Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguyên liệu giảm, giá sữa vẫn tăng
19 | 01 | 2009
Những tháng gần đây, giá nguyên liệu sữa giảm mạnh nhưng trên thị trường giá sữa vẫn không giảm, thậm chí có loại còn tăng giá. Người tiêu dùng đang phải bấm bụng mua sữa với giá cao.

Đáng lẽ phải giảm giá

Trên trang web ngành sữa, nguyên liệu sữa tại thị trường châu Úc trong tuần đầu năm 2009 có giá thấp nhất trong vòng một năm qua (xem bảng). Đại diện một công ty có lượng sữa tiêu thụ trung bình trên thị trường cho biết hiện giá mà công ty nhập vào là 2.500-2.700 USD/tấn. Mức giá này thấp hơn 40%-50% so với thời kỳ giá đỉnh điểm nhưng vẫn được xem là cao so với giá của những công ty nhập nhiều nguyên liệu. Được biết, trong hợp đồng mua nguyên liệu sữa, giá cao hay thấp so với mức giá trung bình của thế giới còn tùy thuộc vào thời điểm ký kết hợp đồng cũng như số lượng hàng nhập của từng công ty sữa.

Theo các chủ đại lý sữa trên đường Nguyễn Thông, quận 3, TP.HCM, đến thời điểm này vẫn chưa có công ty sữa nào thông báo giảm giá bán. Ngược lại, có loại sữa còn tăng giá. Điển hình là sữa Anmun nhập từ New Zealand. Trong vòng ba tháng, sữa Anmun đóng hộp tăng giá đến ba lần, từ 88 ngàn đồng lên 100 ngàn đồng/lon và gần đây nhất là 108 ngàn đồng/lon, loại hộp giấy tăng từ 77.000 đồng lên 85.000 đồng. Sữa trong nước thì chỉ có duy nhất của Vinamilk tăng 2.000-3.000 đồng/hộp tùy loại.

Theo ông Nguyễn Mười - chủ đại lý sữa tại đường Nguyễn Thông, việc các công ty sữa không giảm giá bán là bất hợp lý. So với giá sữa nguyên liệu thì hiện các công ty sữa đang bán với giá rất lời. Thậm chí, giá sữa nhập khẩu trong nước còn cao hơn giá bán tại các nước trong khu vực khoảng vài chục ngàn đồng/hộp.

Nghe ngóng tình hình

Ông Trần Hữu Đức - Giám đốc quan hệ công chúng của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) cho biết giá nguyên liệu giảm mạnh thì tất yếu doanh nghiệp phải chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng bằng cách giảm giá bán. Nutifood sẽ xây dựng lại biểu đồ giảm giá bán cho từng loại sản phẩm.

Theo ông Đức, điều khiến các công ty sữa còn rụt rè trong việc lên kế hoạch giảm giá là trong lần này do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế nên nguyên liệu sữa sụt giá hơi bất thường. “Khủng hoảng kinh tế kéo theo sức mua trên thị trường giảm mạnh. Các công ty sữa đang nghe ngóng tình hình rồi mới có quyết định giảm giá bán” - ông Đức nói.

Trái ngược quan điểm của Nutifood, ông Trần Bảo Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lại khẳng định, công ty chưa thể giảm giá bán. Theo đó, tuy một số nguyên liệu chính giảm giá nhưng có một số nguyên liệu làm sữa như bột béo, dầu bơ... lại tăng giá. Chưa kể, các công ty sữa phải nhập nguyên liệu bằng USD, trong khi tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD đang trượt giá ở mức cao nên gộp chung lại thì chi phí đầu vào của sữa không giảm nhiều so với trước đây.

Thuế nhập khẩu sữa giảm “quá trớn”!

Có một điều bất hợp lý là hiện mức thuế nhập khẩu sữa của Việt Nam đã giảm xuống thấp hơn cả mức cam kết với WTO. Đối với sữa nguyên liệu, Việt Nam cam kết đến năm 2009 mức thuế nhập mới hạ xuống 18% thì hiện nay ta đã đưa xuống 10%; sữa thành phẩm mức cam kết đến năm 2012 là 25% thì nay Việt Nam đã áp dụng 15%.

Việc giảm thuế trên là giải pháp tình thế nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong giai đoạn khủng hoảng nguyên liệu cách đây một năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khi giá nguyên liệu xuống thấp như hiện tại, nếu không kịp thời điều chỉnh thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết WTO sẽ gây khó khăn cho người chăn nuôi bò sữa trong nước.

Ông Vũ Phương Bình - Giám đốc Doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa Thanh Bình cho biết với giá thu mua hiện tại 7.000-7.200 đồng/lít sữa mà các công ty sữa đưa ra thì người chăn nuôi vẫn có thể sống được. Nhưng nếu không kịp thời điều chỉnh thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa theo đúng cam kết, các công ty sữa sẽ có xu hướng “bỏ nội chọn ngoại” thì khó khăn sẽ càng chồng chất lên vai người chăn nuôi bò sữa trong nước.

Ông Trần Bảo Minh cho rằng chính sách giảm thuế sớm hơn lộ trình tưởng rằng sẽ giúp các doanh nghiệp bình ổn giá sữa nhưng chỉ làm lợi cho các nhà nhập khẩu sữa ngoại và gây ra khó khăn cho doanh nghiệp thu mua sữa tươi trong nước.

Theo ông Minh, bên cạnh việc giảm thuế từ từ, nhà nước nên có một chính sách dài hạn giúp người nông dân nâng cao sản lượng, chất lượng sữa để cạnh tranh với nguyên liệu nhập ngoại. Hiện tại, ngoài một số ít công ty sữa tự bỏ tiền đầu tư cho người nuôi bò sữa thì vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước dành cho ngành sữa rất ít ỏi và chính sách đưa ra chỉ là đối phó.



Nguồn: Pháp Luật TP.HCM
Báo cáo phân tích thị trường