Trong những năm qua, Luých-xăm-bua luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Thu nhập GDP đầu người thuộc loại cao nhất thế giới. Các lĩnh vực thế mạnh là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hóa chất, cao su, nhựa, sản xuất thép, thực phẩm. Khu vực dịch vụ là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, chiếm tới 85% GDP. Riêng dịch vụ tài chính ngân hàng cũng đã đóng góp 28% GDP của Luých-xăm-bua.
Mục tiêu chính sách đối ngoại của Luých-xăm-bua là phát huy vai trò trong EU, tham gia vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, bảo vệ các giá trị cơ bản, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy là nước nhỏ nhưng Luých-xăm-bua rất quan tâm đến hợp tác phát triển. Theo báo cáo của Bộ Hợp tác Phát triển của Luých-xăm-bua về chính sách viện trợ phát triển: từ năm 2000, Luých-xăm-bua là một trong 5 nước công nghiệp phát triển dành 0,7% thu nhập quốc dân cho viện trợ phát triển, năm 2007 con số này lên đến 0,9%, năm 2008 đạt 0,91%. Mục tiêu của chính sách hợp tác phát triển của Luých-xăm-bua là phục vụ công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo cho sự phát triển bền vững tại các nước đang phát triển, trong đó con người được đặt ở vị trí trung tâm. Ưu tiên từ nay đến năm 2015 là phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ, nhất là những mục tiêu mang tính chất xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo.... Hiện nay, viện trợ phát triển của Luých-xăm-bua chỉ ưu tiên dành cho 10 nước, trong đó có 6 nước thuộc tiểu vùng sa mạc Sahara, hai nước châu Mỹ Latinh và hai nước châu Á (Lào và Việt Nam). Đáng chú ý là Việt Nam là nước duy nhất trong 10 nước ưu tiên của Luých-xăm-bua được tất cả các đảng chính trị ở Luých-xăm-bua ủng hộ tiếp nhận viện trợ.
Việt Nam và Luých-xăm-bua thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, Luých-xăm-bua có "Ủy ban ủng hộ Việt Nam''. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau. Về phía lãnh đạo Việt Nam có: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (10/1994), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1995), Thủ tướng Phan Văn Khải (9/1992), Bộ trưởng Văn hóa-Thông tin Phạm Quang Nghị (5/2003) đã thăm Luých-xăm-bua. Lãnh đạo Luých-xăm-bua thăm Việt Nam có: Bộ trưởng Kinh tế Robert Gebbels (3/1994); Đại Công tước kế vị Henri (11/1995); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Jacques Poos (3/1996); Bộ trưởng Hợp tác phát triển Charles Goerens (12/1999); Thủ tướng Luých-xăm-bua Jenan- Claude Juncker (10/2000); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Ngoại thương Lydie Polfer (2/2004); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Jean Asselborn (12/2008).
Luých-xăm-bua ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Trong hợp tác phát triển, viện trợ của nước bạn dành cho Việt Nam tập trung vào phát triển nông thôn, y tế, đào tạo (du lịch, tài chính và ngân hàng). Bên cạnh đó còn có 1 số dự án hợp tác ba bên Luých-xăm-bua - Việt Nam - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)/Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) về chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình. Một số chương trình, dự án tiêu biểu là Dự án cung cấp dây chuyền lạnh trong lĩnh vực y tế giúp bảo quản, vận chuyển vắc-xin và máu xuống địa phương (đã thực hiện ở khoảng 4.000 xã trong cả nước); dự án phát triển dịch vụ y tế Hưng Yên; đào tạo nghiệp vụ du lịch; phát triển nông thôn và môi trường tại Nghệ An, Nam Định, Cao Bằng, Bắc Kạn; dự án đào tạo cán bộ ngân hàng-tài chính.
Trong lĩnh vực đầu tư, Luých-xăm-bua hiện có 15 dự án đầu tư tại nước ta với tổng số vốn là 810 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp xây dựng (sản xuất đá granit, thiết bị vệ sinh), công nghiệp chế biến thực phẩm (sản xuất kẹo, cà chua cô đặc), công nghệ cao (phát triển phần mềm). Hiện Luých-xăm-bua có 2 dự án lớn là phát triển mạng điện thoại di động (656 triệu USD), dự án xây dựng và kinh doanh tổ hợp văn phòng, căn hộ 65 tầng (114 triệu USD). Trao đổi thương mại giữa hai nước còn hạn chế. Kim ngạch thương mại chỉ đạt khoảng 5-6 triệu USD mỗi năm. Việt Nam xuất sang nước bạn hàng dệt may, giầy dép và nhập khẩu từ nước bạn sắt thép, nguyên liệu da, nguyên liệu thuốc lá.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đại Công tước Luých-xăm-bua Hen-ri nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước; trao đổi các phương hướng, biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, hợp tác phát triển; trao đổi những vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Chuyến thăm cũng góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.