Mất mùa
Với diện tích trên 52.000ha, Bù Đăng là một trong những huyện có diện tích điều lớn nhất tỉnh Bình Phước. Những ngày này dù đã vào vụ mùa nhưng không khí thu hoạch ở các vườn điều khá im ắng.
Ông Trần Văn Bính ở xã Minh Hưng thở dài: “Vụ điều năm nay coi như mất trắng. Gia đình tôi trồng hơn 10ha, vậy mà mỗi ngày chỉ hái được 30- 40kg, không bằng 25% so với năm ngoái. Tình hình này không đủ tiền thuê nhân công và chi phí đầu tư”.
Ông Lê Văn Bằng, chủ 2ha điều ở xã Đức Liễu lắc đầu: “Chưa bao giờ cây điều thất bát nặng nề ngay đầu vụ như năm nay. Nhìn khu vườn thưa thớt mà lòng đau như cắt, năm nay lỗ là cái chắc”.
Theo nhiều nông dân trồng điều cho biết, thời tiết thất thường, mưa trái mùa diễn ra ngay lúc điều bung bông nên phấn bị trôi hết không đậu trái được. Ai giỏi cách mấy cũng đành bó tay vì không cách nào khắc phục.
Ông Nguyễn Thượng Chiến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đăng, lo lắng: “Nhiều diện tích điều đang bị khô bông, khô trái rồi rụng dần gây thiệt hại lớn. Ước tính toàn huyện mất khoảng 50% - 60% sản lượng vào thời điểm đầu vụ”.
Hiện tại ngành nông nghiệp đang tích cực hỗ trợ nông dân nhiều biện pháp khôi phục cây điều, tìm cách lấy bông các đợt tới hiệu quả hơn. Dù vậy, nhiều người vẫn phập phồng khi thời tiết diễn biến không thể lường trước được.
Tại Đồng Nai, tình hình cũng tương tự. Nhiều hộ trồng điều ở các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Long Thành… mặt ủ mày ê vì vụ mùa tệ hại.
Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc cho biết: “Toàn xã có trên 1.259ha điều, đây là loại cây nông nghiệp chủ lực. Do đó, điều mất mùa sẽ làm nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn”.
Thạc sĩ Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, cho biết thêm: “Cùng với mưa trái mùa thì năm nay rất nhiều vườn điều thiếu đầu tư chăm sóc dẫn đến sản lượng sa sút trầm trọng. Nguyên nhân là do năm ngoái vật tư cao, giá điều thấp dẫn đến lỗ vốn, từ đó người dân chán nản. Hầu hết 50.000ha điều ở Đồng Nai bị mất mùa, sản lượng giảm từ 30% trở lên”.
Theo Thạc sĩ Vinh tính toán, nếu năng suất điều đạt từ 2 tấn/ha trở lên, giá bán 10.000đ/kg thì nông dân mới sống được. Trong khi năng suất bình quân năm nay đạt chưa tới 1,2 tấn/ha và giá lúc này chỉ 9.000 - 9.500đ/kg. Từ đó cho thấy, đời sống nông dân trồng điều hết sức bấp bênh.
Lại thêm tắc đầu ra
Trong lúc nông dân “kêu trời” vì mất mùa thì các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng “chết đứng” vì không có đầu ra.
Ông Phạm Văn Chế, Giám đốc Công ty TNHH Hàm Long (Tây Ninh) than thở: “Suốt 2 tháng qua, công ty xuất chưa được 3 container và nhận rất ít đơn hàng; trong khi thời điểm này năm ngoái rất sôi động”.
Lý giải tình trạng ảm đạm trên, ông Chế cho rằng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến thị trường tiêu thụ nhân điều ở Hoa Kỳ, châu Âu… giảm mạnh. Điều đáng lo ngại là không chỉ giảm về giá mà sợ nhất là nhà nhập khẩu không mua hàng.
Tắc đầu ra, doanh nghiệp “chết đứng” vì không thể sản xuất được. Tại Công ty TNHH Vàm Cỏ Đông, 2 tháng đầu năm 2009 chỉ xuất được 100 tấn nhân điều, chưa bằng 50% so cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo công ty thừa nhận, với tình hình này thì càng làm nhiều càng lỗ nhiều, vì thế đành co hẹp lại, sản xuất cầm chừng đợi thời cơ.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), sức mua trên thị trường thế giới đang giảm khoảng 50% nên 2 tháng qua toàn ngành chỉ xuất được hơn 24.000 tấn. Bất lợi lớn nhất là hạt điều dù bổ dưỡng nhưng thuộc loại “ăn chơi” chứ không phải là thực phẩm chủ lực buộc phải sử dụng hằng ngày. Vì thế khi kinh tế khó khăn người tiêu dùng sẽ cắt giảm.
Hiện tại, khá nhiều doanh nghiệp trong nước thiếu đơn hàng, dù giá xuất khẩu đã giảm xuống 4.000- 4.300 USD/tấn, trong khi giá bình quân của năm 2008 là 5.000- 5.500 USD/tấn.
Để tránh những bất trắc xảy ra, Vinacas yêu cầu các doanh nghiệp phải thận trọng khi ký hợp đồng xuất khẩu trong năm 2009. Trước nhất nên chọn những khách hàng tin tưởng, có uy tín… mới giao hàng nhằm đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, không nên ký hợp đồng tràn lan với giá thấp sẽ làm rối thị trường, gây thiệt hại lớn. Ông Nguyễn Đức Thanh, quyền Chủ tịch Vinacas cho rằng, với chủ trương bù lãi suất mà các ngân hàng đang triển khai sẽ trợ giúp rất lớn cho doanh nghiệp ngành điều.
Song song đó, Vinacas tiếp tục xin vay thêm một phần kinh phí với lãi suất bằng 0% để các doanh nghiệp tăng nội lực, tránh bị nhà nhập khẩu ép giá. Mặt khác, cơ cấu lại sản phẩm theo chiều hướng giảm chi phí giá thành, tăng chất lượng và phù hợp với từng thị trường khác nhau.
Ngoài ra, Vinacas cũng kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, lùi thời hạn nộp thuế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm thị trường mới nhằm cố gắng duy trì sản xuất trong thời buổi khó khăn.
Năm 2008, cả nước xuất khẩu 167.000 tấn hạt điều, đạt kim ngạch 920 triệu USD, tăng trên 40% về giá trị so năm 2007. Năm 2009, dự kiến xuất 175.000 tấn, kim ngạch 875 triệu USD, tuy nhiên rất khó hoàn thành.
Hiện tại, khoảng 95% hạt điều xuất khẩu, chỉ 5% tiêu thụ nội địa. Vì vậy phải chờ khi thị trường Hoa Kỳ, châu Âu… tiêu thụ tăng lên thì doanh nghiệp mới bớt khó khăn.
Theo Vinacas, 1kg hạt điều bán trong nước chỉ 60.000 - 70.000đ, giá không cao so với các loại bánh hoặc trái cây ngoại nhập nhưng người tiêu dùng ít mua, trừ dịp tết. Vì vậy, tới đây, rất cần một chiến lược kích cầu tiêu thụ nội địa, tìm hướng đi mới cho ngành điều.