Bắc Giang: Tập huấn cho người chăn nuôi về chăn nuôi an toàn Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh động vật tại nhiều địa phương lân cận, tỉnh Bắc Giang đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp chủ động phòng, chống, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, giao trách nhiệm giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho chính quyền và đội ngũ cán bộ thú y cơ sở để phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời nếu có dịch bệnh; tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới người chăn nuôi về các dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm, long móng ở trâu, bò và các biện pháp phòng chống.
Cơ quan thú y các cấp trong tỉnh hướng dẫn, tập huấn cho người chăn nuôi về chăn nuôi an toàn, hạn chế các hành vi có nguy cơ làm phát sinh, lây lan dịch bệnh; tiêu độc, khử trùng thường xuyên nơi chăn nuôi, chợ, điểm mua bán động vật và tổ chức tiêm phòng vắc xin bổ sung ngay cho những đàn gia cầm tới tuổi tiêm phòng, đàn đến kỳ tiêm nhắc lại, đàn bị bỏ sót trong các đợt tiêm phòng đại trà và tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc, tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn.
Cùng với việc rà soát và chỉ đạo các dự án, chương trình phát triển chăn nuôi trên địa bàn có hỗ trợ con giống bò, lợn, gia cầm phải chấp hành đúng quy định về kiểm dịch động vật của cơ quan thú y, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng chuẩn bị phương án sẵn sàng về nhân lực, phương tiện, vật tư, hoá chất...để chủ động ứng phó khi có dịch. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát khâu lưu thông động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn để sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời dịch động vật từ ngoài vào tỉnh vì thực tế cho thấy, các ổ dịch động vật xảy ra trước đây ở Bắc Giang đều do từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh.
Theo ông Hoàng Đăng Huyến, Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Bắc Giang, hiện nguy cơ dịch động vật trên địa bàn tỉnh vẫn cao do đàn vật nuôi của tỉnh lớn ( 245.000 con trâu, bò, trên 12 triệu con gia cầm và hơn 1 triệu con lợn ); việc kiểm soát động vật trên khâu lưu thông chưa triệt để và ý thức phòng, chống dịch động vật của chính quyền cơ sở, người chăn nuôi, người kinh doanh động vật và sản phẩm động vật ở nhiều nơi trong tỉnh chưa cao, thậm chí còn lơ là, chủ quan, nhất là thời gian sau Tết nguyên đán này.
Tuy vẫn tiêm phòng vắc xin bổ sung cho đàn vật nuôi hằng tháng nhưng trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 3/2009 ( khi tỉnh tổ chức tiêm phòng đại trà cho đàn vật nuôi ), vẫn có nguy cơ cao về dịch bệnh trên đàn vật nuôi mới và đàn vật nuôi đã hết thời hạn miễn dịch.
Quảng Trị: Cơ quan thú y tích cực rà soát địa bàn
Chi cục Thú y Quảng Trị cho biết, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 2 đàn vịt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngành thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy 2 đàn vịt này.
Từ đầu tháng 2/2009, hai đàn vịt hơn 1.500 con từ 32 - 50 ngày tuổi của gia đình ông Dương Văn Tình ở thôn Hà Tây và gia đình ông Nguyễn Xuân Linh ở thôn Tường Vân (cùng thuộc xã Triệu An, huyện Triệu Phong) bị bệnh chết rải rác khoảng 300 con.
Đến ngày 6/2, các gia đình mới báo cho cơ quan thú y địa phương về tình trạng vịt chết đồng loạt. Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Ngày 9/2, Cơ quan Thú y vùng III chính thức thông báo kết quả các mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm dương tính với vi-rút H5N1.
Ngay sau đó, lực lượng thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và chủ đàn vịt thực hiện các biện pháp tiêu huỷ ngay đàn vịt bị nhiễm bệnh; đồng thời tiến hành phun hoá chất và rải vôi bột tiêu độc khử trùng chuồng trại và vùng phụ cận cận. Ngành thú y cũng triển khai tiêm phòng cho gần 10 ngàn con gia cầm trên địa bàn xã, đến ngày 10/2 đã tiêm phòng đạt 100% số gia cầm này. Cơ quan thú y tỉnh đang chỉ đạo mạng lưới thú y trên toàn địa bàn triển khai rà soát lại toàn bộ gia cầm và súc vật khác, nhằm phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời nếu dịch bệnh xảy ra.
Hậu Giang: Tăng cường công tác quản lý mua bán vận chuyển gia cầm
Theo ông Nguyễn Hiền Trung, Chi cục trưởng Chi cục thú Y tỉnh Hậu Giang, đến ngày 11/2, toàn tỉnh đã xuất hiện 8 ổ dịch cúm H5N1 trên đàn vịt, tập trung ở 2 huyện Vị Thủy và Long Mỹ, trong đó có 4 ổ dịch mới phát hiện gồm 2 ổ ở ấp 8, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, 1 ổ ở ấp Bình Phong, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy và 1 ổ dịch ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. Tổng số gia cầm bị nhiễm bệnh và tiêu hủy trên 3.000 con.
Ngày 10/2 , Chi cục thú Y tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát hiện thêm 2 đàn vịt bị chết được nghi là bị dịch cúm với tổng số trên 1.500 con. Một đàn ở ấp Long Bình 1, xã Long Phú, huyện Long Mỹ và 1 đàn ở ấp Bình Tân, xã Long Bình, huyện Long Mỹ. Ngành thú y đã tiến hành tiêu hủy và đã gửi mẫu xét nghiệm nhưng đến nay chưa có kết quả.
Chi cục thú y tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc sát trùng, hóa chất tiêu độc đưa xuống hết các địa bàn có dịch để tiến hành tiêm ngừa và tiêu độc khử trùng cho đàn gia cầm. Tổng số gia cầm dự kiến tiêm trong đợt này khoảng 500.000 con, chiếm gần 30% tổng đàn. Bên cạnh đó, khi phát hiện có gia cầm bị nhiễm bệnh, lực lượng thú y sẽ nhanh chóng tiêu hủy và lấy mẫu xét nghiệm để có kết quả chính xác.
Ngoài ra, ngành còn phối hợp với chính quyền các địa phương thành lập các chốt, không cho gia cầm từ bên ngoài vận chuyển vào tỉnh và ngược lại, tăng cường công tác quản lý mua bán vận chuyển gia cầm ở các chợ cũng như trên tất cả các tuyến giao thông trên toàn tỉnh.