Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
420.000 tỷ đã sẵn sàng nhưng doanh nghiệp chưa mặn mà
10 | 02 | 2009
Hàng loạt ngân hàng đã tiếp tục công bố chương trình thực hiện hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đối với doanh nghiệp (DN). Khoảng 420.000 tỷ nguồn vốn cho vay có hỗ trợ lãi suất đã sẵn sàng. Vấn đề đặt ra là các DN lại đang cân nhắc trước việc vay hay không vì đầu ra đang bí.
Hàng trăm ngàn tỷ đồng sẵn sàng

Ngày 9/2, Ngân hàng Đại dương (OceanBank) cho biết, ngân hàng này sẽ tiến hành ký kết sớm nhất thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nhằm triển khai sản phẩm tín dụng đặc bíệt tại OceanBank mang tên “Điểm tựa vàng”.

Theo đó, thông qua sự hỗ trợ lãi suất và nguồn vốn vay ưu đãi, các DN sẽ được tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất cho vay tối đa là 6,5%/năm (sau khi đã trừ mức hỗ trợ 4%/năm).

OceanBank đã thành lập Ban thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh tín dụng nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất và hợp tác với VDB về việc bảo lãnh tín dụng cho DN. 

Có vẻ mạnh tay hơn là Ngân hàng Quốc Tế (VIB). VIB đã bắt đầu triển khai chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng VND với lãi suất siêu ưu đãi” ở mức thấp nhất 1%/năm, với khoản tiền 25.000 tỷ đồng. Đối với các khách hàng ưu đãi, mức lãi suất cho vay của VIB chỉ còn ở mức 4% năm. Cũng từ ngày 9/2, Techcombank chính thức triển khai chương trình “Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp”. Số vốn mà ngân hàng này dự kiến cho vay lên đến 50 ngàn tỷ đồng. Mức lãi suất sau hỗ trợ cho các DN sản xuất kinh doanh trong nước sẽ dao động từ 5 - 6%/năm.

Đặc biệt, đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu trong chương trình cho vay xuất khẩu ưu đãi của Techcombank có thể được hưởng mức lãi suất sau hỗ trợ từ 1 - 2%/năm. Techcombank cho biết, họ đã thông báo và sẽ hướng dẫn trực tiếp đến tất cả các khách hàng về các điều kiện, thủ tục cần thiết để được hỗ trợ lãi suất

Trước đó, Ngân hàng cổ phần ACB, triển khai chương trình “Cho vay kích cầu” và "Hỗ trợ lãi suất". Theo đó, ACB sẽ dành 35.000 tỷ đồng cho chương trình “Cho vay kích cầu”. Mức lãi suất ưu đãi sau khi được hỗ trợ lãi suất chỉ còn khoảng 2%/năm đối với xuất khẩu, cho sản phẩm vay sản xuất kinh doanh trong nước dao động từ 5,0% - 5,5%/năm.

Ngân hàng Đầu tư Phát triển cũng đã công bố dành khoảng gần 70 ngàn tỷ cho vay và dự kiến sử dụng đến 15% số tiền hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ. Hai ngân hàng quốc doanh còn lại và Vietconbank chắc chắn cũng chuẩn bị một mức vốn cho vay tương đương, cộng với số vốn cam kết từ các ngân hàng thương mại cổ phần như trên đây thì nguồn vốn dành cho DN đã lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Với tốc độ này, chỉ 1 - 2 ngày nữa số vốn cam kết cho vay của các ngân hàng có thể sẽ vượt dự kiến 420.000 tỷ đồng trong chương trình được hưởng hỗ trợ lãi suất

Vì thế, các ngân hàng đều tự tin cho rằng, nguồn vốn, câu chuyện thanh quyết toán không phải là vấn đề, vấn đề chính là làm sao giải ngân nhanh, DN sử dụng vốn vay có hiệu quả. Thực hiện cho vay thông qua hỗ trợ lãi suất, DN được lợi thì rõ ràng nhưng ngân hàng cũng có cái lợi khi phục vụ được khách hàng tốt hơn và giải ngân được lượng vốn lớn.

Đầu ra đang bó

Nhiều DN, khi nói đến vốn hỗ trợ lãi suất thì rất háo hức nhưng để tính toán vay vốn là chuyện không hề đơn giản vì đầu ra của sản phẩm kể cả trong nước và xuất khẩu đều khó khăn. Và nếu không có đầu ra dù thấy vốn rẻ họ cũng không dám vay.

Chưa nhìn thấy đầu ra doanh nghiệp sẽ không dám vay vốn. (Ảnh: danang)

Chính vì thế, các ngân hàng cho rằng, chuyện vốn ở đầu vào với nỗ lực của Chính phủ và các ngân hàng thì đã ổn vấn đề bây giờ là đầu ra cho sản phẩm. Đây là câu chuyện mà cả Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, DN cùng xắn tay lo nhưng có vẻ so với tốc độ giải ngân vốn đầu vào thì chuyện mở đầu ra không hề dễ và không trong tầm tay của DN và các bộ, ngành.

Giám đốc một DN xuất khẩu đồ gỗ cho biết, thường thì đến cuối tháng 4, DN này đã có đủ hợp đồng cho cả năm nhưng đến nay, đã gần trung tuần tháng 2 mà hợp đồng gần như không có. Điều này báo hiệu cả một năm kinh doanh với đầy khó khăn đang ở phía trước. Và nếu chưa có hợp đồng thì ai đi vay vốn để trả lãi làm gì dù lãi suất có thấp.

Tình trạng này, lại không phải của riêng DN gỗ nói trên. Đáng buồn, đó lại là tình trạng chung của các DN ở các ngành hàng cà phê, điều,  da giày, dệt may khi giá xuất khẩu giảm, hợp đồng rất thưa thớt.

Báo cáo về tình hình xuất khẩu từ Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu tháng 1/2009 giảm 19% so với 12/2008 và 24% so với tháng 1/2008. Không chỉ vậy, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm đáng kể. Điều này cho thấy, thị trường cả trong nước lẫn quốc tế đều đang rất khó khăn. 

                                Công ty tài chính gặp khó

Hàng ngàn DN nhỏ và vừa dù có đủ mọi tiêu chí nhưng vay vốn qua các công ty tài chính (CTTC) vẫn không được bù lãi suất. Vì thế, rất có thể sẽ có làn sóng các DN bỏ CTTC đổ sang ngân hàng để vay vốn. Các CTTC đang đứng trước nguy cơ mất đi hàng ngàn khách hàng.

Điều này khiến nhiều CTTC rất đau đầu. Hiệp hội Ngân hàng cũng đã thừa nhận thực tế này và cho rằng cần có sự điều chỉnh trong quyết định 131 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho DN.

Vì thế,  Hiệp hội đã đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc đưa CTTC vào đối tượng cho vay vốn hỗ trợ lãi suất để các khách hàng vay vốn ở đây được hưởng bù lãi suất và các CTTC duy trì được hoạt động.



Nguồn: VNN
Báo cáo phân tích thị trường