xuất, quản lý để giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
Nhiều năm qua, VOCARIMEX luôn bảo đảm đạt và vượt tỉ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước giao. Đối với các công ty con, công ty liên doanh, lợi nhuận và cổ tức luôn đạt, thậm chí vượt kế hoạch do đại hội cổ đông và HĐQT đề ra. Nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 nên các sản phẩm dầu ăn của hệ thống VOCARIMEX đều đạt danh hiệu “Hàng VN chất lượng cao” và “Top ten hàng VN được yêu thích nhất”.
Để phù hợp với mô hình công ty mẹ - công ty con, công ty đã thực hiện việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, chức năng của các phòng ban, nhà máy trực thuộc VOCARIMEX; cử người đại diện vốn của Nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết; ban hành các quy chế tổ chức và hoạt động tại các đơn vị thành viên; xây dựng các tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên môn nghiệp vụ của ngành dầu thực vật, hương liệu, mỹ phẩm.
Sức mạnh tổng hợp
Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn TNCS được chú trọng, từng bước khẳng định vai trò điều hành, quản lý doanh nghiệp. Hằng năm các chi, Đảng bộ trong công ty đều được Đảng ủy khối cơ sở Bộ Công nghiệp công nhận danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”.
Tổ chức Đoàn TNCS đã tập hợp, thu hút được nhiều nhân tố mới, cá nhân tiêu biểu tham gia vào các phong trào thi đua lao động, sáng tạo tại các đơn vị.
Tổ chức Công đoàn là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện thiết chế dân chủ, tổ chức đại hội công nhân viên chức, ký thỏa ước lao động tập thể hằng năm và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền lợi chính đáng, đúng luật cho người lao động. Trong những năm qua, Công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tích cực vận động công nhân viên chức, lao động tại công ty tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như: Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; phụng dưỡng bà mẹ VN anh hùng, chăm lo thương binh nặng, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt; đóng góp quỹ “Vì người nghèo”... Ngoài ra, còn tham gia các cuộc thi tìm hiểu do thành phố phát động như: “Âm vang Điện Biên”; “TPHCM - TP anh hùng”; cuộc thi viết về nhận thức và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh trong thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu... Hằng năm, Công đoàn và Đoàn TNCS công ty còn tổ chức hội thao, hội diễn văn nghệ nhằm tạo không khí phấn khởi và gắn bó cho người lao động với công ty.
Hoạt động xã hội, từ thiện, chăm lo cuộc sống của người nghèo tại vùng sâu, vùng xa luôn được đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua công ty đã vận động CBCNV đóng góp kinh phí xây dựng hơn 50 căn nhà tình nghĩa, tình thương cho các bà mẹ VN anh hùng, thương binh nặng và người nghèo tại nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài ra, các đơn vị trong công ty còn ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho hoạt động của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và chăm sóc trẻ em nghèo, tặng quỹ học bổng, đóng góp cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt.
Công ty đã thực hiện đầy đủ nộp ngân sách và nghĩa vụ khác đối với Nhà nước. Đời sống vật chất tinh thần của CBCNV không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Với thành tích trên, VOCARIMEX đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND TPHCM tặng nhiều huân chương và phần thưởng cao quý.
Phát triển nguồn nguyên liệu trong nước ổn định và chất lượng là một định hướng chiến lược của VOCARIMEX. Để bổ sung nguồn nguyên liệu hạt mè cung cấp cho công nghiệp chế biến dầu tinh luyện xuất khẩu, từ năm 1998 đến năm 2003, VOCARIMEX đã liên kết với Tập đoàn Mitsui - Kadoya Nhật Bản nhập giống mè V6 năng suất cao để phát triển vùng trồng mè ở nhiều địa phương và thực hiện bao tiêu sản phẩm. Năm 2002, công ty đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Cai Lậy- tỉnh Tiền Giang phục tráng giống mè V6. Nhờ vậy, từ năm 2003 Công ty chấm dứt tình trạng nhập khẩu mè giống. Nhằm thực hiện chính sách khuyến khích nông dân đầu tư tham gia sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp, từ năm 2005 đến nay, công ty phối hợp với Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, các địa phương triển khai trồng thí điểm cây mè V6 trên đất xám bạc màu của vùng Đồng Tháp Mười; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. |