Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hơn 7.000 tỷ đồng \"thúc\" gạo tăng sức cạnh tranh
04 | 03 | 2009
Đề án xây hệ thống kho trữ lúa gạo hiện đại với tổng công suất bốn triệu tấn, số vốn hơn 7.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng giao bộ NN&PTNT soạn thảo. Đây là giải pháp được kỳ vọng giúp cải thiện sức cạnh tranh và khả năng điều tiết của gạo Việt Nam.

Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt gần 2,9 tỷ USD, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế. Nhưng khả năng điều tiết thị trường của lúa gạo Việt Nam vẫn rất yếu.

Mất hàng trăm tỷ đồng mỗi năm do thiếu kho

Hiện, sản lượng lúa hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 38 triệu tấn, trong đó một nửa thuộc các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn thiếu sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, bảo quản, dự trữ và lưu thông…do vậy rất dễ “tổn thương” trước biến động của thị trường.

Hiện nay, tổng tích lượng kho bảo quản lúa gạo của ĐBSCL chỉ đạt 1,2 triệu tấn, hiệu suất sử dụng kho đạt 30%. Trong khi ở ga, cảng (đầu mối giao thông quan trọng cho xuất khẩu gạo) lại thiếu kho chứa, nhất là các loại kho lớn, trang bị hiện đại. Việc này đã gây tổn thất không nhỏ cho ngành hàng lúa gạo trong những năm vừa qua.

Trong năm 2008, điệp khúc “được mùa rớt giá” đã lặp lại với nông dân ĐBSCL cũng bởi khi thị trường xuất khẩu chững lại, các doanh nghiệp không đủ năng lực kho bãi để thu mua hết lúa. “Chỉ tính riêng Tiền Giang, một trong những tỉnh sản xuất lúa trọng điểm của khu vực ĐBSCL, mỗi năm người nông dân tỉnh này đã mất khoảng 62 tỷ đồng do thiếu kho trữ”, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết.

“Việc thiếu hệ thống kho bãi dự trữ đã làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo liên tục bị động trước mọi diễn biến của thị trường”, ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam nói.

Hỗ trợ đất đai, tài chính, tín dụng

Với số vốn hơn 7.000 tỷ đồng, đề án được kỳ vọng sẽ cải thiện sức cạnh tranh của gạo Việt Nam. Phương án đầu tư xây dựng hệ thống kho sẽ được chia ra làm hai phần là sửa chữa, nâng cấp hệ thống kho cũ; xây mới các kho hiện đại và sẽ được tiến hành trong vòng ba năm, từ 2009 đến 2011.

Tổng tích lượng các kho đầu tư mới là 2,8 triệu tấn, trong đó có 1.600 kho silo (kho trung gian lưu giữ gạo trước khi đóng bao hoặc xuất rời), dung tích mỗi siloo chứa từ 500 tấn trở lên.

“Các kho này được trang bị đồng bộ hệ thống sấy tháp, băng tải, đảo trộn và các thiết bị thông gió vận hành tự động và tập trung tại các vùng trọng điểm gần cảng biển như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, TP HCM”, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối, cho biết. Số còn lại sẽ là các loại kho vòm cuốn, kho A1, với tổng tích lượng khoảng hai triệu tấn, cũng phải đảm bảo có trang bị máy sấy và sân phơi.

Ông Hòa cũng cho biết, về cơ chế xây dựng và vận hành, Nhà nước sẽ không bao cấp, chỉ tạo cơ chế và hành lang pháp lý để hỗ trợ, quyền tự chủ hoàn toàn nằm trong tay doanh nghiệp. Có hai dạng hỗ trợ là đất đai và tài chính, tín dụng. Các đơn vị xây dựng kho chứa sẽ được ưu đãi, miễn giảm thuế đất, hỗ trợ tiền đầu tư, giải phóng mặt bằng. Về tín dụng, sẽ đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp, như vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ chênh lệch lãi suất vay, hạn mức vay có thể lên tới 80% tổng mức của từng dự án trong thời gian từ 5 đến 10 năm.

Doanh nghiệp và Sở NN&PTNT của 13 tỉnh thuộc đề án này đã gửi kiến nghị và đề xuất các phương án xây kho thuộc địa bàn phụ trách.

Ông Trần Bá Hoàn, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Bắc cho biết, vấn đề khó khăn nhất mà tổng công ty đang mắc phải là giải phóng mặt bằng. Cơ chế để chuyển từ đất chung thành đất riêng rất khó. Trong khi đó, đề án xây dựng kho chứa 200.000 tấn tại chợ đầu mối ĐBSCL của Tổng công ty lương thực miền Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng mặc dù đề án đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2004.

 
 
 



Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường