Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tích tụ ruộng đất: Hãy biến nông dân thành cổ đông
30 | 03 | 2009
Nên lập các công ty nông nghiệp, trong đó nông dân là người góp đất, góp vốn, công sức và được ăn chia sòng phẳng.

Tích tụ ruộng đất vào tay ai và nông dân sẽ giữ vai trò thế nào trong chủ trương này? Ý kiến dưới đây của ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang (ảnh).

Công ty cổ phần phải khác hợp tác xã

Để tránh nông dân thất nghiệp khi mất đất thì không gì khác hơn là phải tích tụ theo hướng góp vốn cổ phần. Tức là nhà nước khuyến khích nông dân thành lập các công ty cổ phần sản xuất nông nghiệp trên cơ sở ai có tiền hùn tiền, có đất hùn đất, có công cụ lao động hùn công cụ lao động...

Tuy nhiên, mô hình công ty này đặc biệt lưu ý là phải khác với các hợp tác xã ngày xưa. Bộ máy lãnh đạo công ty được bầu bán trên cơ sở ý kiến thống nhất của tập thể nông dân, hoàn toàn dân chủ và sản xuất, ăn chia lợi nhuận theo quy chế công ty, phù hợp với pháp luật của nhà nước.

Ông Nguyễn Văn HơnKhi ấy, tài sản mà nông dân hùn vào công ty sẽ được định ra bằng tiền, tính theo giá cả thị trường tại thời điểm góp vốn. Như vậy, nông dân nào tham gia góp vốn thì được ăn chia sòng phẳng. Còn ai không có vốn, lỡ bán hết đất thì vào làm công cho các công ty cổ phần. Công ty cổ phần sản xuất nông nghiệp, theo tôi nghĩ sẽ có cả một quy trình khép kín, từ sản xuất cho đến chế biến. Chỉ mỗi việc tiêu thụ là do nhà nước làm. Ví dụ, một công ty chọn việc trồng lúa để làm kinh tế chủ lực thì ở công ty phải thiết lập cho được hạ tầng cơ sở có đầy đủ các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất ra hạt lúa. Công ty cũng cần có nhà máy xay xát lúa gạo, chuyên xay và lau bóng gạo để cho vào kho dự trữ. Khi nào giá thị trường thế giới tăng, Chính phủ khuyến khích xuất khẩu thì các công ty bán cho những công ty lương thực của nhà nước. Thậm chí, mỗi công ty đều cần có bộ phận tín dụng ngân hàng chuyên lo vấn đề vốn. Nhìn tổng thể, mô hình công ty cổ phần sản xuất nông nghiệp như một xã hội thu nhỏ. Ở đó cũng sẽ có các bộ phận làm lộ giao thông để vận chuyển vật tư cho canh tác cho một diện tích lớn. Đồng thời, cũng có người phải đào kênh, xẻ ruộng làm thủy lợi nội đồng...

Cái khó nhất là quyết tâm

Thực tế mô hình dạng công ty cổ phần và làm ăn dân chủ tập thể như thế đã hình thành rồi tại An Giang. Chẳng hạn, mô hình sản xuất khép kín của Công ty Agifish. Công ty này làm ăn rất thịnh vượng khi huy động người dân góp vốn cổ phần rồi tổ chức vùng nuôi cá tra trên cơ sở đất hùn của nông dân. Công ty đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm, trên cơ sở đảm bảo luôn đồng lời. Cuối năm tất cả chia lời theo tỷ lệ góp vốn. Công nhân là con em của cổ đông, là người không có đất ruộng cũng được nhận đào tạo và làm công ăn lương hàng tháng. Tuy nhiên, do chưa được nhà nước hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định nên công ty này chưa thể mở rộng hơn nữa.

Theo tôi, khi đi lên nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thì vấn đề an sinh xã hội không là chuyện đáng lo ngại. Cái lo ngại lớn nhất vẫn là quyết tâm. Khi chính quyền mỗi tỉnh chịu đứng ra tính toán, quy hoạch đất đai và tổ chức lại sản xuất cho đàng hoàng thì vì lợi ích khi vào làm ăn tập thể, nông dân có thể làm được mọi chuyện.

Thạc sĩ Trần Sinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Tích tụ vào tay các công ty của nhà nông

Thực tiễn cho thấy hạn điền đã làm cho sản xuất nông nghiệp đi vào nhỏ lẻ, manh mún. Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trái cây lớn nhất cả nước với 400.000 ha nhưng tìm một container xoài cát Hòa Lộc để xuất khẩu kịp thời không thể có. Bưởi da xanh, Năm Roi đã trở thành thương hiệu nhưng để đảm bảo sau bao nhiêu ngày có được vài container xuất khẩu cũng khó có thể thực hiện.

Ngành nông nghiệp không thể tồn tại một nền sản xuất tự sản tự tiêu mà cần một nền sản xuất hàng hóa với sản phẩm có chất lượng cao. Muốn thế, ta phải hình thành một nền sản xuất nông nghiệp quy mô.

Vấn đề là ai sẽ tích tụ đất đai. Đó là những hợp tác xã kiểu mới hoặc công ty cổ phần nông nghiệp. Như vậy, việc tích tụ đất đai phải dựa vào các loại hình doanh nghiệp.

Phát canh thu tô là hoạt động của địa chủ dựa vào chính quyền thực dân để bao chiếm đất và chiếm cả đất khẩn hoang của nông dân, rồi cho nông dân thuê lại đất để thu lúa ruộng. Hình thức này đã bị lên án, nếu quay lại cũng sẽ lập tức bị sự đào thải của xã hội. Muốn tránh sự tái diễn của hình thức phát canh thu tô, nhà nước phải có cơ chế làm hành lang pháp lý cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hoài, nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang:

Quy định rõ cấm phát canh thu tô

Tôi hoàn toàn ủng hộ phương thức tích tụ ruộng đất, đi đến sản xuất nông nghiệp quy mô lớn bằng việc hùn vốn cổ phần. Tôi cho rằng đây là mô hình tối ưu nhất, tránh được nạn phát canh thu tô kiểu cũ. Bởi vào làm ăn cổ phần thì quyền lợi và nghĩa vụ của các bên ngang nhau. Khi bộ máy lãnh đạo của công ty cổ phần có vấn đề thì nông dân có quyền ngồi lại để bất tín nhiệm họ. Mà làm ăn theo kiểu này thì không thể xảy ra phát canh thu tô. Một khi muốn chống cái này thì không có gì khó cả, nhà nước chỉ cần ban hành chính sách hoặc quy định hẳn vào luật là cấm phát canh thu tô. Và quy định người có vốn lớn, đất nhiều thì được chia nhiều lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp. Người làm công hoàn toàn được công ty trả lương, bất luận đó là người có đất hùn hay không có. Có vậy thì vấn đề phát canh thu tô mới không có đất dụng võ.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường