Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN nông nghiệp “chơi vơi” với vốn
07 | 05 | 2009
Khi gói kích cầu đã triển khai trên diện rộng, số lượng DN được hưởng hỗ trợ càng nhiều lên, đã tạo sức ép đối với các ngân hàng trong việc giải quyết thủ tục vay vốn của DN.
Khó thẩm định giá

Theo phản ánh của nhiều DN, một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay trong việc tiếp cận nguồn vốn chính là việc định giá tài sản thế chấp. Ví dụ một mảnh đất có giá trị 2 tỷ đồng, nhưng đến khi định giá chỉ còn 1 tỷ đồng, và như vậy số vốn mà DN được vay cũng giảm theo. Nhiều DN cảm thấy bức xúc khi họ có nhu cầu vay vốn ngân hàng, nhưng  hầu hết đều bị thẩm định giá tài sản thế chấp thấp hơn nhiều so với giá trị thực.

Tuy nhiên, phía ngân hàng lại chống chế việc thẩm định giá “thụt lùi” đó là để đề phòng thị trường khi xảy ra rủi ro, lấy phần an toàn về phía mình. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Phần lớn các DN hiện nay không đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất, do không đủ điều kiện tín chấp: hoặc là không có hợp đồng, hoặc là không còn khả năng tín chấp (đã tín chấp ở khoản vay khác).

Các quy định cho DN vay vốn hỗ trợ lãi suất cũng có nhiều điểm chưa hợp lý. Một số DN cho biết, Bộ Công Thương xếp nguyên liệu thủy sản và điều thô vào mặt hàng tiêu dùng, nên các DN thủy sản và điều không được các ngân hàng xét cho vay vốn ưu đãi, trong khi các DN này chỉ thu mua thủy sản và điều dưới dạng nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Ông Nguyễn Thế Nam – Giám đốc Cty Khang Việt cho biết khó khăn còn ở những bất cập trong chính sách thuế đối với DN nông sản. Ông Nam chia sẻ, DN nông sản chính là đầu ra cho sản phẩm của nông dân. Khi DN mua sản phẩm nông nghiệp của nông dân thì làm sao có hóa đơn. Hơn nữa, khi Cty mua nguyên liệu với giá  8.000 đ, bán ra 10.000 đ thì đánh thuế trên phần giá trị gia tăng là 2.000 đ chứ sao lại là 12.000 đ? - Ông Nam bức xúc.

Gỡ khó cho DN

Để khơi thông nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho các DN nông thôn, các ngân hàng cần tích cực đồng hành cùng DN ngay từ quá trình lập dự án.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay các DN cho rằng các ngân hàng cần tận dụng mọi khả năng để DN có thể thế chấp vay vốn, bên cạnh đó cũng nên phát triển hình thức tín chấp thông qua các tổ chức ở địa phương, các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, các Hiệp hội, làng nghề...

Các DN cũng cho rằng việc khoanh hoặc giãn nợ cũ vừa giúp cho DN có thể vay vốn mới để thực hiện hợp đồng mới hoặc thực hiện những dự án đầu tư khả thi, vừa giúp cho ngân hàng làm sạch sổ sách, không còn nợ xấu.

Anh Huỳnh Trung Nam - Ngân hàng NN và PTNT tại TP HCM cho biết: Đối với những DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, những DN chuyên thu mua hàng từ trong dân để xuất khẩu, việc đòi hỏi chứng từ hợp lệ là khó. Ngân hàng vẫn chấp nhận các bảng kê thu mua hàng. Tuy nhiên, nhiều DN lại không có các chứng từ và hóa đơn thuế thường xuyên nên ngân hàng khó có thể giải quyết cho vay vốn.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, tình trạng quản lý thiếu nền nếp của các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở VN đã tồn tại từ rất lâu, và khó có thể đi vào bài bản ngay tức thì. Do vậy, để khơi thông nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho các DN nông thôn, các ngân hàng cần tích cực đồng hành cùng DN ngay từ quá trình lập dự án. Khi đã có được dự án tốt thì các ngân hàng sẽ không mất nhiều thời gian thẩm định dự án để xét duyệt cho vay vốn, và điều quan trọng là giảm thiểu được rủi ro khi cho DN vay vốn.


Nguồn: www.dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường