Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Triển khai hỗ trợ lãi suất: Doanh nghiệp chưa biết mình là ai
16 | 02 | 2009
Dù chủ trương hỗ trợ lãi suất đã đưa rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, được các ngân hàng chuyển tải đến khách hàng, nhưng nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình chưa rõ mình có thuộc đối tượng này hay không.

Rối rắm ngành nghề

Hai ngày nghỉ cuối tuần, nhiều NH tranh thủ tổ chức Hội nghị khách hàng triển khai Quyết định 131 về hỗ trợ lãi suất (LS). Rất đông người đến dự thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, kể cả sau khi được thông báo, hướng dẫn kỹ lưỡng về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, thời hạn hỗ trợ..., nhiều khách hàng vẫn chưa hiểu liệu mình có được vay hỗ trợ LS hay không.

Thắc mắc nhiều nhất là một số phân ngành kinh tế theo quy định không thuộc đối tượng hỗ trợ như: Khai thác cát, sỏi (được xếp vào ngành CN khai thác mỏ) để phục vụ sản xuất, xây dựng. Rồi hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng, hoạt động dịch vụ tại hộ gia đình cũng là một khái niệm rất rộng. Nếu chẻ ra về mặt ngữ nghĩa thì có hoạt động sản xuất, kinh doanh nào không phục vụ con người và cộng đồng?

Bản thân một số NH cũng khá lúng túng khi phân biệt vì nhiều DN đăng ký kinh doanh đa ngành nghề, đặc biệt là một số DNNVV hay thay đổi ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh. Có NH xác định DN theo ngành có doanh thu lớn, nhưng có NH lấy theo ngành nghề của mục đích sử dụng vốn vay theo từng lần nhận nợ của khách hàng.

Rất nhiều thắc mắc xung quanh các khoản cho vay ngắn hạn bằng VND để mua ngoại tệ thanh toán hàng NK tiêu dùng. Có NH đề nghị khách hàng tự tìm hiểu xem hàng NK của mình có thuộc diện hàng tiêu dùng không. Tuy nhiên, trên thực tế, thế nào là hàng tiêu dùng và hàng phục vụ SX-KD cũng chưa rõ...

Để phòng ngừa rủi ro và tránh tiêu cực, một số NH đề ra quy định nội bộ là chỉ thực hiện giải ngân khi có đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn. Tuy nhiên, quy định này khi đưa vào thực tiễn thì lại có những khó khăn, vướng mắc. Ví dụ: Đối với các DN thu mua nguyên liệu (nông, thủy hải sản, càphê...) từ các hộ sản xuất thì chưa có giấy tờ để chứng minh việc giải ngân ngay khi nhận tiền vay...

Rất nhiều câu hỏi còn chờ sự giải đáp từ NH Nhà nước (NHNN). Ông Đặng Văn Quang, Phó TGĐ NHNo&PT nông thôn VN nói: "Hỗ trợ LS là một nội dung lớn, mới, chưa có tiền lệ. Vướng mắc là không thể tránh khỏi, có những vướng mắc đã tiên liệu được, nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều vướng mắc phát sinh từ thực tiễn".

Cạnh tranh cho vay hỗ trợ LS

GĐ một chi nhánh NHTM nói: "Triển khai hỗ trợ LS, NH có ba khó khăn. Thứ nhất: Khách hàng tìm cách trả nợ đã vay hoặc cầm cố sổ tiết kiệm đang hưởng LS cao để xin vay LS thấp khiến NH thiệt hại. Thứ hai: Được vay vốn giá rẻ, sẽ có những DN không thuộc đối tượng cũng sẽ tìm mọi cách tiếp cận để vay. Thứ ba: Nếu DN sử dụng vốn không đúng mục đích, dẫn đến gia tăng nợ xấu cho NH và cán bộ NH phải chịu trách nhiệm nặng nề".
 
Tuy vậy, các NH đều coi đây là cơ hội tìm kiếm sự tăng trưởng và nâng cao chất lượng quản trị NH. Điều này thể hiện rõ nhất qua hai khía cạnh: 1/ Nhu cầu vay vốn của các tổ chức và cá nhân đã tăng rõ rệt do mức LS đã được hỗ trợ giúp DN giảm chi phí. Nhu cầu vay của các đối tượng không thuộc nhóm hỗ trợ LS như cho vay tiêu dùng cũng đã tăng hơn khá nhiều so thời gian trước đây. Hoạt động tín dụng NH có điều kiện để mở rộng và chất lượng tín dụng được nâng lên. 2/ Yêu cầu quản trị rủi ro đặt ra cao hơn do phải kiểm tra, giám sát khách hàng vay có đúng đối tượng và mục đích sử dụng vốn vay được hỗ trợ LS hay không.

Đến cuối tuần qua, hầu hết các NH đã gửi kế hoạch hỗ trợ LS tiền vay quý I/2009 đến NHNN với số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng và tỉ lệ dư nợ cho vay hỗ trợ LS chiếm từ trên 8% đến gần 40% tổng dư nợ cho vay của từng NHTM. Ngành thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, môtô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình là lĩnh vực có nhiều DN và số tiền được hỗ trợ nhất, tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường