Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủy sản - hết "no dồn" lại "đói góp"
05 | 02 | 2009
Giá cá tra, tôm sú đồng loạt tăng sau Tết . Lý do- Khan hiếm nguyên liệu. Xem ra, ngành Thuỷ sản vẫn vướng vào câu chuyện "muôn năm cũ": Hết đói lại bội thực và ngược lại.

Cá, tôm… đều thiếu

Ở An Giang, đến ngày 3/2/2009, cá tra ao thịt trắng bán ngay tại ao có giá từ 15.000-15.000 đ/kg, cá tra ao thịt vàng giá từ 12.500-13.500 đ/kg. Ở Tiền Giang, giá cá tra hiện vào khoảng 16.000 đ/kg, tăng 1.000 đ/kg so với trước Tết. Theo ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Uỷ ban Cá nước ngọt VASEP, do giá thức ăn đã giảm, lãi suất ngân hàng cũng giảm mạnh, do đó giá thành nuôi cá tra hiện nay vào khoảng 11.000-12.000 đ/kg. Như vậy, với những mức giá bán như trên, người nông dân nuôi cá tra đã lại bắt đầu có lời.

Tuy nhiên, cái lời đó vẫn chưa thể kéo nông dân nuôi cá trở lại. Nguyên nhân chính vẫn là do khá nhiều hộ nuôi đã buộc phải treo ao, treo hầm sau khi bị lỗ nặng trong cuộc “khủng hoảng thừa” cá tra 2008. Ông Dương Ngọc Minh, TGĐ Cty CP Chế biến Thuỷ sản Hùng Vương (Tiền Giang) thừa nhận, người nuôi cá tra hầu như đã cụt vốn nên nuôi trở lại không dễ. Ở TP Long Xuyên và các huyện Phú Tân, Châu Phú, Tân Châu của tỉnh An Giang, hàng loạt bè nuôi cá tra đã bị nông dân xẻ ra lấy gỗ bán.

Hiện tại, trên toàn tỉnh chỉ còn khoảng 300 bè cá tra, giảm gần một nửa so với năm 2006. Ông Ngô Phước Hậu cho biết thêm “Ở ĐBSCL, đến nay vẫn còn tới 50% ao, hầm nuôi cá tra chưa được nông dân thả nuôi trở lại. Trong khi đó, cả nước hiện có khoảng 100 DN chế biến cá tra, với tổng công suất lên tới 1 triệu tấn sản phẩm/năm. Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2009 này, cá tra nguyên liệu sẽ thiếu hụt lớn có thể lên tới 50%".

Giá tôm sú nguyên liệu ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu…trong mấy ngày qua cũng đã tăng lên khá mạnh. Đến đầu tháng 2, tôm loại 40 con/kg có giá 85.000-95.000 đ/kg, loại 30 con/kg giá 110.000-120.000 đ/kg, loại 20 con/kg giá 150.000 đ/kg. Nhìn chung giá tôm đã tăng từ 25.000-30.000 đ/kg so với cuối năm 2008. Hiệu quả kinh tế giảm sút mạnh trong mấy năm qua, cộng với thời tiết bất lợi đã khiến cho nhiều người tôm sú bỏ nghề. Ông Lê Văn Quang, TGĐ Cty CP Thuỷ hải sản Minh Phú (Cà Mau) đưa ra dẫn chứng cụ thể “Ngoài việc thu mua chế biến tôm sú đông lạnh, Minh Phú còn là nhà sản xuất và cung cấp tôm giống lớn trong vùng. Thế nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa thấy nông dân đến mua tôm giống của Cty. Nhiều khả năng nông dân đã bỏ nuôi tới trên 50% diện tích”.

Tránh nuôi lại ồ ạt

Việc thiếu nguyên liệu trong ngành chế biến tôm mang một màu sắc khá bi hài. Trong khi các NM đang thiếu hụt nặng nề tôm nguyên liệu có các kích cỡ từ 21/25 đến 41/50 để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì trong kho của các DN lại đang tồn đọng một lượng khá lớn tôm nguyên liệu có các kích cỡ lớn 8/12, 13/15 và 15/20. Theo Bộ NN- PTNT, trong năm 2009 này, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của cả nước ước giảm tới 35.000 ha so với năm 2008. Theo đó, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng trong năm nay chỉ đạt khoảng 2,3 triệu tấn (cá tra 1,2 triệu tấn, giảm 300 ngàn tấn so 2008)

Trước thực trạng đó, thay vì hô hào nông dân tích cực thả nuôi cá, tôm như trước đây, nhiều DN thuỷ sản đã tự đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Đây là một tư duy hoàn toàn mới, tránh kiểu "ăn đong". Ông Ngô Phước Hậu cho rằng, chỉ có như vậy việc nuôi cá tra ở ĐBSCL mới chuyển biến mạnh từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi tập trung với quy mô lớn. Ông Hậu khẳng định “Trong khi việc thả giống cá tra trong nông dân đã giảm hẳn, thì ở phía các DN mức đầu tư cho vùng nguyên liệu lại tăng lên khá mạnh. Hiện tại, nhiều DN đã đảm bảo được 30-50%, thậm chí 60-70% nguồn nguyên liệu cá tra”. Ở khía cạnh khác, việc giảm mạnh sản lượng cá tra cũng sẽ có tác dụng tích cực trong việc giữ giá XK ở mức có lợi.

Một hướng đi khác là nhiều DN đã tích cực đẩy mạnh liên kết nuôi cá tra với nông dân. Ở An Giang, Cty CP XNK Thuỷ sản đã ký hợp đồng bao tiêu với nông dân, tổng sản lượng trên 7.000 tấn cá, thời gian thực hiện từ tháng 9/2008 đến tháng 4/2009. Nhiều DN khác của tỉnh cũng đã lên kế hoạch tự thả nuôi 40% nguyên liệu và ký hợp đồng thu mua khoảng 42% nguyên liệu với nông dân.




Nguồn: nongnghiep
Báo cáo phân tích thị trường