Bình Dương đang có 96 doanh nghiệp phải giảm lao động, thu hẹp sản xuất, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do không có đơn hàng, giảm đơn hàng hoặc hàng hóa không bán được. Hệ quả là 8.515 người lao động mất việc làm và dự kiến số này sẽ tiếp tục tăng.
Nhờ nắm tình hình nhanh chóng, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo lại nghề cho số lao động nói trên, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Đồng thời nắm chắc tình hình lao động mất việc để hướng dẫn, giới thiệu số lao động này vào làm việc trong các doanh nghiệp mới thành lập đang cần lao động. Nhiều vấn đề tưởng là nan giải đã tìm được lời giải.
Vì sao liên tục nhiều năm qua Bình Dương luôn là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất nước và cũng là nơi có tốc độ thu hút vốn đầu tư cao nhất nước? Chúng ta có thể tìm được một phần câu trả lời qua việc làm nói trên của lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Đã có rất nhiều người nói về những khó khăn của doanh nghiệp sau những biến động bất thường của “cơn bão” suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong tình thế ấy, ngoài những giải pháp kích cầu của Chính phủ, doanh nghiệp rất cần đến sự “chăm sóc” trực tiếp của các địa phương. Sự “chăm sóc” bằng hỗ trợ vốn vay, giảm giá cho thuê mặt bằng... nếu có thì quá tốt, nhưng hỗ trợ của lãnh đạo địa phương đối với doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề đang phát sinh, như việc làm và lao động... vẫn luôn là sự trợ giúp quý giá đối với doanh nghiệp.
Việc làm của Bình Dương vừa qua không nằm ngoài mục đích giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đấy là cách để giữ chân doanh nghiệp và cũng là gián tiếp thu hút vốn đầu tư và sâu xa hơn nữa chính là nuôi dưỡng nguồn thu. Tất nhiên “mỗi nhà mỗi cảnh” nên không nhất thiết địa phương nào cũng phải làm giống như Bình Dương, nhưng một thái độ chia sẻ của chính quyền địa phương thì luôn cần thiết cho doanh nghiệp, nhất là lúc họ phải vượt qua giông bão.