Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành trái cây Việt Nam trước thềm hội nhập WTO
26 | 08 | 2007
Để trái cây Việt Nam có thể hội nhập với thị trường toàn cầu, Việt Nam cần tập trung phát triển những mặt hàng thực sự mang đặc trưng hương vị Việt Nam. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, hạ giá thành và duy trì bền vững các ưu thế đặc trưng đó, có như thế mới giành được cơ hội cạnh tranh
Các loại trái cây Việt Nam như dứa, chuối, cam quýt, bưởi, xoài, thanh long… đã có mặt ở thị trường nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu. Trong chiến lược của ngành nông nghiệp, rau quả được xác định là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, thực tế thị trường thời gian gần đây khiến người ta phải nghi ngờ về tính khả thi của mục tiêu này. Con số thống kê cho thấy, trái cây Việt đang ngày càng thu hẹp và mất dần thị trường xuất khẩu. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, nếu năm 2001, trái cây Việt được xuất khẩu đến 42 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 330 triệu USD, thì năm 2005 chỉ còn lại 36 nước, kim ngạch cũng giảm mất gần một nửa.
Không chỉ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế, ngay tại sân nhà, mặt hàng này cũng phải đối mặt với sự tràn ngập của các loại trái cây ngoại nhập. Một nghịch lý đã xuất hiện ngay trên vựa trái cây đồng bằng sông Cửu Long: các loại trái cây ngoại như xoài Thái, nho Mỹ, táo Mỹ, cam quýt Trung Quốc tràn ngập, lấn át hàng nội. Theo Hội khoa học kinh tế Việt Nam, tại TP.HCM, trong khoảng 500 tấn trái cây nhập về chợ hàng ngày có đến 300 tấn là trái cây nhập khẩu và trong đó 90% là trái cây nhập từ Trung Quốc.
Tổng Công ty Rau quả Việt Nam cho rằng, chúng ta thua kém các nước không chỉ ở chất lượng kém, kích cỡ không đều mà còn nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Công nghệ bảo quản kém cũng khiến sản phẩm dễ bầm dập, hao hụt nhiều. Chính các yếu tố này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam.  
Trong khuôn khổ WTO, trái cây không phải là mặt hàng được ưu tiên bảo hộ đặc biệt. Thậm chí hiện nay, theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), năm nay thuế suất cho trái cây lưu chuyển từ nước này sang nước khác trong nội bộ khối ASEAN chỉ còn ở mức là 0-5%. Với mức thuế này, trái cây Thái Lan và các nước khác dễ dàng xâm nhập và thị trường Việt Nam.
Việt Nam đã gia nhập WTO, ngành hàng trái cây cần nâng cao chất lượng, hạ giá thành và duy trì bền vững các ưu thế đặc trưng. Và chỉ nên tập trung phát triển những mặt hàng thực sự mang đặc trưng, hương vị Việt Nam thì mới có cơ hội cạnh tranh thắng lợi. Chính vì thế cần bảo tồn các nguồn gien nội địa “đặc sản” ví dụ bưởi Năm Roi, bưởi Phúc Trạch, Đoan Hùng, xoài cát Hoà Lộc… rồi qui hoạch phát triển theo từng vùng sinh thái…
Xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam cũng là một yêu cầu cấp thiết để khẳng định hình ảnh và bảo vệ sản phẩm xuất khẩu của nước ta vì phần lớn trái cây Việt Nam đều “vô danh” phải núp bóng dưới các nhãn và thương hiệu nước ngoài (chiếm đến 90%).
Năm 2001, trái cây Việt Nam xuất khẩu đến 42 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt 330 triệu USD. Năm 2005,  chỉ còn xuất khẩu đến 36 nước, kim ngạch giảm gần ½.
Ngày 10.11, thanh long Việt Nam nhận chứng chỉ ra thị trường quốc tế: Hợp tác xã (HTX) thanh long Hàm Minh (Bình Thuận) chính thức nhận chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế EurepGAP. Đây là đơn vị đầu tiên trong ngành trái cây Việt Nam nhận chứng chỉ này, giúp HTX Hàm Minh tiếp cận với thị trường cao cấp ở Châu Âu và Mỹ.
Một số cơ quan về tài trợ phát triển của Mỹ và Australia đã đầu tư cho ngành trồng thanh long Việt Nam, giúp đỡ HTX nhận chứng chỉ này và tìm cơ hội mới cho trái thanh long.

(Vinanet)



Báo cáo phân tích thị trường