Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thực phẩm rục rịch tăng ngay khi giá thức ăn chăn nuôi tăng đột ngột
26 | 02 | 2009
Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá thực phẩm, nhất là thịt lợn đã rục rịch tăng nhẹ do tác động của việc giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước đột ngột tăng mạnh trở lại. Giá thịt lợn tăng trung bình từ 4.000-5.000 đồng/kg; còn tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tăng 5.000-6.000 đồng/kg.

Nguồn nguyên liệu  TĂCN trên thế giới rất khan hiếm

Theo Hiệp hội TĂCN Việt Nam, giá một số loại TĂCN đã tăng rất nhanh trong mấy ngày gần đây, nhất là khô dầu đậu tương và ngô. Giá nhập khẩu khô dầu đậu tương tại cảng Hải Phòng là 435 USD/tấn, tại cảng TP. Hồ Chí Minh là 230 USD/tấn, tăng trung bình khoảng 40% so với tháng 10-2008.  Trong khi đó, giá ngô nhập khẩu và giá ngô trong nước cũng liên tục biến động. Khảo sát thị trường cho thấy, giá ngô trong nước đã tăng từ 3.400 đồng/kg lên 4.200 đồng/kg, giá thành nhập khẩu đã tăng lên 210 USD/tấn, tức tăng 10-15% so với tháng 10-2008. Nếu như thời điểm cuối năm 2008, giá đậu nành dao động 6.800-7.000 đồng/kg thì nay đã lên 9.600-10.000 đồng/kg; tấm 3.600 đồng/kg lên 5.400 đồng/kg.

Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội TĂCN cho biết: “Giá TĂCN tăng đột ngột trong mấy ngày gần đây do nguồn nguyên liệu nhập khẩu tăng, hiện chúng ta vẫn đang phải nhập tới 70% nguyên liệu sản xuất TĂCN từ nước ngoài, trong khi đó nguồn nguyên liệu TĂCN trên thế giới đang rất khan hiếm. Bên cạnh đó, do giá nguyên liệu TĂCN trên thị trường thế giới liên tiếp có những biến động mạnh khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu không dám nhập hàng. Bởi vậy, trong nước luôn luôn thiếu nguyên liệu đầu vào”.

Theo lý giải, giá TĂCN trên thị trường thế giới đột ngột tăng mạnh bắt nguồn từ nạn hạn hán ở Trung Quốc. Gần nửa năm nay tại các tỉnh miền Nam nước này đã xảy ra đợt hạn nặng. Do đó, ngay từ đầu 2009, Trung Quốc đã đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu TĂCN từ Ấn Độ, Argentina, Mỹ... dẫn đến tình trạng mất cân đối thị trường, đẩy giá tăng đột biến. Thực tế, ngay từ cuối năm 2008, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xây dựng các khu thu gom nguyên liệu để dự trữ, nhằm đối phó với đợt hạn hán này và khả năng mưa lụt xảy ra trong thời gian sắp tới. Một số doanh nghiệp và chủ chăn nuôi đã tỏ ra lo ngại trước đợt tăng giá này. Theo ông Nguyễn Như So, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Bắc Ninh, hiện các nhà sản xuất TĂCN  trong nước đang gặp khó khăn, nguồn nguyên liệu trong nước không đảm bảo, nên phải nhập siêu rất cao, trong khi đó, tỷ giá đồng đô la Mỹ ngày càng tăng cao so với tiền đồng Việt Nam, dẫn tới bất lợi cho các nhà nhập khẩu.

Giá thực phẩm rục rịch tăng theo

Với sự tăng giá trở lại của TĂCN, dự đoán từ đầu tháng 4 tới, giá thực phẩm trong nước có thể biến động theo chiều hướng tăng lên 8-10%, do các doanh nghiệp sản xuất TĂCN đã chuyển sang bán các lô nguyên liệu mới (tăng giá).

Trên thực tế, tuy giá TĂCN  mới tăng nhẹ ở một số loại, nhưng hiện giá thực phẩm trên thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu tăng, rõ rệt nhất là giá thịt lợn tăng trung bình từ 4.000-5.000 đồng/kg. Tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mức tăng cao hơn, từ 5.000-6.000 đồng/kg. Hiện tại, theo một số  chủ hàng kinh doanh thịt lợn trên địa bàn Hà Nội, không những giá thịt lợn tăng, mà nguồn hàng cũng có phần khan hiếm. Giá thịt lợn tại các chợ cũng đã  tăng nhẹ trong vài ngày gần đây. Khoảng 1 tuần trước, giá thịt lợn mông chỉ có 60.000 đồng/kg, thì nay đã tăng lên 65.000đ/kg. Sườn trước được bán với giá 60.000 đồng/kg, nay đã có giá 65.000-70.000 đồng/kg (tùy chợ). Một số chủ chăn nuôi giải thích, việc tăng giá này, ngoài nguyên nhân từ giá TĂCN, còn do nguồn cung cấp thực phẩm đang bị hao hụt mạnh sau đợt Tết Kỷ Sửu, cộng với tình trạng dịch bệnh (lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm) liên tiếp xảy ra qua các năm khiến người chăn nuôi nhiều nơi không còn mặn mà với con gà, con lợn.

Ông Lê Bá Lịch cho biết thêm: “Đến thời điểm này, vẫn chưa thể dự báo được diễn biến của thị trường TĂCN trong thời gian tới như thế nào. Mặc dù, rất ít khả năng giá nguyên liệu TĂCN có thể tăng trở lại mức cao như hồi tháng 6-2008, song chắc chắn giá nhiều loại TĂCN sẽ rục rịch tăng theo trong thời điểm này".

Tháng 12-2008 và tháng 1 năm nay, Cục Chăn nuôi đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ với người chăn nuôi hạ giá thành xuống, khi giá các loại nguyên liệu TĂCN trên thế giới giảm, nhưng rất ít doanh nghiệp chịu giảm. Đến nay khi giá nguyên liệu vừa tăng nhẹ trở lại, một vài doanh nghiệp đã rục rịch tăng giá bán.

Theo phân tích của các chuyên gia, các doanh nghiệp hiện quá coi trọng lợi nhuận, không có tinh thần chia sẻ nên đẩy người chăn nuôi vào chỗ bất lợi. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam bức xúc: "Giảm giá thành TĂCN đã đề cập đến nhiều nhưng chưa có giải pháp quản lý chặt chẽ việc giảm giá TĂCN. Trong thời gian tới, nếu các doanh nghiệp không chịu giảm giá, Hiệp hội xin đứng ra tự đặt mua nguyên liệu và sản xuất gia công. Như vậy, mới tạo được áp lực buộc các doanh nghiệp phải hạ giá bán". Tuy nhiên, ông Dũng lo ngại, việc giảm giá có thể dẫn tới chất lượng TĂCN cũng giảm theo. Do vậy, theo ông Dũng, trong thời gian tới phải tăng cường kiểm soát chất lượng TĂCN, liên tục kiểm dịch, siết chặt việc quản lý.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp& PTNT Cao Đức Phát cũng đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu giải pháp giảm giá TĂCN ngay trong tuần này để tránh tác động tới giá thực phẩm trong nước.



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường